[Truyện ngắn] Gió qua đỉnh núi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từng đợt gió thông thốc thổi qua đỉnh Éc Vài, xuống bản. Gió xô đám vỏ ngô bay lạo xạo ngoài sân, thông thốc thổi vào ngôi nhà lá bạc phếch nắng mưa của mẹ con Nải. Mẹ Nải vẫn ngồi ở bậc cửa, cặm cụi đan rọ tôm, những vết chân chim xô lại trên khóe mắt.

Rọ tôm đan bằng lạt nứa, lạt sắc, mòn vẹt cả móng tay, bắt đầu ăn vào thịt đến tứa máu. Mẹ Nải lấy vải quấn mười đầu ngón tay lại rồi đan tiếp. Nải ngồi yên, rất lâu, hết nhìn mẹ lại nhìn ra con đường dẫn lên đỉnh Éc Vài mù mịt.

- Mai con lên đỉnh Éc Vài ềm nhé? - Nải hỏi.

Mẹ Nải ngừng đan, nhìn theo những đợt gió trái mùa:

- Tao lo lắm...

- Bản mình, nhà mình cứ nghèo mãi thế. Nghèo mà cứ cam chịu thì lúc nào mới hết nghèo?

- Tao quen rồi, không chết được đâu. Tao chỉ lo cho mày, là thân gái… lại nhận vòng bạc của người ta rồi…

Nải lặng lẽ đứng dậy, đi vào buồng. Lòng Nải đã quyết. Éc Vài tiếng địa phương có nghĩa là vạy trâu. Dãy núi cong cong như cái vạy trâu lừng lững trong mây, thâm u và linh thiêng, thời gian gần đây bỗng trở nên ồn ào, náo động bởi tiếng xe, tiếng mìn và tiếng đá lở do các doanh nghiệp đến khai thác quặng, đá quý và cả vàng nữa. Công nhân khắp nơi và thanh niên trong bản kéo lên đỉnh Éc Vài đông lắm. Cái bản nhỏ nghèo xác xơ bỗng cựa mình thay đổi nhanh chóng. Mấy con bạn thân của Nải cũng rủ nhau khăn gói lên đỉnh Éc Vài dựng lán, tối đến nổi lửa, nướng ngô bán, mới hai tháng, khi về bản, đứa nào đứa nấy lùm lùm một túi tiền giắt ở cạp váy. Nải cũng lên đỉnh Éc Vài bán ngô xem sao. Đỉnh Éc Vài mù sương, bốn bề hun hút gió. Chỗ Nải lên ngồi bán ngô đủ các hạng người, người Nam, người Bắc, người già, người trẻ, người Kinh, người Dao, người Thái, người Tày đủ cả. Đám công nhân ăn tối xong, chẳng biết làm gì ngoài việc ra ngồi ăn ngô, tán chuyện chơi. Khách đến ăn ngô của Nải rất đông, vài đêm, túi tiền đã thấy kềnh kệnh.

Mấy đêm nay, có một người ăn mặc sang trọng, nói năng nhẹ nhàng, giới thiệu tên là Ben, tối nào cũng ngồi lại sau, gọi thêm một quả ngô nữa, ăn thật chậm, chăm chú nhìn Nải. Lần nào Ben cũng bỏ vào túi của Nải một đến hai trăm nghìn. Người ta có nhiều tiền, người ta cho thì mình cứ lấy, có gì đâu, Nải đang cần tiền, Nải nghĩ. Gió lào thào luồn trong cây lá, đâu đó, tiếng chim lạc bầy thảng thốt kêu. Tự nhiên Nải thấy nhớ Pu. Hôm đi, Nải không nói cho Pu biết, chắc giờ này Pu cũng nhớ Nải lắm. Bọn cái Toi, cái Nhình đã dọn bếp về ngủ. Ben vẫn ngồi, nói với Nải toàn những chuyện không đâu. Nải cắm cúi quạt ngô, lúc ngẩng lên, bất ngờ thấy Pu đến, mồm thở phù phù ra làn khói mờ đục. Nải định chạy ra ôm chầm lấy Pu thì Pu tiến lại, mắt đỏ như hòn than trong bếp lửa, nắm lấy tay Nải.

- Nải về với tôi. Sao Nải lên đây không nói cho tôi biết. Nải lên đây để ngồi với thằng kia đến giờ này à?

