Từ nô lệ tình dục tới người đoạt giải Nobel Hòa bình

Nadia Murad phát biểu trước Liên Hợp Quốc tháng 3/2017.
Nadia Murad phát biểu trước Liên Hợp Quốc tháng 3/2017.
(PLO) - Murad phải trải qua thời gian tồi tệ trong tay IS, trước khi trở thành nhà hoạt động chống bạo lực tình dục được vinh danh toàn cầu.

Nadia Murad, nhà hoạt động nhân quyền người dân tộc thiểu số Yazidi ở Iraq, và Denis Mukwege, bác sĩ phụ khoa người Congo, hôm 5/10 được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của họ trong việc chấm dứt nạn bạo lực tình dục.

3 tháng ác mộng

Murad, 25 tuổi, trở thành người đoạt giải Nobel Hòa bình trẻ thứ hai và là người Iraq đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này. Trước khi được vinh danh, người phụ nữ gầy gò với mái tóc nâu dài từng sống một cuộc đời yên bình trong ngôi làng Kocho ở miền núi phía bắc Iraq, gần biên giới với Syria.

Tuy nhiên, cơn ác mộng bắt đầu khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy và mở các cuộc tấn công quy mô lớn trên lãnh thổ hai nước vào năm 2014, khiến số phận của cô thay đổi mãi mãi.

Một ngày tháng 8/2014, những chiếc xe bán tải mang cờ đen của IS xông vào làng của cô. Chúng tàn sát đàn ông, bắt trẻ em để huấn luyện thành phiến quân và biến hàng nghìn phụ nữ thành nô lệ lao động và tình dục. 

Murad từng nói rằng phiến quân IS muốn "cướp đi tự trọng của người khác, nhưng chúng lại đánh mất danh dự của mình". Chính cô cũng chịu đựng tội ác này trong ba tháng.

Sau khi bị bắt, Murad bị đưa tới Mosul, thành trì của IS tại thời điểm đó. Suốt thời gian này, cô liên tục bị cưỡng bức tập thể, tra tấn và đánh đập. Chúng còn buôn bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ, ép người Yazidi cải sang đạo Hồi bởi chúng coi Yazidi là dị giáo.

Giống như hàng nghìn người Yazidi khác, Murad bị ép kết hôn với một tay súng IS, chịu hành hạ, bị bắt trang điểm và mặc quần áo bó. "Điều đầu tiên chúng làm là ép chúng tôi cải sang đạo Hồi", Murad cho biết trong cuộc phỏng vấn năm 2016.

Trước cú sốc do bạo lực, Murad lên kế hoạch chạy trốn với sự giúp đỡ của một gia đình Hồi giáo ở Mosul. Nhờ giấy tờ giả, cô đã tới được vùng đất của người Kurd ở Iraq và gia nhập các nhóm người Yazidi tại những khu trại tị nạn.

Tại đây, Murad biết được 6 người anh và mẹ của mình đã bị IS giết hại. Với sự giúp đỡ của một tổ chức hỗ trợ người Yazidi, cô đoàn tụ với chị gái mình ở Đức, nơi cô sinh sống hiện nay.

Từ đó, Murad đã cống hiến hết mình cho điều mà cô gọi là "cuộc chiến của dân tộc", trở thành người phát ngôn nổi tiếng trước cả khi phong trào #MeToo nhằm chống quấy rối và bạo hành tình dục lan tỏa khắp thế giới.

Nadia Murad phát biểu tại Hanover, Đức vào ngày 31/5/2016.
Nadia Murad phát biểu tại Hanover, Đức vào ngày 31/5/2016. 

"Một thế giới hòa bình hơn chỉ có thể đạt được nếu phụ nữ và các quyền cơ bản của họ được thừa nhận và bảo vệ trong chiến tranh", Berit Reiss-Andersen, chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa bình, phát biểu khi công bố giải thưởng năm nay. "Murad đã cho thấy lòng can đảm vô tận khi kể lại nỗi đau của chính mình và lên tiếng thay các nạn nhân khác".

Murad và Lamia Haji Bashar, người bạn từng cùng cô nhận giải thưởng nhân quyền Sakharov của Liên minh châu Âu vào năm 2016, đến nay vẫn tiếp tục đấu tranh cho 3.000 người Yazidi được cho là vẫn bị IS giam giữ. Murad hiện là đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc, đại diện cho những người sống sót qua nạn buôn người.

Tiếng nói của Murad giờ đây có sức ảnh hưởng toàn cầu, giúp đòi công lý cho dân tộc của cô và khiến quốc tế công nhận những hành vi của phiến quân IS là diệt chủng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2017 đã cam kết giúp Iraq thu thập những bằng chứng tội ác của IS.

Sau những bi kịch từng chịu đựng, hình ảnh gần đây trên Twitter của Murad cho thấy cô đang có khoảng thời gian hạnh phúc. Hồi tháng 8, Murad tuyên bố đính hôn với nhà hoạt động Abid Shamdeen, cũng là một người Yazidi.

