Nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, kỳ thi xét tuyển đại học và cao đẳng năm 2022 có 5 phương thức xét tuyển có số lượng thí sinh nhập học cao nhất gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng theo đề án của trường, xét theo bài thi đánh giá năng lực và phương thức khác. Cùng với đó, cũng có 5 phương thức xét tuyển với số lượng thí sinh nhập học thấp nhất gồm: xét tuyển qua phỏng vấn, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, thi văn hóa ở các trường.
Đồng thời, thống kê số liệu từ các phương thức tuyển sinh được các trường đại học đưa ra trong năm 2022 cho thấy phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn chiếm ưu thế với thí sinh nhập học chiếm 52,3% tổng số thí sinh nhập học; phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ với số thí sinh nhập học chiếm 36,2%. 16 phương thức còn lại tỉ lệ thí sinh nhập học đều dưới 10% tổng số thí sinh nhập học. Theo Bộ GD&ĐT, số liệu cho thấy, nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả, gây nhiễu loạn thông tin cho thí sinh, thậm chí gây mất công bằng.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, mùa tuyển sinh năm nay vẫn còn tồn tại, hạn chế, thí sinh gặp một số rắc rối trong quá trình thao tác trên hệ thống, nhiều nhất là chọn nhầm phương thức xét tuyển do một số trường đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển. Trong đó có gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, là con số cần nghiên cứu.
Bà Thủy cho biết, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc năm 2022 đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 cơ sở đào tạo (50,4%) đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu.
Thực tế năm 2022, thí sinh xét tuyển bằng phương thức chỉ lấy điểm thi tốt nghiệp THPT đã chờ đợi ròng rã… 3 tháng mới biết là đỗ hay trượt! Và với phương thức đặt nguyện vọng, trúng tuyển ở đâu dừng lại ở đó, nhiều thí sinh đã đỗ vào những ngành học không như mong đợi, nếu không biết cách sắp xếp nguyện vọng theo ưu tiên của bản thân.
Theo bà Thủy, Bộ GD&ĐT rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù). Tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Do đó, Bộ tiếp tục nâng cấp, bổ sung chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn. Các trường nên cân nhắc trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau, một mặt đảm bảo hiệu quả và quan trọng nhất tuyển sinh phải đảm bảo tin cậy, công bằng giữa các thí sinh.
Dự kiến không ban hành Quy chế tuyển sinh mới
Đại diện các trường đều bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT sớm công bố các thay đổi vì thay đổi dù chỉ là kỹ thuật cũng sẽ tác động rất lớn với thí sinh và các trường. Các trường sẽ thuận lợi xây dựng kế hoạch tuyển sinh theo đúng hướng, tránh công bố rồi lại phải điều chỉnh. Việc công bố sớm cũng giúp công tác tuyển sinh của các trường đại học không bị chậm trễ như năm 2022, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo trong năm học.
Về những khó khăn mà các cơ sở đào tạo đề cập, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ sẽ tiếp thu và từng bước hoàn thiện, từ đó tháo gỡ khó khăn cho các trường.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, năm 2023 Bộ GD&ĐT dự kiến không ban hành Quy chế tuyển sinh mới. Về cơ bản, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo và thí sinh trong quá tình xét tuyển. Với mục tiêu cố gắng để đơn giản hóa đến mức có thể thủ tục cho thí sinh, năm 2023 trên phần mềm, thí sinh sẽ không cần phải lựa chọn phương thức. Thí sinh chỉ chọn ngành, chương trình đào tạo, hệ thống chung và hệ thống của các trường phải có cách lọc để thí sinh căn cứ đăng ký vào ngành sẽ tự động xét phương thức nào có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đến nay một vài phương án đã được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia, tuy nhiên trước khi lấy ý kiến rộng hơn cần cân nhắc nhiều phương diện. Điều quan trọng nhất là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay, điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chương trình này tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực.