[Truyện ngắn] Đời con gái chông chênh

[Truyện ngắn] Đời con gái chông chênh
(PLVN) - Đời con gái chông chênh, như bông hoa muống biển tím dại, khờ khạo...

Ba đứa chơi thân nhưng cái Thúy là đứa có số đào hoa hơn cả. Có lần trên bãi biển cái Vân hỏi: “Chúng mày có nghe người ta nói con gái như hoa muống biển không? Tim tím mặn mà nhưng dại dột lắm. Đời con gái chông chênh như hoa muống biển. Tao muốn cả ba chúng mình phải cứng cáp hơn, nhất là khi ra đời”. Tôi thấy cái Vân nói phải. Cùng tuổi nhưng nó sâu sắc lạ thường. Cái Thúy nhìn lơ mơ lên trời cười vô tư chẳng để ý gì. Thúy xinh xắn một cách mặn mòi để nhiều chàng trai để ý đến nó và cũng đủ khôn ngoan để người ta không lợi dụng được. Riêng cái điều này tôi không thích là nó thay bạn trai như thay áo, giao du rộng và thường đến những nơi tụ tập ăn chơi đàn đúm. Đến những nơi như thế con nhà ngoan ngoãn cũng biến thành kẻ mang tiếng không ra gì.

Chúng tôi thân nhau từ khi học cấp ba rồi cùng cả ba thi đỗ vào trường Đại học Hồng Bàng, bộ ba đi đâu cũng có nhau. Nhà cái Thúy khá giả nhất nên nó luôn có tiền để đi xem phim, đi uống nước hay cà phê. Tôi với cái Vân cùng cảnh, sống tằn tiện, những đồng tiền bố mẹ cho thường dành để mua sách tham khảo và dụng cụ học tập. Nhiều lần Thúy rủ hai đứa đi ăn uống nó chi tiền. Hai đứa không có tiền mời lại nó thấy khó nghĩ nên tự rút dần, lấy lý do để khỏi  đi ăn uống cùng. Thúy nói: “Chúng mày yên tâm đi, tao hiểu mà, tao không cần chúng mày phải đãi lại đâu”. Tôi lắc đầu: “Không phải...” “Thôi được rồi, tao không muốn có chuyện xảy ra để ảnh hưởng đến tình cảm của ba đứa mình. Chúng mày phải hứa dù có chuyện gì chúng mày cũng không được xa tao đấy”. Thúy nói rồi, cả ba cầm tay nhau đi ra biển.

Tốt nghiệp ra trường, tôi và Vân vẫn vậy, chỉ Thúy là thay đổi quá nhiều, nay nó bảo đang yêu anh “SH”, mai nó bảo hay đi với anh “lếch xù” ăn lẩu dê, hải sản. Trông nó ăn mặc ngày càng mốt, sành điệu như một số người càng giàu thì số vải trên người càng ít đi. Tôi và cái Vân không sao có thể theo kịp được các mốt của nó. Thúy cứ cuốn đi như thế, nó mải mê làm dáng cho mình, mải mê sống hào phóng và vô tư, ít có thời gian cho ba đứa, từ đó nó cứ xa dần tôi và Vân. Điều bất ngờ nhất là ra trường được bốn tháng, nó đưa thiếp mời bảo lấy chồng. Nó không lấy anh đi “SH” hay anh chàng ngồi “lếch xù” mà lấy tay giám đốc một đời vợ. Không sao, người có tuổi càng có vốn hiểu biết rộng, biết chiều chuộng vợ. Thúy bảo vậy và nó có vẻ rất thỏa mãn với cuộc hôn nhân này. Nghe đâu chồng nó là một trợ thủ đắc lực cho bố nó trên “chiến trường” thương mại.

Đám cưới Thúy, thấy nó vui mà tôi và Vân cũng mừng lòng. Còn hạnh phúc gì khi ra trường có một mái ấm ổn định, cuộc sống đầy đủ tiện nghi chẳng phải lo lắng gì. Vân nhìn sang tôi, bảo: “Đời con gái chông chênh, còn tao và mày đấy. Liệu đường mà yêu”. Tôi biết Vân có ý nhắc tôi và nó hãy tự cân nhắc và sáng suốt trong truyện tình cảm, đừng quá dễ dãi để rồi khổ cả một đời. Mấy lần đến nhà Thúy chơi. Ngôi nhà nó tọa lạc trên một con phố lớn, năm tầng rộng, sẽ rất nhiều người ao ước nhìn vào. Thúy làm mấy món hải sản đãi bạn. Trong bữa ăn thấy Thúy và chồng nó cấu véo nhau lích chích rất vui và buồn cười. Lúc hứng còn hôn hít nhau chùn chụt. Tôi và Vân phát ngượng. Ra về thấy Thúy sống hạnh phúc mà tôi ao ước. Tôi chỉ mong được một phần như nó nhưng mọi thứ của tôi còn ở phía trước. Từ ngày cái Thúy lấy chồng tôi ít gặp nó hơn vì tôi cũng phải loay xoay khắp nơi để tìm việc. Có gặp thì nói chuyện được với nhau rất ít, rồi Thúy lại phải về, lấy lý do “ông xã tao sắp về rồi”.