"Cuộc đấu tranh của dân tộc đã mang chúng tôi đến với nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường này cùng nhau", Murad viết trên mạng xã hội, kèm theo bức ảnh cô đứng bên hôn phu và nở nụ cười.

“Lòng can đảm vô tận”

Và ngày 5/10 vừa qua, Ủy ban Nobel Na Uy công bố giải Nobel Hòa bình thuộc về Nadia Murad, người phụ nữ từng bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt làm nô lệ tình dục và bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege. Giải thưởng năm nay trị giá 9 triệu kronor (khoảng 990.000 USD).

Denis Mukwege và Nadia Murad được tôn vinh vì những nỗ lực của họ nhằm chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang.

Theo tuyên bố của Ủy ban Nobel Na Uy, Nadia Murad đã cho thấy "lòng can đảm vô tận khi kể lại nỗi đau của chính mình và lên tiếng thay các nạn nhân khác".

Trong khi đó, Mukwege, là "biểu tượng tiên phong và thống nhất cả trong nước lẫn quốc tế" trong cuộc đấu tranh chống lại nạn lạm dụng tình dục. Mukwege đã dành phần lớn cuộc đời trưởng thành của ông để giúp đỡ các nạn nhân của tình trạng bạo lực tình dục tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Ông và đội ngũ của mình đã chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân là nạn nhân trong các vụ bạo hành. 

Vị bác sĩ được biết đến với biệt danh "Bác sĩ Phép màu" đã nhiều lần lên án việc một người không bị trừng phạt vì hiếp dâm tập thể và chỉ trích chính phủ Congo và nhiều nước vì không nỗ lực đủ để chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục nhằm vào phụ nữ như chiến lược và vũ khí chiến tranh.

Nadia Murad bắt tay các dân quân người Kurd ở Iraq chào mừng cô trở về làng Kocho vào ngày 1/6/2017.
Nadia Murad bắt tay các dân quân người Kurd ở Iraq chào mừng cô trở về làng Kocho vào ngày 1/6/2017. 

Mukwege thành lập "City of Joy", trung tâm điều trị cho các nạn nhân bị cưỡng bức, vào năm 1999. Ý tưởng của bác sĩ 63 tuổi xuất hiện khi ông phát hiện những vết thương chưa từng thấy trên cơ thể những phụ nữ bị hãm hiếp theo cách vô cùng khủng khiếp. Họ không những bị cưỡng bức tập thể mà còn bị tấn công bằng gậy, súng và chai nước. Sau 10 năm nằm trong danh sách ứng cử viên cho Nobel Hòa bình, Mukwege đã được vinh danh.

"Cả hai đều mạo hiểm sự an toàn của chính mình khi can đảm chiến đấu chống lại tội ác chiến tranh và bảo vệ công lý cho các nạn nhân", Ủy ban cho biết.

Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 dựa trên tài sản của Alfred Nobel, nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển. Giải được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học và Hòa bình. Mỗi giải thưởng gồm huy chương, bằng chứng nhận và một khoản tiền thưởng.

Mùa giải Nobel 2018 khởi động hôm 1/10 với giải thưởng đầu tiên được trao trong lĩnh vực y học. Hai nhà khoa học James P. Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật) được vinh danh vì công trình nghiên cứu điều trị ung thư bằng cơ chế ức chế miễn dịch âm tính.

Giải Nobel Vật lý được trao hôm 2/10 cho 3 nhà khoa học Arthur Ashkin (Mỹ), Gerard Mourou (Pháp) và Donna Strickland (Canada) vì những phát minh đột phá trong lĩnh vực vật lý laser.

Nhà khoa học Frances H. Arnold (Mỹ) cùng nhà khoa học George P. Smith (Mỹ) và nhà nghiên cứu Gregory P. Winter (Anh) cùng chia sẻ giải Nobel Hóa học hôm 3/10 với những phương pháp sử dụng nguyên tắc biến đổi và chọn lọc gen, mang tính ứng dụng cao.

Năm nay, giải Nobel Văn học không được trao vì bê bối liên quan đến cáo buộc quấy rối tình dục tại Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

Nobel Hòa bình là giải Nobel thứ tư được trao trong năm nay sau các giải Nobel về Y học, Vật lý và Hóa học. Năm 2017, Nobel Hòa bình được trao cho Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) vì những nỗ lực nhằm đạt được hiệp ước cấm loại vũ khí này. 

Giải Nobel Hòa bình là một trong những giải thưởng gây chú ý và cũng gây tranh cãi nhất trong hệ thống giải Nobel. Từ năm 1901 đến năm 2017, giải thưởng này đã được trao 98 lần cho 104 cá nhân và 24 tổ chức.

Tổng cộng 331 cá nhân và tổ chức được đề cử cho giải Nobel Hòa bình snăm nay. Gần nhất, giải Nobel Hòa bình 2017 được trao cho Chiến dịch Quốc tế nhằm Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) vì "nỗ lực của họ nhằm thu hút sự chú ý đối với các thảm họa do sử dụng vũ khí hạt nhân và thành công đột phá để đạt được hiệp ước cấm phổ biến loại vũ khí hủy diệt này".

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.