Chứng cứ non
Năm 2006 - 2007, Trung tâm được giao thực hiện 65 đề án khuyến công, dạy nghề giải quyết việc làm cho nông dân với tổng kinh phí 1.431.000.000 đồng. Trung tâm đã ký hợp đồng với HTX Huỳnh Ngọc, HTX Như Ý, HTX Ngọc Bích để dạy nghề sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp từ nguyên liệu lục bình, cói... tạo việc làm và tăng thu nhập cho xã viên, lao động nông thôn nghèo. Cuối năm 2007, Trung tâm được thanh toán 1.373.977.229 đồng.
Tuy nhiên, một số cán bộ Trung tâm đã mắc một số sai phạm nên cuối năm 2009, CQĐT Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Hồng Phi (Giám đốc Trung tâm), Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thế Vương, Đặng Minh Út (cán bộ Trung tâm), Huỳnh Văn Bảy (cán bộ Phòng Kinh tế huyện Kế Sách); Riêng Quách Thị Hồng Quyên (thủ quỹ Trung tâm) đã bỏ trốn... Trong vụ án này, Chủ nhiệm HTX Như Ý ông Trần Tấn Là và Chủ nhiệm HTX Ngọc Bích bà Huỳnh Ngọc Bích có liên quan.
Ngày 6/8/2010, VKSND tỉnh Sóc Trăng truy tố các bị can Phi, Út, Trung, Vương cấu kết với Là, Bảy, Bích về tội tham ô tài sản vì đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập chứng từ khống thanh toán trái nguyên tắc… nhằm chiếm đoạt 402.092.723 đồng. Ngày 11/1/2011, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên sơ thẩm nhưng đến nay cả 5 phiên tòa đều bị hoãn và một trong những “nguyên nhân” xuất phát từ kết luận của CQĐT và cáo buộc của VKSND tỉnh Sóc Trăng.
Tại các phiên xử, phần lớn bị cáo khai rằng bị điều tra viên ép, mớm cung. Một số bị cáo chưa nhận được kết luận giám định tài chính về số tiền thiệt hại cũng như số tiền mà các bị cáo phải chịu trách nhiệm. HTX có tổ chức các lớp dạy nghề (HTX ký hợp đồng mở lớp dạy nghề với Trung tâm; chính quyền địa phương khẳng định có việc mở lớp dạy nghề; các lớp dạy nghề có khai giảng; giáo viên dạy nghề chứng minh có dạy nghề, người lao động được học nghề, làm ra sản phẩm...) nhưng cơ CQĐT kết luận là không tổ chức lớp...
Đặc biệt, liên quan đến cáo buộc đối với bị cáo Bích, những chứng cứ do ông Nguyễn Mạnh Thảo - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Liên minh HTX Việt Nam đưa ra cho thấy sự cẩu thả của CQĐT và VKSND tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể, bị cáo Bích luôn kêu oan khi bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” do không thực hiện việc dạy nghề cho nông dân theo chương trình khuyến công nhưng vẫn nhận tiền (ký khống 6 hợp đồng đào tạo nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đóng dấu treo trên một số phiếu thu giúp Trung tâm thanh toán khống 57 triệu đồng và nhận 17, 6 triệu đồng).
Tuy nhiên, theo xác minh của ông Thảo tại huyện Mỹ Xuyên, nơi HTX Ngọc Bích trực tiếp dạy nghề, cung cấp nguyên liệu, mẫu mã sản phẩm cho nông dân sản xuất hàng xuất khẩu, kết quả đã có 5 lớp được tổ chức dạy với tổng số 164 người được học. “Đây là chứng cứ quan trọng chứng minh sự thật khách quan của vụ án, tôi đã cung cấp để HĐXX xem xét, đánh giá nhằm đưa ra phán quyết công bằng, đúng luật”, ông Thảo nói.
Liên quan đến bị cáo này, Luật sư Ngô Hữu Nhị (Trưởng Văn phòng Luật sư Thiên Ân, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Các hợp đồng ký kết giữa hợp tác xã với Trung tâm là hợp đồng dân sự, trường hợp hợp tác xã không hoàn thành hợp đồng thì hoàn tiền lại cho Trung tâm. Trường hợp có tranh chấp thì được giải quyết theo quy định của Luật Dân sự và Tố tụng Dân sự chứ không thể chuyển sang hình sự.
Vụ án liên tục bị hoãn xử, khiến nhân chứng bức xúc, chán nản. |
Bỏ lọt tội phạm
Các đề án này được sử dụng ngân sách Nhà nước. Theo kết quả giám định tài chính, trong 65 đề án, khi quyết toán có đến 712 chứng từ không hợp lệ, tương đương hơn 540 triệu đồng. Thế nhưng, Sở Tài chính và Kho bạc Sóc Trăng vẫn ký duyệt quyết toán và cho Trung tâm rút tiền.
Luật sư Thắng - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hậu Giang, Ủy viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: Việc không khởi tố, truy tố những cán bộ liên quan ở ngành Tài chính và Kho bạc là bỏ sót người phạm tội. Bởi nếu không có sự thông đồng tiếp tay hay ít ra là sự thiếu trách nhiệm của một số cán bộ thì với các chứng từ đó thì các bị cáo Phi, Trung, Vương, Út... không thể lấy được tiền từ Kho bạc.
Bên lề phiên xử mới đây, chia sẻ với báo chí, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng Dương Quốc Lập cũng băn khoăn: Không thể không đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý tài chính, kho bạc, vì vậy mà trước đây tòa đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung về nội dung này nhưng không được đáp ứng... Tuy nhiên, mọi vấn đề liên quan sẽ được HĐXX giải quyết trong phiên tòa tới đây.
Chưa hết, người nhà của các bị cáo và dư luận địa phương rất bức xúc trước việc các bị cáo bị quá hạn tạm giam (Trừ bị cáo Bích). Theo quy định của luật Tố tụng Hình sự, cho phép cơ quan tiến hành tố tụng được ra quyết định tạm giam đối với các bị cáo trong vụ án này 3 lần, mỗi lần 3 tháng, nếu có thể thì sẽ ra lệnh tạm giam thêm 2 lần, mỗi lần không quá một tháng, nhưng thực tế có những bị cáo bị tam giam 19 tháng.
Luật sư Phạm Văn Minh- Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng: “Đối với những vụ án như thế này các bị can, bị cáo chỉ có thể bị tạm giam đến 10 tháng... Vậy mà các cơ quan tiến hành tố tụng ở đây vì có nhiều vi phạm nên chưa xử được nên vẫn tạm giam họ đến 19 - 20 tháng là sai...”
Sau khi HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa lần thứ 5, ông Nguyễn Mạnh Thảo đã đề nghị Tòa án cần xem xét, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn (tạm giam), cho phép các bị cáo được tại ngoại nếu họ có đơn xin tại ngoại và có người bảo lãnh theo luật định. Khi bài báo này lên khuôn, thông tin chúng tôi nhận được là ngày 28/6/2011 các bị cáo đã được tại ngoại. Với những động thái tích cực này, hy vọng phiên tòa lần thứ 6 tới đây, vụ án sẽ khép lại với phán quyết đúng người đúng tội, theo tinh thần cải cách tư pháp mà chúng ta đang hướng tới.
Mặc dù không quá phức tạp, nhưng đây là vụ án có thời gian xét xử lâu nhất; bị hoãn nhiều nhất; nhân chứng và người có quyền, nghĩa vụ liên quan nhiều nhất (hơn 130 người); Số phận bị cáo liên quan đến nhiều người lao động nhất…củaõ tỉnh Sóc Trăng |
Trần Duy