Sở Tư pháp TP.HCM hôm qua tổ chức hội nghị tổng kết công tác Tư pháp năm 2010 và đề ra phương hướng hoạt động cho năm 2011. Đến dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Vụ trưởng Nguyễn Thái Phúc - Trưởng cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP HCM, Trưởng Ban Thanh tra Thành ủy TP HCM Nguyễn Hữu Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Minh Trí cùng các ban ngành, đơn vị thuộc ngành tư pháp TP HCM.
Theo Sở Tư pháp TP HCM, trong năm qua, Sở được đánh giá là đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch trên hầu hết các lĩnh vực của công tác tư pháp.
Trong đó, ở lĩnh vực tư vấn, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Sở đã góp ý thẩm định, hoàn thiện 306 lượt dự thảo văn bản theo yêu cầu của UBND TP, thẩm định dự thảo tăng 20%. Trong lĩnh vực kiểm tra, rà soát VBQPPL, Sở đã kiểm tra 159 VB do UBND các quận, huyện ban hành (đạt 100%). Trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Sở đã ban hành 220 tờ gấp PBGDPL, 16.800 tài liệu hỏi đáp. Tổng thu nộp ngân sách của Sở Tư pháp TP HCM trong năm qua là 218 tỷ đồng.
Bên cạnh nhiều thuận lợi, còn khá nhiều khó khăn tồn tại như quá trình lập quy phát lại phát sinh nhiều vấn đề, tỷ lệ VBQPPL trong quá trình lập quy được ban hành còn chưa cao, văn bản kiểm tra ngày càng nhiều trong khi sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị còn chưa chặt chẽ...
Từ đó, Sở kiến nghị nhiều vấn đế lên Bộ và Thành ủy nhằm khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt phương hướng đã đề ra trong năm 2011.
Đối với lĩnh vực công chứng, năm 2010, Sở đã tham mưu cho UBND TP.Hồ Chí Minh cho phép thành lập thêm năm Văn phòng công chứng (VPCC) tại các huyện, nâng tổng số VPCC trên địa bàn TP HCM lên con số 17 (tăng 41% so với năm 2009). Kết quả hoạt động công chứng thể hiện, trong năm qua, chỉ có bảy Phòng công chứng nhưng các đơn vị này đã giải quyết được hơn 252.000 hồ sơ các loại, tương đương với số hồ sơ giải quyết của cả năm 2009, thường xuyên nắm bắt tình hình chứng thực để kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ chứng thực cho các quận, huyện, xã, phường, thị trấn bằng nhiều hình thức khác nhau.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường ghi nhận những đóng góp cũng như kiến nghị của Sở Tư pháp TP HCM. Bộ trưởng đánh giá cao những thành quả mà Sở Tư pháp TP đã mang lại cho TP HCM và Bộ Tư pháp.
Đặc biệt, Sở đã trở thành “người gác cổng” và giúp việc không thể thiếu cho TP HCM, nhất là đóng góp cho sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội - chính trị của thành phố. Bộ trưởng nêu lên các điểm sáng của Sở như: Xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM giai đọan 2011-2015; Là địa phương đi trước một bước so với cả nước trong việc thực hiện Luật Lý lịch Tư pháp; Xây dựng và ban hành quy trình xử lý hồ sơ hộ tịch có yếu tố nước ngoài áp dụng ngay tại Sở, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, đúng quy định của pháp luật trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Đặc biệt, Sở còn bổ sung, tái bản “Cẩm nang nghiệp vụ hộ tịch dành cho cán bộ, công chức xã – phường, thị trấn”. “Là địa phương chủ động triển khai và tạo bước chuyển biến đáng kể cả về tổ chức, lẫn chất lượng hoạt động quản lý đối với các lĩnh vực hành nghề như: Luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, thí điểm thực hiện chế định Thừa phát lại, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện mới...”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói về các điểm sáng của Sở Tư pháp TP HCM thời gian qua như thế.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, năm qua dù có nhiều khó khăn, thách thức tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Nhưng với sự điều hành “ứng biến”, sáng tạo của Sở cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền thành phố, Sở đã cùng với chính quyền vượt qua khó khăn chung và gặt hái được nhiều thành công cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM.
Riêng ngành tư pháp đã bám sát công tác trọng tâm, sát với yêu cầu thực tiễn.Bộ trưởng khẳng định: “Với việc thực thi Luật Công chứng, nghề công chứng có bước phát triển rõ rệt, thúc đẩy xã hội phát triển ổn định, đó cũng chính là đóng góp của ngành tư pháp”.
Ngọc Mai