Truy tìm công lý: Khi cái thiện bị khuất lấp?

Truy tìm công lý: Khi cái thiện bị khuất lấp?
(PLO) - Một bộ phim tâm lý hình sự chất chứa cả dữ dội và dịu êm, những cơn thịnh nộ ồn ào, vài tia hy vọng le lói về cuộc đời, tiếng cười khúc khích trong những hoàn cảnh không chút thích hợp, và hết thảy sự tròn trịa, góc cạnh của con người vươn mình tới cái thiện.

Tựa đề phim gây tò mò, nếu dịch ra, nó có nghĩa là “Ba tấm biển quảng cáo bên ngoài thị trấn Ebbing, tiểu bang Missouri”. Nhưng “Ebbing” là một địa danh không có thật, từ này trong tiếng Anh nghĩa là “thủy triều xuống” hoặc “sự suy tàn”.

Bảy tháng sau khi con gái bị bắt cóc, hãm hiếp và giết hại, bà mẹ trung niên khó ở Mildred Hayes (do Frances McDormand vào vai) đã thuê 3 biển quảng cáo bên đường để công kích cảnh sát trưởng Willoughby. Với người mẹ ấy, cảnh sát ở Ebbing đang “quá bận rộn với việc tra tấn mấy người da đen” nên cuộc điều tra mới giậm chân tại chỗ.

Trên phông nền đỏ rực màu máu, dòng chữ đen khổ lớn ngắn ngủn đập vào mắt người nhìn: "Raped while dying" (Bị cưỡng hiếp khi đang hấp hối). "And still no arrests?" (Và đến giờ vẫn chưa ai bị bắt?). "How come, Chief Willoughby?" (Vậy là sao, Cảnh sát trưởng Willoughby?)

Câu chuyện bắt đầu, bạn thấy tất cả thật dễ hiểu: người mẹ giận dữ, ông trưởng đồn nhu nhược, gã cảnh sát bạo lực đáng ghét – toàn những nhân vật một chiều, đơn giản từ vẻ bề ngoài, tính cách cho đến lối hành xử.

Mildred là người phụ nữ bị nhấn chìm trong cơn thịnh nộ. Cảnh sát Willoughby xuất hiện, nhẹ nhàng nói chuyện với bà, chân thành nói về mong muốn tóm được hung thủ, và tiết lộ rằng bản thân bị ung thư. Nhưng điều đó chẳng làm Mildred lung lay chút nào về kế hoạch 3 tấm biển: “Thì chúng đâu còn tác dụng nữa nếu như ông chết rồi.”

Một cha sứ đến để thuyết phục Mildred, cố gắng làm người phụ nữ bất hạnh bình tĩnh lại. Kết quả là gì, cô ta xúc phạm cha, đuổi cổ ông ra khỏi nhà. Không lâu sau, trong một buổi khám răng, cô cướp lấy cái khoan và tàn bạo khoan luôn một lỗ vào ngón tay cái ông nha sĩ – người mà rõ ràng đã thể hiện thái độ đứng về phía Willoughby. 

Người phụ nữ này như một con thú trỗi dậy, dữ dằn, không xấu hổ, không lúng túng, thách thức không chỉ hệ thống công quyền, mà còn cả dư luận trong thế giới cô ta sống. Nhưng cô ta liệu đi xa được đến đâu? Và chính xác là, phim định đi tiếp theo lối đó ư? Không, không hề. Dưới lớp vỏ xù xì gai góc, những cư dân ở Ebbing với các kiểu tính cách không thể đồng cảm cho nổi, lại sống những cuộc đời phức tạp hơn ta tưởng. 

Đạo diễn, biên kịch Martin McDonagh luôn có cách tiếp cận dòng phim hình sự rất đặc sắc. Các nhân vật chính của ông tuy là tội phạm hoặc từng gây ra tội ác, nhưng họ luôn đem đến cho khán giả nhiều suy ngẫm mới mẻ về tâm lý con người, và đặc biệt là xu hướng nhân văn, vươn tới cái thiện.

