Minh họa: INT |
Giá xuất khẩu bằng 1/3 giá thành
Theo báo cáo của Cục Thuế Lâm Đồng, tính đến thời điểm 31/12/2010 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 110 doanh nghiệp (DN) FDI, trong đó có 17 DN FDI hoạt động trong lĩnh vực trồng và chế biến chè. Những DN này khai lỗ nhiều năm liên tục, trong đó nhiều đơn vị lỗ gần hết vốn đầu tư, ngoài ra còn các khoản phải trả rất lớn. Số lỗ năm 2009 là 63,68 tỷ đồng, số lỗ lũy kế đến 31/12/2009 là 317 tỷ đồng, trong đó số lỗ lũy kế còn trong hạn chuyển lỗ là 264 tỷ đồng. Lỗ như vậy nhưng thực tế các DN này không những hoạt động bình thường mà họ còn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh, đầu tư nhà xưởng, máy móc trang thiết bị, thuê thêm đất trồng chè...
Thông qua nghiệp vụ rà soát, kiểm tra, phân tích hồ sơ Cục Thuế Lâm Đồng nhận thấy các đơn vị trên có biểu hiện bất thường trong kê khai thuế. Cụ thể 1 kg chè búp tươi giá 35.000 đồng, định mức tiêu hao 5 kg chè tươi chế biến được 1 kg trà ô long thành phẩm, như vậy giá nguyên vật liệu chính là 175.000 đồng, chưa tính các khoản chi phí khác.
Tuy nhiên giá xuất khẩu của các đơn vị này chỉ có 64.580 đồng/kg (4 USD), chỉ bằng 37% giá thành sản phẩm. Tại thị trường trong nước, giá bán loại trà này là 1,2 triệu đồng/kg. Cục Thuế Lâm Đồng đã tiến hành các bước kiểm tra chống chuyển giá, kết quả đã xử lý hết số lỗ trong hạn được chuyển lỗ để trừ vào thu nhập chịu thuế hơn 258 tỷ đồng, từ đó xác định được các DN đã có lãi từ năm 2005 hoặc 2006 (báo cáo của DN là đến hết năm 2009 vẫn còn lỗ mà số lỗ qua kết quả sản xuất kinh doanh lên tới 264 tỷ đồng còn được chuyển qua các năm sau).
Sau khi Cục Thuế Lâm Đồng tiến hành thanh tra, kiểm tra, giá xuất khẩu của các công ty đã tăng 2-3 lần so với trước và cao hơn giá thành sản xuất. Lần đầu tiên trong vòng 10 năm các DN FDI có phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Thủ đoạn chuyển giá ngày càng tinh vi
Thực ra các địa phương có cách làm bài bản như Lâm Đồng không nhiều. Trong quá trình thanh tra, nhiều trường hợp cơ quan thuế phát hiện DN có dấu hiệu chuyển giá nhưng đấu tranh rất khó khăn. Để xác định được giá bán của các DN này với các DN có giao dịch liên kết không dễ dàng. “Học tập Lâm Đồng không dễ bởi các DN FDI của Lâm Đồng chỉ sản xuất kinh doanh có mỗi mặt hàng. Còn trên địa bàn chúng tôi, thậm chí có DN không có mặt hàng nào để so sánh…” - ông Trần Văn Miên, Cục trưởng Cục Thuế TP.Đà Nẵng giãi bày.
Theo bà Bà Lê Thị Thu Hương - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, hiện nay chưa có cơ sở cho cơ quan thuế địa phương áp dụng phương pháp tính thuế với DN có dấu hiệu chuyển giá, cũng chưa có quy định pháp lý về giá giao dịch liên kết, giá độc lập trên thị trường. Việc định giá giao dịch độc lập trên thị trường rất khó khăn vì phải xác định đúng giá của ngày giao dịch trên thị trường thì DN mới chấp nhận.
Thực tế những phát hiện của cơ quan thuế chủ yếu dựa vào giá nguyên vật liệu, giá tiêu thụ nội địa của chính các DN. Trong khi đó, hoạt động chuyển giá hiện nay của DN FDI lại liên quan nhiều đến công ty mẹ, đến DN nước ngoài khác, … nên rất khó phát hiện. Các thủ đoạn, thủ thuật chuyển giá rất tinh vi, càng DN lớn, hoạt động đa quốc gia thì hành vi chuyển giá càng phức tạp và để điều tra, kết luận có chuyển giá không dễ…
Cơ quan thuế kiên quyết đấu tranh
Trong chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra năm 2011, Tổng cục Thuế đã giao cho 63 cục Thuế phải thực hiện thanh tra tại 870 DN FDI có dấu hiệu chuyển giá hoặc khai lỗ 03 năm liên tục (2008 - 2010), riêng Thanh tra Tổng cục Thuế đã bố trí 40 DN FDI khai lỗ năm 2008-2010 vào kế hoạch thanh tra năm 2011 (82 DN). Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2011 toàn ngành mới chỉ ban hành kết luận thanh tra và quyết định xử lý tại 107 DN FDI có khai lỗ năm 2008, 2009, 2010, với số tiền kiến nghị giảm lỗ, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng là 2.230,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Phu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế khẳng định, mục tiêu từ giờ đến cuối năm của toàn ngành là đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra kiểm tra năm 2011, phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra đã được giao, trong đó hoàn thành việc thanh tra tối thiểu đạt 870 DN FDI có dấu hiệu chuyển giá hoặc lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Hiện nay, hiện tượng chuyển giá để tránh thuế của các tập đoàn kinh tế và các công ty đa quốc gia trên thế giới đã trở nên phổ biến. Ở Việt Nam, hiện tượng các DN FDI kê khai thua lỗ hàng năm chiếm tỷ lệ cao đáng kể và chuyển giá là một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng kê khai thua lỗ này”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận. Ông Tuấn nhấn mạnh: “Phải kiên quyết, triển khai đồng bộ các biện pháp trên diện rộng mới có thể đẩy lùi được tình trạng chuyển giá”.
Thanh Thanh