- Anh đừng hiểu lầm, em thấy mẹ đan rọ vất vả, với lại mình sắp cưới cũng cần tiền, em chỉ muốn…

- Nải về đi. Kiếm tiền không phải việc của đàn bà con gái.

- Vậy anh kiếm tiền thay em được không? Mỗi ngày anh đi nương để lưng cho nắng, để mặt cho đất có làm ra năm trăm nghìn không?...

Nải nhìn thẳng vào mặt Pu, nói một hồi. Bàn tay Pu từ từ tuột khỏi cổ tay của Nải.

Pu về, đi xuống dốc như chạy. Con dao trong tay chém lia lịa vào những thân cây ngõa bên đường, từng dòng nhựa rỉ ra đùng đục, cũng như trái tim Pu bị ai đó chém, máu đang rỉ ra đau buốt.

Tháng hai, hoa Mạ nở vàng rực cánh rừng, Nải lùm lùm một túi tiền giắt ở cạp váy, băng băng xuống dốc, đi về nhà Pu. Pu không có nhà. Nải về nhà mình. Không thấy mẹ ngồi ở bậc cửa đan rọ tôm. Nải chạy vào nhà. Mẹ già nằm co quắp, người nóng rực, hơi thở mệt nhọc. Nải cõng mẹ chạy một mạch đến trạm xá. Không biết nghe tin ở đâu, chiều ấy Ben đến thăm mẹ Nải cùng lúc Pu đến. Ben rút trong túi ra một tệp tiền xanh xanh dày cộp đưa cho Nải.

Pu phừng phừng bỏ đi, trong đầu bùng nhùng biết bao suy nghĩ. Nải đã thay lòng thật ư? Tại sao? Tại người ta có tiền? Đúng rồi! Giờ Pu mới hiểu cái nghèo và thất học nó nhục đến thế nào. Pu thổi sáo hay nhất bản, Pu cày nương giỏi nhất bản, sức của Pu có thể vật ngã con trâu, tất cả có nghĩa gì so với tiền của thằng Ben. Đã thế Pu phải rửa mối nhục này, Pu không thể để mất Nải.

Hôm sau Pu đi. Pu vượt sang bên kia dãy Éc Vài vì nghe nói Kim Kang vừa nổi lên bãi đá quý, đã có vài người được tiền tỉ. Chân trèo đá, tay vén lá rừng cứ thế ngược lên, đến nơi, Pu ngồi thở dốc, mồ hôi vã ra ướt đầm. Bãi đá quý là một khoảng đất thoai thoải. Độ bốn, năm chục người cởi trần trùng trục đang hì hục đào bới. Thấy Pu, họ ngừng tay, gườm gườm nhìn.

Tên đầu trọc bất thình lình tung một cú đá vào ngực Pu đau điếng. Pu loạng choạng ngã thì thằng Át, người cùng bản chạy đến đỡ Pu dậy.

- Thôi, nhận làm đi, đất ở đây có chủ hết rồi.

Át quay ra nói với tên đầu trọc:

- Cho nó về tốp của tôi, nó khỏe, làm được việc lắm đấy.