Càng theo dõi, khán giả càng nhận ra rằng đằng sau sự thô bạo bất chấp của Mildred là nỗi đau khổ tột cùng của một người mẹ đơn độc, mang hoa tươi trang trí dưới chân 3 tấm biển, nhìn con nai xinh đẹp xuất hiện ngẫu nhiên gần đó, tự vấn mình về thuyết tái sinh và khóc vì đứa con gái không bao giờ còn quay trở lại.

Người mẹ ấy sống với những con quỷ bên trong mình, mặc cảm tội lỗi vì bi kịch của con gái, nhưng vẫn không làm sao tránh được việc làm thương tổn cậu con trai, đấu vật với niềm nghi ngờ khủng khiếp rằng “chẳng có Chúa, và cả thế giới này trống rỗng, và vì thế con người có đối xử với nhau ra sao thì cũng chẳng nghĩa lý gì.”

Gương mặt Mildred là gương mặt của của người đã qua thời có hy vọng hay biết sợ hãi. Nhưng đó vẫn là một người còn có sự quan tâm, còn lương thiện. Theo lời bài hát của phim thì sự tốt đẹp trong cô giống như “Đóa hồng cuối cùng của mùa hè/ Nở hoa một mình đơn độc/ Tất cả những đóa hồng khác/ Đều đã tàn phai và ra đi”. 

Nhưng có một giây phút, mà bắt đầu từ đó, sự lương thiện của Mildred, và nhiều nhân vật khác nữa, cứ thế mà ồ ạt chảy ra ngoài khuôn hình.

Đó là ngay giữa màn “khẩu chiến” căng go với cảnh sát trưởng Willoughby, khi ông này bất ngờ ho cả búng máu vào mặt mình - lúc ấy đang ở đối diện, Mildred đã có một ánh nhìn kiểu, biết nói sao đây? Thẫn thờ, đau xót? Áy náy, ngại ngùng?

Hai người họ, sau một hồi dừng hình vì “tai nạn” nhỏ, thì đã cuống quýt với những câu nói như sau: 

W: “Ôi, tôi xin lỗi, tôi thật sự không cố ý.”

M: “Không sao đâu.”

W: “Tôi thật sự xin lỗi.”

M: “Không sao.”

W: “Nhưng đó là…MÁU đấy.”

M: “Tôi biết. Để tôi đi gọi người [tới giúp].”

Vậy là không còn miệt thị, không còn gây khó dễ, chỉ còn sự áy náy (với Willoughby  thì là vì làm bẩn mặt người khác – trong khi tình huống này vốn có thể không cần lịch sự đến vậy) và niềm quan tâm, thông cảm.

Willoughby, bị ung thư tụy giai đoạn cuối, đã quyết định kết liễu cuộc đời mình bằng một khẩu súng, trong chuồng ngựa – vẫn trong ngôi nhà mình yêu quý nhưng đủ cách xa người vợ và hai con. Ông đội một cái bao lên đầu trước khi bóp cò, trên bao viết: “Đừng mở bao ra, chỉ cần gọi người ở Đồn đến là được.”

Willoughby muốn vợ khỏi phải nhìn cảnh đau lòng trần trụi, dù đó có là cái đầu ông với một lỗ đạn bên thái dương, máu chảy be bét hay là vài tháng tiếp theo khi căn bệnh làm ông suy kiệt và từng ngày từng ngày một giết chết mọi hy vọng nơi gia đình họ. 

Willoughby bí mật gửi 5.000 đô tới công ty quảng cáo, giúp Milfred thanh toán tiền thuê biển cho tháng tiếp theo. Người đàn ông đã chết ấy gửi một bức thư cho người phụ nữ tội nghiệp kia, “Điều làm tôi buồn là cô cho rằng tôi không quan tâm. Tôi có quan tâm đấy.” 

