Theo Luật sư Vũ Quang Ninh, ĐLS tỉnh Quảng Ninh thì sau sự việc một số cơ quan báo chí phản ánh về việc bà Phạm Thị Yến tuyên truyền vong báo oán ở chùa Ba Vàng, UBND phường Quang Trung, TP Uông Bí đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 01/QĐ-XPVPHC ngày 26/3/2019 xử phạt bà Phạm Thị Yến với mức phạt 5 triệu đồng về vi phạm “lợi dụng hoạt động thỉnh vong gọi hồn làm ảnh hưởng đến nếp sống văn hóa”.
Mặc dù bà Phạm Thị Yến chưa thực hiện nộp phạt nhưng đã có thông tin con trai bà Yến nộp phạt thay mẹ khiến cho cả người bị xử phạt và người nhà bà Yến phản ứng không đồng tình. Quyết định xử phạt hành chính sau đó được lan truyền trên mạng xã hội với những bình luận khiếm nhã khiến cuộc sống của bà Yến bị ảnh hưởng không nhỏ.
Phản ứng trước sự việc bị xử phạt hành chính, ngày 17/4/2019, bà Phạm Thị Yến đã có đơn khiếu nại gửi UBND phường Quang Trung, yêu cầu hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà Chủ tịch UBND phường đã ban hành ngày 26/3/2019.
Trong đơn khiếu nại, bà Phạm Thị Yến đưa ra một lý do duy nhất để đòi hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đó là việc quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND phường Quang Trung không tuân thủ quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục xử phạt hành chính do chính quyền không lập biên bản vi phạm đối với cá nhân bà Yến theo quy định để làm căn cứ cho việc xử phạt.
“Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 01/QĐ-XPVPHC của Chủ tịch UBND phường Quang Trung xử phạt cá nhân tôi đến mức 5 triệu đồng phải có biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Quyết định của UBND phường Quang Trung không có biên bản vi phạm hành chính là không có căn cứ và trái pháp luật”, bà Phạm Thị Yến nêu lý do trong đơn khiếu nại.
UBND phường Quang Trung đã nhận được đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Yến nhưng chưa có quyết định giải quyết khiếu nại. Vì vậy, ngày 9/5/2019, bà Yến tiếp tục có đơn yêu cầu giải quyết khiếu nại đúng luật vì theo quy định, UBND phường Quang Trung phải giải quyết đơn trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn.
Nhận xét về việc bà Phạm Thị Yến khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Luật sư Vũ Quang Ninh cho rằng, phải rất công bằng trong việc giải quyết các quan hệ pháp luật giữa chính quyền và công dân. Theo đó, nếu một công dân thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì chính quyền phải xem xét và xử lý, đó là tất yếu. Nhưng việc xử lý của chính quyền cũng phải đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định.
“Nếu cơ quan xử phạt không tuân thủ các thủ tục pháp lý vốn rất chặt chẽ, quyết định hành chính của chính quyền sẽ bị đương sự khiếu nại vì đương sự có quyền khiếu nại hợp pháp”, Luật sư Vũ Quang Ninh cho biết.
Theo Luật sư Lê Văn Kiên, ĐLS TP Hà Nội thì khi xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan xử phạt đã mắc lỗi “nghiêm trọng” đó là không lập biên bản vi phạm hành chính làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm. Do đó, người bị xử phạt hoàn toàn có quyền khiếu nại và chính quyền buộc phải giải quyết khiếu nại theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.
“Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực mình quản lý, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm, trừ các trường hợp mà pháp luật quy định việc xử phạt không phải lập biên bản. Các trường hợp vi phạm hành chính có mức phạt từ 250 nghìn đến 500 nghìn đồng thì không phải lập biên bản còn đối với các vi phạm có mức phạt cao hơn thì phải lập biên bản làm căn cứ xử phạt. Trường hợp xử phạt bà Yến 5 triệu đồng mà không có biên bản vi phạm là thực hiện không đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp bị khởi kiện hành chính, quyết định xử phạt không đúng pháp luật có thể bị hủy bỏ”, Luật sư Lê Văn Kiên nhấn mạnh.
Khi người bị xử phạt “soi” rất kỹ quyết định xử phạt thì việc tuân thủ pháp luật của cơ quan xử phạt vi phạm mới bộc lộ nhiều bất cập. Với việc không có biên bản vi phạm hành chính làm căn cứ thì quyết định xử phạt hành chính đối với bà Yến liệu có hợp pháp và có thể thực thi?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.