Át kéo Pu về lán, cái lán trống hoác, chỉ có vài cái chăn, bộ quần áo cũ và xoong, nồi, bát, đĩa vứt chỏng chơ. Hôm sau Pu hòa vào đám người ấy, hì hục khoét sâu vào lòng núi, soi tìm và hy vọng. Những con người ở đây kiệm lời và chịu khó đến lạ! Phải thôi, họ cũng như Pu thôi, ai cũng đến đây bởi cuộc sống nghèo hèn, trong khi khát vọng đổi đời cứ âm ỉ cháy. Vì trên núi không có nước nên mọi người đào một cái hố rộng, trải một lượt bạt để hứng nước mưa, đất đá đào được, mang xuống cái hố nước ấy đãi và xét kỹ. Nước sinh hoạt thiếu thốn phải đi gùi từng can. Chiều về ai muốn tắm phải đi xa hơn cây số. Tối về, thức ăn chỉ có rau rừng và cá khô. Đêm nằm, mọi người nói nhiều hơn một chút, nhưng cũng chỉ rôm rả được một lúc rồi im bặt, nằm nghe tiếng muỗi vo ve ngoài màn. Thỉnh thoảng có những chú vắt háu đói bò theo cột lán lên hút máu cứ như không, khi thấy ngưa ngứa, lấy tay xuống gãi thì bụng vắt đã căng phồng. Ngày tiếp ngày, tẻ nhạt, mệt nhọc và chán chường. Người Pu gầy hẳn đi, da sạm lại, râu mọc tua tủa. Chẳng ai đào được đá quý, chỉ toàn sái với sỉ. Pu đi lâu thế không biết ở nhà Nải thế nào. Pu cứ như thế này, Nải sẽ bỏ Pu đi theo thằng Ben mất thôi. Pu sẽ lu mờ dần rồi chẳng còn ý nghĩa gì với Nải nữa. Pu uống rượu một mình, say khướt. Pu buồn, Pu lo, Pu muốn quên đi hiện tại. Trước đây bản Pu yên bình lắm, chẳng ai lo đua nhau kiếm tiền, Pu và Nải quấn quýt bên nhau. Giờ đây, khi mấy doanh nghiệp đến khai thác quặng, khi có mặt thằng Ben, cuộc sống của Nải, của Pu đã đảo lộn tất cả. Pu say rượu không đi làm. Tên đầu trọc lừ lừ nhìn Pu, giọng sin sít qua kẽ răng:

- Mày định nghỉ hử?

Pu điên tiết quát vào mặt hắn:

- Tao nghỉ đấy, làm cho mày để mục đời ở nơi rừng rú này à.

- Thằng này được! Đây là đất của tao, không làm thì biến.

Pu chỉ tay về phía bụi cây chó đẻ, mọc xơ xác cuối khoảng đất trống, là nơi đại tiện của tất cả dân đào đá quý.

- Thế chỗ kia có phải đất của mày không?

- Thằng chó, đất của mày đấy.

Pu không nói không rằng, xuống lán, cầm xẻng đi thẳng ra phía bụi cây, hót hết lớp phân bên trên hất xuống khe rồi hì hục đào. Pu muốn xem đời Pu nhục đến mức nào. “Cạch…”, “Phạ ơi!”, một viên rubi chừng cái bật lửa nẩy lên trên nền đất sét. Pu vồ lấy và chạy thẳng xuống núi. Trời chiều, gió ù ù thổi qua tai, ánh nắng ngả nghiêng trước mặt. Có tiếng chân người chạy sầm sập phía sau. Pu ngoái lại, thấy ba người đang đuổi theo, mặc dù đã lấy áo bịt mặt nhưng Pu vẫn nhận ra tên đầu trọc bởi thân hình cao lớn. Tiếng bước chân ngày một gần. Pu bỏ viên đá quý vào mồm ngậm. Ba con dao loang loáng cùng vung lên một lúc. Pu khụy xuống, loáng thoáng thấy bóng áo kiểm lâm và tiếng súng nổ chát chúa phía trước mặt rồi ngất lịm. Pu được mấy chiến sỹ kiểm lâm đi tuần rừng cứu. Hơn một tháng Pu ra viện, tập tễnh về nhà bằng đôi chân thọt và một bọc tiền lớn vắt chéo trên vai. Pu không còn nghèo hèn nữa Nải ơi! Pu đã có tiền cưới Nải, Pu sẽ không để Nải khổ, Pu muốn hét lên như thế trên đường về nhà.

Pu qua nhà Nải. Mẹ Nải già nhanh quá, héo hắt ngồi ở bậc cửa đan rọ tôm, ánh mắt dõi về phía dãy núi Éc Vài mịt mù mây trắng.

- Ềm ơi Nải đâu? Hay vẫn trên đỉnh Éc Vài?

Mẹ Nải nhìn Pu, im lặng hồi lâu, hai giọt nước đùng đục tràn ra trên khóe mắt nhăn nheo:

- Nải theo thằng Ben đi rồi. Tha lỗi cho mẹ con ềm, Pu ơi!.

- Nải nỡ bỏ ềm, bỏ con mà đi sao? Nải đi lâu chưa hở ềm? Quê thằng Ben ở đâu?

- Ềm cũng không biết nữa. Chúng nó chỉ loáng qua nhà rồi đi luôn, đi sáng hôm qua.

- Con phải đi tìm Nải.