Biến chuyển tích cực và bất ngờ nhất chắc chắn đến từ nhân vật Jason Dixon (Sam Rockwell thủ vai). Nửa đầu bộ phim, Dixon đáng được gán mác "gã cảnh sát đáng ghét nhất hành tinh" vì cái tính vô trách nhiệm, ưa bạo lực, kỳ thị chủng tộc và dáng đi cục mịch của hắn. 

Nhưng rồi ta còn biết rằng Dixon có một bà mẹ già nghiện ngập, người mà hắn phải chăm sóc từ lâu, có lẽ. Bố hắn mất sớm, và dường như vì thế môi trường giáo dục dành cho hắn không được lý tưởng cho lắm. Dixon yêu quý và bảo vệ cảnh sát trưởng Willoughby – người luôn nhẹ nhàng với hắn, đứng về phía hắn như một người anh.

Nên hắn giận dữ khi Willoughby bị tấn công bởi mấy tấm biển, hắn phát tiết, đổ lỗi và bạo lực khi Willoughby tự sát. Ta còn biết rằng Dixon vẫn luôn mơ làm một thám tử giỏi – người đi tìm công lý, và đôi khi, thực thi công lý mà không cần súng hay phù hiệu như cảnh sát.  Tính thiện của hắn chẳng qua là ở quá sâu, bị khuất lấp dưới lớp vỏ khốn nạn xấu xí thiếu tình yêu thương, thiếu sự điềm tĩnh của hắn.

Những nhân vật tưởng chừng rất phụ, như chỉ để cho có, cũng dần tròn trịa như những con người đích thực, phức tạp và giằng xé. Anh chàng biển quảng cáo Red Welby chẳng hạn, đọc quyển “Người đàn ông tốt rất khó tìm”, dám đối đầu với sự hăm dọa của phía cảnh sát để bảo vệ mấy dòng chữ của Milfred. Bị đánh cho tơi tả phải nằm viện, Red vẫn có thể miễn cưỡng tha thứ cho Dixon khi thấy hắn gặp vận rủi – toàn thân bị băng kín vì bỏng, chỉ còn đôi mắt hở ra thì đỏ ửng, ầng ậng nước, miệng hắn mếu máo nói lời xin lỗi. 

Tuy là tác phẩm hình sự - hài đen với đối tượng chính là tội phạm, tội ác, nhưng Three Billboards Outside Ebbing, Missouri thực sự khiến người xem phải cảm động bởi chất nhân văn sâu sắc về tình người trên nền bức chân dung xã hội đen tối. Kết thúc phim không lý tưởng theo chiều hướng “kẻ ác bị trừng trị”, nhưng lại làm bừng lên hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn.

McDormand xứng đáng giành tượng vàng Oscar cho vai nữ chính xuất sắc nhất. Từ ngoại hình khô kiệt, đôi mắt trũng sâu, tóc cắt nham nhở, buộc túm lại đầy bất cần đến bộ áo liền quần cũ rích, lời nói đay nghiến chát chúa. McDormand mang đến một Mildred chân thực, góc cạnh mà không cần mở miệng: cái nhìn chằm chằm vào mấy tấm biển, hành động cắn móng tay có phần dữ dội, tay sờ cằm và đầu ngả ra sau nghĩ ngợi – những thứ đó cho ta hiểu ngay ra kế hoạch và sự quyết tâm của bà.

Từ những cảnh sương mù buổi sáng sớm, những tấm bảng quảng cáo cô đơn không ai ngó ngàng, khi bốc cháy lại giống như những cây thánh giá trong ngọn lửa gào thét đòi được chú ý, đòi công lý, nhà quay phim Ben Davis đã hoàn toàn cân bằng giữa sự trầm mặc và dữ dội, giữa u uất và hài hước. 

Vì những lẽ trên, việc bộ phim hụt bước tại Oscar quả là đáng tiếc.  “Lẽ ra Ba tấm biển phải được Oscar chứ!” – đó là lời của nhiều khán giả, nhiều nhà phê bình – những người cho rằng so với nó, The Shape of Water thực sự là một tác phẩm quá giản đơn và dễ dãi.

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.