Tôi tạm thời chưa xin được việc làm đúng ngành mình được học. Bố mẹ chỉ làm ăn nhỏ, chẳng quen biết rộng nên chỉ biết trông chờ vào sự cố gắng của tôi. Tôi làm tạm cho một quán cà phê gần bãi biển. Khách đến đây tạp nham đủ mọi tầng lớp giàu nghèo, tốt xấu. Tôi cố gắng chăm chỉ, ngoan ngoãn nên cũng được ông bà chủ quý mến. Bà chủ bảo nếu tôi làm tốt cuối năm sẽ được giao quản lý và ông bà đi mở một quán khác nữa. Tôi vui lắm. Một hôm có gã đàn ông đeo kính đen, mặt lỗ chỗ nhám đã cố tình thọc tay vào nách tôi làm ly cà phê trên tay rơi xuống đất. Sau đó hắn dở trò sàm sỡ lúc vắng khách. Tôi không chần chừ gì đã tặng hắn một cái tát. Nghĩ rằng đó là sự cần thiết để bảo vệ mình. Con gái ra ngoài, nếu không thành con nhím xù lông thì dễ biến thành con gái hư. Hôm sau tôi bỏ hẳn không đến làm mặc dù bà chủ dăm lần bảy lượt gọi điện đến làm tiếp.

Cái Vân cũng chẳng hơn gì. Học kế toán ra nó cũng phải xin đi làm tạm thời tại một hiệu quần áo thời trang ngay trung tâm thành phố. Khách chủ yếu là chị em phụ nữ. Gặp tôi nó thở ngắn than dài: “Chán quá mày ạ, làm ở đây cứ phải nịnh người ta. Không xinh cũng phải bảo là duyên dáng, mặc bộ này, bộ kia đẹp lắm. Tao thấy nó giả tạo làm sao ý. Mà không thế thì không bán được hàng. Được cái bà chủ ở đây ưa mốt nên liên tục đưa về những đồ mới”. Tôi vỗ vai cái Vân: “Cố gắng thôi, đời mà. Tao thấy tìm được công việc phù hợp sao khó quá. Nhưng vẫn phải cố gắng để sống”.

Vân hỏi tôi công việc thế nào. Tôi nói bỏ rồi và sẽ tìm một công việc khác. Vì sao ư? Không chịu được sự sàm sỡ. Có người nói: “Con gái muốn có tiền thì phải hư”, điều ấy có phần đúng nhưng tôi không thể thu ngắn lại những chiếc gai bảo vệ mình.

Một lần rỗi, tôi với Vân rủ nhau ra biển, thử làm người tiêu tiền một lần xem sao. Chúng tôi gọi lẩu mực. Hai đứa ăn và uống nước ngọt, không có bạn trai, không uống rượu. Ông chủ cửa hàng cứ nhìn trân trân cười vì lạ. Tôi nhìn thấy gã đàn ông dạo trước dở trò với tôi ôm eo một cô gái trẻ chỉ đáng tuổi con cũng vào ăn lẩu. Cô gái bấm điện thoại tít tít cả lúc ngồi ăn. Họ chim chột nhau không biết ngượng. Tôi quay mặt đi, thấy những gã đàn ông như thế thật tồi, còn cô gái đang ngồi với gã thật đáng thương.

Ăn xong hai đứa rủ nhau ra biển chạy trên những đợt sóng bò trên cát. Mỗi vệt bàn chân để lại trên cát chỉ lát sau là sóng đã san bằng. Hai đứa đùa nhau, té nước rồi lăn lộn trên cát và cười ha hả như hai kẻ điên khùng. Mệt quá, hai đứa ngồi nghỉ. Mặt trời đã khuất sau lưng. Những con chim biển sà xuống mặt nước kiếm mồi rồi chao liệng trên không. Vân hỏi: “Thế nào công chúa, công chúa đã lọt vào mắt xanh của chàng nào chưa? Ra trường, tìm việc và lấy chồng là hai nhiệm vụ khó khăn nhất. Có khi lấy chồng rồi mới tìm việc. Còn công chúa?”.

Tôi nói về mình. Tôi cũng may mắn có vài người theo đuổi. Nhưng người tôi để ý nhất là Huy. Anh có những đặc biệt về tính cách của trai miền biển, nghèo nhưng tính tình cởi mở và có chí hướng. Hiện anh đang làm việc ở một xưởng đóng tàu. Ánh mắt và nụ cười anh cho tôi hy vọng. Vân hỏi: “Quan niệm của mày về người chồng và gia đình như thế nào?”. Tôi tâm sự: “Tao không ham giàu sang nhưng tao thích mẫu đàn ông có trách nhiệm với vợ con. Một mái nhà nhỏ nhưng yên ấm luôn là mơ ước”. Vân cười, cái cười lơ đãng và hồn nhiên: “Hèn nào tao với mày không rời nhau được. Quan niệm không khác gì nhau. Không thế thì thân làm sao được đúng không?”.

