Hôm qua (23/8), tại TP.Hà Giang, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND và HĐND tỉnh Hà Giang về công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn. Đón tiếp và làm việc với đoàn, về phía địa phương, có Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông cùng lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh |
Tỉnh “5 nhất”
Phát biểu khái quát về tình hình kinh tế - xã hội Hà Giang, ông Vinh vui mừng thông báo, Hà Giang đang khởi sắc từng ngày. Từ một tỉnh thuần nông, giờ đây Hà Giang đã bắt đầu phát triển công nghiệp chế biến, thương mại – du lịch với hấp lực từ công viên đá Đồng Văn.
Tuy nhiên, để nhấn mạnh sự khó khăn mà địa phương phải đối mặt giải quyết, Bí thư Vinh ví von, tỉnh của ông là tỉnh “5 nhất”: nghèo nhất đất nước; có đồng bào người Mông nhiều nhất nước; lượng nước sinh hoạt bình quân đầu người thấp nhất nước (chỉ 30lít/người); đá nhiều nhất nước; và cuối cùng, là tỉnh mà chiến tranh kết thúc muộn nhất nước.
Riêng về công tác tư pháp, ông Vinh nhấn mạnh, cán bộ ngành Luật tại địa phương còn rất mỏng, thậm chí có trưởng phòng Tư pháp huyện mới có bằng trung cấp. “Đề nghị Bộ trưởng quan tâm dành cho địa phương một chương trình đào tạo luật cử tuyển” – ông Vinh nói. Cùng với đó, Bí thư Vinh cũng đề nghị Bộ trưởng căn cứ trên tình hình đặt thù địa phương để dành cho Hà Giang những ưu đãi riêng.
Làm rõ vấn đề này, Giám đốc Tư pháp Hầu Minh Lợi bày tỏ, với thu nhập hiện tại, để Tư pháp thu hút và giữ chân được cử nhân Luật là điều “ngoài tầm tay”. Ông Lợi kể, nhiều trường hợp về ngành được một hai năm là xin đi, “có cháu sang cơ quan mới, lương cao gấp mấy lần lương giám đốc sở bên này”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ sự chia sẻ với Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hà Giang trước những khó khăn, thách thức cũng như những nỗ lực phấn đấu, vươn lên. Bộ trưởng nhấn mạnh, “công tác Tư pháp là công tác của cả cấp ủy và chính quyền địa phương” đồng thời ghi nhận sự quan tâm, phối hợp, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND và các sở, ban ngành Hà Giang đối với Sở Tư pháp và cơ quan Thi hành án địa phương.
Đánh giá các mặt công tác của ngành tại địa phương là “cơ bản đáp ứng yêu cầu”, tuy nhiên Bộ trưởng cũng lưu ý, nhiều mặt công tác đang cần sự “chung vai sát cánh” để giải quyết, như việc không có giấy đăng ký kết hôn mà hộ khẩu vẫn “công nhận” là vợ chồng, rồi chuyện chậm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà “làm khó” người dân cũng như cơ quan công chứng…
“Chúng ta đã làm hết trách nhiệm chưa”?
Trong buổi sáng, Bộ trưởng đã làm việc với Sở Tư pháp và Cục THADS tỉnh Hà Giang. Dành nhiều thời gian lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, ghi nhận sự cố gắng của Tư pháp và Thi hành án Hà Giang, đặc biệt thấu hiểu sự khó khăn đặc thù của tỉnh cao nguyên đá cực bắc Tổ quốc, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng lớn trong khi nhân lực còn mỏng, Bộ trưởng cũng thẳng thắn đặt câu hỏi: “Liệu rằng, chúng ta đã làm hết trách nhiệm của cán bộ tư pháp chưa, tôi vẫn còn rất áy náy”.
Theo Bộ trưởng, một số lĩnh vực như bán đấu giá, xã hội hóa hành nghề công chứng… vẫn còn đó nhiều ngổn ngang. Hay như ngành vẫn để xẩy ra tình trạng gần 160 cán bộ tư pháp cấp xã kiêm nhiệm cả phần việc công an, đó cũng là điều không bình thường.
Đối với Thi hành án, Bộ trưởng cũng nghiêm khắc chỉ rõ nhìn chung kết quả công tác đang có phần chững lại, trung bình mỗi cán bộ công chức của chỉ khoảng 15 vụ. “Mặc dù các đồng chí đạt chỉ tiêu, nhưng tôi cho rằng đó là một chỉ tiêu vẫn còn thấp” – Bộ trưởng lưu ý.
“Tôi muốn chia sẻ rằng, mỗi chúng ta đều đã rất cố gắng, nhưng bước tiến của chúng ta vẫn còn chưa được như kỳ vọng. Các đồng chí phải mạnh dạn hơn nữa trong các đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương để kiện toàn đội ngũ và đẩy mạnh hơn nữa các nhiệm vụ chuyên môn. Mong rằng, từ năm 2012 các đồng chí quyết liệt và tập trung hơn nữa, để Tư pháp thực sự góp phần xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ biên cương” – Bộ trưởng tâm huyết.
Nhiều đặc thù ngoài dự liệu
Trước đó, Giám đốc Sở Tư pháp Hầu Minh Lợi và Cục trưởng Cục THADS Lâm Anh Tuấn đã báo cáo Bộ trưởng và đoàn công tác kết quả công tác từ đầu năm đến tháng 8/2012, cũng như nêu bật những tồn tại, vướng mắc trên thực tế và kiến nghị nhiều nội dung mong muốn Bộ tháo gỡ. Về cơ chế, chính sách, theo ông Hầu Minh Lợi, hiện vẫn tồn tại một số văn bản do trung ương ban hành không còn phù hợp, chồng chéo, cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Ông Lợi dẫn Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, quy định trưởng hợp trẻ em sinh ra 24 giờ trở lên đã chết cha mẹ không đi đăng ký khai sinh thì cán bộ Tư pháp – Hộ tịch phải tự xác định nội dung để ghi vào sổ đăng ký khai sinh và khai tử, và cho rằng, điều này “không phù hợp vì cán bộ không thể đặt tên cho trẻ” mà phải phối hợp với gia đình.
Về tình hình thực tế, báo cáo của Giám đố Sở Tư pháp địa phương cũng cho thấy những đặc thù “mà ở Hà Nội khó lường hết”. Như đối với công tác bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp Hà Giang kiến nghị Bộ Tư pháp giao UBND tỉnh căn cứ vào thực tế địa phương phân cấp cho các huyện được thành lập hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất tại các xã vùng sâu, vùng xa. Vì trên thực tế, giá nhà đất tại các xã vùng sâu, vùng xa tại Hà Giang rất thấp, nên có nhiều vụ bán đấu giá, giá trị tài sản đấu giá gần như không đáng kể trong khi chi phí tổ chức đấu giá lại rất lớn, gây lãng phí tốn kém, có trường hợp cán bộ phải di chuyển cả hàng trăm cây số.
Về công tác thi hành án, báo cáo Bộ trưởng tại cuộc làm việc, Cục trưởng Lâm Anh Tuấn cho hay, tính đến 31/7/2012, các cơ quan THADS thuộc tỉnh đạt tỷ lệ xong/có điều kiện thi hành là 78.1% về việc và 45.8% về tiền. Dự kiến, đến hết tháng 9/2012, các đơn vị thuộc Cục THADS tỉnh phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu mà Tổng cục THADS giao…
Huy Tùng