Pu tập tễnh bước ra đường, nhằm hướng núi Éc Vài đi. Tay Pu lăm lăm con dao sáng quắc. Tại sao? Vì ai mà Pu thành ra như thế. Một nhát dao dành cho kẻ đã cướp đi người Pu yêu thương; một nhát dao dành cho người phản bội Pu. Còn Pu, cũng chẳng cần sống để làm gì. Nải ở đâu? Ben ở đâu? Không biết! Pu cứ đi. Mặt trời gần xuống núi, Pu về đỉnh Éc Vài. Gió vẫn thông thốc thổi. Từng mảng mây đen kéo về như những bóng ma kỳ dị. Pu ngồi bệt xuống vệ đường, nuốt cục đắng nghẹn lên trong cổ họng. Có tiếng khóc đâu đó rất gần. Pu đi lên, thấy một người con gái đầu tóc rũ rượi đang ngồi khóc cùng nắm lá ngón cầm trên tay. Pu bước lại gần. Là Nải! Phạ ơi! Người đã phản bội Pu. Tại sao lại thế? Con dao trong tay Pu siết chặt, run run chĩa về phía Nải:

- Thằng Ben đâu để tao chém luôn một thể.

Nải sững lại, tiếng khóc im bặt, một lúc lại nấc lên:

- Em có lỗi với anh… Em bị thằng Ben lợi dụng rồi lừa bán sang biên giới, may em trốn về được… Em không còn mặt mũi nào gặp anh… Không còn mặt mũi nào về nhà nữa… Anh giết chết em đi…

Nải ngẩng mặt, ngồi thẳng chờ đợi, bụng nổi lên lùm lùm sau lớp áo. Con dao trong tay Pu rơi xuống đất. Cả người Pu cũng khụy xuống đất.

- Em xin anh đấy! Giết chết em đi! Em phải chết… Em đáng phải chết…

Nải bỏ cả nắm lá ngón vào trong mồm. Pu giằng lại.

- Còn con của Nải, còn ềm, còn Pu, Nải tính thế nào?...

Hai người gục vào nhau, bóng đổ dài xuống dốc. Gió ở đâu đó cứ ùa về trên đỉnh Éc Vài, cuộn theo những mây là mây mù mịt. Pu đưa tay kéo Nải dậy. Hai người liêu xiêu dắt díu nhau xuống núi trong chiều thông thốc gió.

Truyện ngắn của Nông Quang Khiêm

Đọc thêm

Ly nước và nỗi buồn

Ly nước và nỗi buồn
(PLVN) - Nỗi buồn trong cuộc sống cũng giống như ly nước. Khi mới chạm đến, chúng ta có thể cảm thấy nó chỉ là một chút vướng bận. Nhưng nếu cứ giữ mãi trong lòng, không buông bỏ, nỗi buồn ấy sẽ ngày càng đè nặng, khiến tâm hồn bạn mệt mỏi, đau đớn hơn.

Quảng bá hình ảnh Việt Nam qua nghệ thuật nhiếp ảnh

Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975). (Ảnh tư liệu)
(PLVN) - Thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh, nhiều hình ảnh vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng đã được giới thiệu với Nhân dân thế giới, được lưu giữ thành tư liệu lịch sử phản ảnh các dấu mốc quan trọng của lịch sử phát triển đất nước.

Cuộc đời sóng gió của đại minh tinh Khánh Ngọc

(Nguồn: Nhạc xưa Blog)
(PLVN) - Nữ ca sĩ Khánh Ngọc ghi dấu trong lòng người yêu âm nhạc, phim ảnh năm 50 - 60 của thế kỷ trước nhờ tài năng và nhan sắc xinh đẹp. Bà được mệnh danh là nghệ sĩ toàn tài, xứng tầm với ba chữ “đại minh tinh”. Nhưng, đằng sau ánh hào quang, nữ ca sĩ đã trải qua cuộc đời đầy sóng gió.