Người thứ hai trong bộ ba lấy chồng là Vân. Người nó lấy là anh chàng giao thư ngoài bưu điện. Công việc vất vả nhưng không có cuộc sống giàu sang. Vân ít nhắc đến anh, có thể vì nó ngại do không bằng người. Đùng một cái nó cưới. Ngày cưới, nó là cô dâu vui nhất mà tôi từng thấy, cứ lăng xăng như đứa trẻ học làm người lớn, ngồ ngộ lạ. Chiếc váy nó mặc chắc thuê cũng đắt tiền. Cứ nghĩ nó còn như trẻ con, sâu sắc như bà cụ chưa thể làm vợ được, mặc bộ đồ cô dâu vào thì thấy con mắt của mình sai. Vân đẹp hơn tôi tưởng, vẻ đẹp mà ngày thường không nhận ra. Tôi tin Vân chọn đúng và nó sẽ có hạnh phúc.

Một thời gian sau chúng tôi nhận được tin chồng Thúy bị bắt về tội buôn bán trái phép hàng quốc cấm và nhiều bê bối khác. Ngôi nhà lớn năm tầng ngoài phố bị niêm phong. Thúy phải mang đứa con mới ba tháng tuổi về nhà mẹ đẻ tá túc. Nhìn Thúy gầy sọp, tôi và Vân không tin vào mắt mình. Nhưng đúng là Thúy thật. Đôi mắt nó đẹp thế giờ trũng sâu hoắm, da dẻ xanh xao. Thấy tôi và Vân đến thăm nó mừng lắm, nhưng vừa bế con, nó gục đầu vào vai tôi mà khóc, khóc đến thảm thương: “Hai ơi, Vân ơi, tao khổ quá. Bây giờ tao ước ao được như chúng mày, yêu và lấy người bình thường thôi. Giàu có mà làm gì. Giàu để như chồng tao, lừa dối vợ quan hệ với người con gái khác rồi dắt díu nhau làm ăn phi pháp. Giời ơi là giời, nếu không có đứa con này, tao chả thiết sống nữa”.

Thúy ơi mày bình tĩnh lại. Rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi. Đây là một thử thách, chúng ta phải vượt qua để sống. Nhưng Thúy chưa biết khổ bao giờ, đây là lần đầu tiên nó gặp chuyện. Một đứa con gái yếu ớt như nó sẽ không tránh khỏi bị sốc. Vân nói xong, Thúy lại hét lên: “Tao sẽ không bao giờ nhìn mặt hắn nữa, cái kẻ bội bạc ấy. Để gã cho xã hội trừng trị!” Tôi lau những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt nó: “Thúy ơi, dù sao người ta cũng là chồng mày, đứa trẻ mày bế trên tay là con của người ta. Mày đừng quẩn!” Tôi nuốt những giọt nước mắt vào và an ủi nó. Chưa bao giờ tôi thấy nó khóc thảm đến thế. Sự giàu sang đôi khi phải trả bằng cái giá rất đắt. Tôi rất sợ lấy chồng giàu và nhất là những gã coi trời bằng vung. Tôi nghĩ đến Huy, hy vọng là sự lựa chọn của tôi đúng.

Thúy đã như vậy, còn tôi, còn Vân? Đời con gái chông chênh, như bông hoa muống biển tím dại, khờ khạo. Liệu rằng sau này cuộc sống của tôi và Vân có bình yên như đã nghĩ hay những cơn bão táp lại ập về xoáy sâu vào lòng những nỗi đau? Có phải chỉ một phút giây sai lầm để lại cả đời hối hận? Nhưng dù sao, những bất ngờ xảy đến không ai có thể đoán trước. Là con gái, hãy biết tự bảo vệ mình. Không phải như con nhím là không tốt và buông thả trong cuộc sống tự do là hay. Cái Vân nói thế.

Tôi lao ra biển, tự nhiên muốn ra biển vào ngày biển động dõi về phía có Huy đang đóng tàu. Những cơn gió táp vào mặt ràn rạt. Có thể rồi cuộc sống của tôi cũng vấp váp, làm sao tránh khỏi. Tôi hy vọng ở Huy, anh đang cất những ước mơ đời con gái của tôi. Ngày mai, khi biển lặng có thể tôi sẽ đi thăm anh, sẽ đòi anh sự yêu thương. Nếu anh thật lòng yêu tôi, sẽ có cách để giữ anh bên mình và sống hạnh phúc. Tôi thấy anh bước đến gần mình trên những con sóng, nhẹ thôi…

Truyện ngắn của Hải Miên

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.