Vụ án xảy ra tại bãi Lục Chắn, huyện Móng Cái liên quan đến một “đại gia” vùng biên còn nhiều uổn khúc, nhất là mức án tử hình dành cho Giám đốc Công ty Quang Phát và án tù chung thân cho ông Bùi Hải Bài, người bị kết tội vì chỉ gọi một cuộc điện thoại…
Những ẩn số của vụ án
Báo Pháp luật Việt Nam vừa đăng bài “Bỏ lọt tội phạm” phản ánh việc giải quyết vụ án “giết người” ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh khiến hai anh em chủ doanh nghiệp Quang Phát phải lĩnh án tử hình. Sau khi bài báo đăng, chúng tôi tiếp tục nhận được những thông tin cho thấy vụ án có những uổn khúc bất thường.
Các bị cáo trong vụ án tại tòa |
Trước tiên là sự xuất hiện của bị hại tại khu vực bến Lục Chắn. Theo lời khai của ông Lê Hữu Vinh, Phó Giám đốc Cty Hồng Kông thì Lê Văn Điệp và Nguyễn Minh Trí ở đây để “đón hàng”. Nhưng thực tế ngày 30/5/2009, Cty Hồng Kông không có hàng xuất qua cửa khẩu này. Hơn nữa, nếu “đón hàng” thì không cần chuẩn bị vũ khí “nóng” trong khi Điệp đã điện thoại bảo hai đàn em là Đoàn Quyết Chiến, Vũ Trọng Anh mang mìn, súng thể thao đứng đợi cách chỗ của Điệp và Trí 100m, giống như việc chuẩn bị cho một cuộc chiến.
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Tiến Chung, khi nhóm người của Chung đến chỗ Điệp và Trí, hai bên đã xông vào đánh nhau. Giữa Vũ Ngọc Tuất và Trí có “thù cũ” nên Trí đã gạt Chung ra, cầm súng bút bắn Tuất nhưng đã bị Tuất bắn trúng đùi. Điều này cũng được Anh và Chiến thừa nhận. Sau này, chính Tuất đã đưa bị hại Điệp, Trí sang Trung Quốc và giao cho các đối tượng người Trung Quốc sát hại. Tuy nhiên, không hiểu sao ông Nguyễn Tiến Phương, Giám đốc Cty Quang Phát lại được xác định là chủ mưu của vụ trọng án này.
Một tình tiết gây tranh cãi nữa là số tiền 20 vạn Nhân dân tệ (NDT) mà Phương đưa cho Chung. Khi biết nhóm người Tuất, đánh và bắn bị thương Điệp, Trí, Phương đã chửi mắng Chung vì đã “rước họa” vào thân. Theo lời khai của bị cáo Chung thì khi Chung xin tiền đi cứu chữa cho Điệp và Trí, Phương đã đưa 20 vạn NDT. Nhưng khi ở đất Trung Quốc, nhóm người Trung Quốc và Tuất đã giết hại anh Điệp, Trí thì số tiền này lại được dùng để “trả công” kẻ sát nhân. Mặc dù tất cả các nhân chứng liên quan đến việc này đều khai là số tiền được Phương đưa cho em để cứu chữa bị hại, nhưng Phương lại bị quy là sử dụng tiền này để giết người.
Cuộc điện thoại trả cước bằng án chung thân
Không chỉ bị cáo Phương bị án tử hình khi các tài liệu, chứng cứ không đủ, bị cáo Bùi Hải Bài cũng bị xử phạt tù chung thân ở hoàn cảnh tương tự. Trong toàn bộ sự việc, Bài làm một việc duy nhất là gọi một cuộc điện thoại.
Khi được tin có người chặn hàng, Phương bảo Bài gọi Khổng Thanh Thu lên xem ai chặn xe hàng nhưng Thu bị ốm. Vì vậy, Bài gọi cho Chung lên giải quyết. Toàn văn cuộc gọi chỉ là “hàng hóa bị bọ nó chặn, không cho xuất, lên ngay để giải quyết”. Sự việc sau đó Bài không can dự. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng Quảng Ninh xác định bị cáo này là nhân vật “số 3” trong vụ án.
Vụ án “giết người” này được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tính chất nghiêm trọng của nó, đặc biệt bản án tử hình dành cho hai anh em người có địa vị nhất trong giới kinh doanh vùng biên này. Song bản án để lại những hoài nghi về tính khách quan của những lời buộc tội khi mà đại diện bị hại cũng phải lên tiếng “bênh” bị cáo. Với những “ẩn số” chưa được làm rõ của vụ án, có thể sẽ có người bị xử tử và người ngồi tù chung thân oan.