Những 'chiếc nón cuộc đời'

Yến Trân giao lưu trực tuyến với các bạn trẻ. (Ảnh: T.Ư Đoàn)
(PLVN) - “Mỗi chúng ta đội một chiếc nón khác nhau, có thể là chiếc nón của kỹ sư, chiếc nón của bác sĩ… đôi khi định kiến bắt mình đội một chiếc nón của người nội trợ. Nhưng hãy tin rằng, bên trong bạn luôn có một sức mạnh, nội lực mạnh mẽ để đội chiếc nón của riêng mình”…

Văn minh khi tập yoga

Yoga nên được thực hành ở những nơi yên tĩnh, kín đáo. (Ảnh minh họa - Nguồn: Yoga năng lượng cuộc sống)
(PLVN) - Hiện nay, yoga là bộ môn được nhiều người Việt Nam lựa chọn luyện tập. Bên cạnh lợi ích về nâng cao sức khỏe, cải thiện tinh thần, vẫn còn đó những màn tập yoga “khó đỡ” nhận về nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng.

Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)

Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại”.
(PLVN) - Lịch sử Hà Nội thời kỳ cận đại, mở đầu vào các năm 1873, 1882 với hai cuộc tấn công thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp và kết thúc vào năm 1945, có thể xem là một giai đoạn bản lề trong việc định hình nên diện mạo của thành phố này. Đó là giai đoạn mà Hà Nội đi qua những năm tháng cả hào hùng lẫn thương đau, bị tàn phá và được kiến thiết, ở đó những biến động lớn lao đã hằn in lên trang sử của Hà Nội một dấu ấn không thể phai mờ đến tận hôm nay.

Có những kiểu yêu…

Có những mối quan hệ độc hại, đầy rẫy bạo lực và bất bình đẳng nhưng người trong cuộc không dứt ra được, bởi cái cớ “trót yêu”. (Nguồn: FL)
(PLVN) - Lan Anh gục khóc nức nở trên vai bạn. Trên gương mặt cô là đôi mắt sưng húp, không phải do khóc, mà là do một tác động ngoại lực. Bờ môi sưng vêu, tụ máu. Người bạn gái thân thiết nghiến răng: “Đã nói mày bao nhiêu lần, phải bỏ cái thằng vũ phu đó đi, không có ngày nó đánh mày chết, mà mày không nghe”. Lan Anh rấm rứt trong làn nước mắt: “Nhưng tao không bỏ được. Tao yêu ảnh. Ảnh chỉ có tật nóng tính, còn lại rất tốt với tao…”.

Cô gái violon

Ảnh minh họa. (Nguồn: V.H)
(PLVN) - Buông tay khỏi những nốt đàn, Nhật thở dài đứng lên. Người bố đi từ trong phòng ra. Nhìn ánh mắt Nhật, ông nói: “Mới gặp chút khó khăn đã…”. Người bố hiểu tâm trạng con qua tiếng đàn.

Thừa Thiên Huế đón nhận bằng của UNESCO công nhận những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng là di sản tư liệu khu vực

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao bằng công nhận “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" là Di sản tư liệu thế giới.
(PLVN) - Chiều ngày 23/11, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu thế giới và công bố hoàn thành dự án “bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa”.

Nét riêng của áo dài xứ Huế

Áo dài và nón lá Huế tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam
(PLVN) - Suốt dọc dài dải đất hình chữ S của đất nước Việt Nam, áo dài miền nào cũng có, thế nhưng riêng với xứ Huế, tà áo dài, nón lá đã là một phần của bản sắc văn hóa và vẻ đẹp riêng có của con người nơi đây.

Quảng Ngãi khai phá tiềm năng du lịch trên nền giá trị văn hóa truyền thống

Quảng Ngãi khai phá tiềm năng du lịch trên nền giá trị văn hóa truyền thống
(PLVN) - Trong quá trình cư trú, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi đã kiến tạo nên các giá trị văn hóa đặc sắc được thể hiện trong tín ngưỡng, phong tục tập quán, làng nghề, ẩm thực… Việc khai thác những nét văn hóa vùng cao này không chỉ giúp bảo tồn mà còn thúc đẩy phát triển du lịch miền núi.

Bữa cơm gia đình – thứ quý giá đang dần mất đi

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, có một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại trở thành xa xỉ: một bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Đó là lúc mọi người quây quần bên nhau, không công việc, không điện thoại, chỉ có sự chia sẻ, tiếng cười, và tình cảm chân thành.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

 Hội thảo thu hút hàng trăm nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế
(PLVN) - Từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 11 năm 2024, Trường Cao đẳng Huế phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức Hội thảo quốc tế về Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số .