Là cơ sở đào tạo luật lớn nhất cả nước với chất lượng đào tạo được đánh giá là khá ổn định trong nhiều năm, tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, Đại học Luật Hà Nội cũng đang đứng trước nhiều khó khăn. Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn TS. Phan Chí Hiếu – Hiệu trưởng Trường.
Nâng cao chất lượng giảng viên, đổi mới phương thức đào tạo
Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 48, 49 của Bộ Chính trị. Những năm qua Đại học Luật đã đổi mới như thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu nói trên?
- Để nâng cao chất lượng đào tạo, thời gian qua, Trường Đại học Luật Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp. Thứ nhất, phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Đến nay, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có hơn 300 giảng viên; về học hàm có 01 giáo sư, 15 phó giáo sư; về học vị có 88 tiến sĩ, số còn lại hầu hết có học vị thạc sỹ. So với các cơ sở đào tạo luật khác thì đội ngũ giảng viên của Trường là đông nhất, có trình độ chuyên môn cao, đã được tập huấn bài bản về phương pháp đào tạo tiên tiến theo học chế tín chỉ. Ngoài ra, Trường còn có gần 100 giảng viên thỉnh giảng có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ) tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trong đó chủ yếu giảng dạy sau đại học.
Thứ hai, Trường đã chuyển mạnh sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tạo điều kiện cho sinh viên chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch học tập của mình; tăng tỷ lệ các môn tự chọn lên khoảng từ 25% đến 30% tổng số các môn học; ứng dụng các phương pháp giảng dạy tích cực nhằm phát huy tính chủ động, tự giác của người học với việc tăng cường làm việc theo nhóm; đổi mới quy trình kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, mở rộng phạm vi áp dụng đề thi trắc nghiệm đối với các môn học…
Thứ ba, đa dạng hóa các mã ngành đào tạo. Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo mã ngành Luật Thương mại quốc tế, mã ngành Luật Kinh tế và Ngôn ngữ Anh (tiếng Anh pháp lý). Hiện nay Trường đang đào tạo thí điểm mã ngành Luật Thương mại quốc tế. Năm nay sẽ tuyển sinh đào tạo mã ngành Luật Kinh tế.
Còn thực tế, “sản phẩm” của Đại học Luật ra trường được xã hội đón nhận, sử dụng và đánh giá ra sa, thưa ông?
- Sản phẩm đào tạo của Trường ở tất cả các hệ, nhất là hệ chính quy, khá ổn định và từng bước được nâng cao. Tỷ lệ sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp hàng năm đạt cao, nhiều sinh viên đạt loại khá, giỏi. Sinh viên tốt nghiệp của Trường được các đơn vị tuyển dụng đánh giá là khá hơn về kiến thức so với mặt bằng chung của sinh viên luật hiện nay. Năm 2009, Đoàn đánh giá chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khảo sát, đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của Trường và xếp Trường đạt mức độ 2, mức cao nhất trong số các trường đại học được đánh giá.
Tạo nhiều cơ hội cho sinh viên cọ sát thực tiễn
Có ý kiến cho rằng, dù là cơ sở dẫn đầu cả nước về quy mô và chất lượng đào tạo luật, tuy nhiên, trường còn chưa chú trọng nhiều đến việc “học đi đôi với hành”, ý kiến của ông về vấn đề này?
- Trong bối cảnh chung của giáo dục đại học của nước ta thì chất lượng đào tạo của Trường được đánh giá là ổn định và tốt hơn so với mặt bằng chung của các cơ sở đào tạo luật, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tiễn. Một bộ phận sinh viên tốt nghiệp còn hạn chế về kiến thức thực tiễn, kỹ năng và phương pháp làm việc. Các em sinh viên nắm khá vững các quy định pháp luật, nhưng việc vận dụng các quy định đó để xử lý các tình huống phát sinh từ công việc còn hạn chế, đòi hỏi thời gian làm quen với công việc. Các em chưa thật chủ động, mạnh dạn tiếp xúc với thực tiễn.
Vậy, để tạo cơ hội nhiều hơn cho sinh viên cọ xát với thực tiễn, nhà trường đã có những giải pháp gì?
- Trường đang áp dụng nhiều giải pháp khác nhau để trang bị phương pháp làm việc, tạo điều kiện tiếp cận thực tiễn cho các em sinh viên như: lồng ghép các tình huống thực tiễn trong các bài học để sinh viên thảo luận; tổ chức các buổi diễn án, các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; tổ chức các khóa học về kỹ năng; tạo điều kiện cho các em sinh viên thực tập tại chỗ tại Trung tâm Tư vấn pháp luật của Trường.
Vừa rồi Trường tổ chức buổi tọa đàm về sửa đổi Hiến pháp với khách mời là các chuyên gia lớn như PGS.TS. Hoàng Thế Liên, GS.TS. Đặng Hùng Võ, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung. Mặc dù hoàn toàn tự nguyện nhưng các em sinh viên tham gia rất đông, có những trao đổi khá sắc sảo. Tới đây Trường tổ chức tọa đàm về những khía cạnh pháp lý của vụ thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Trường cũng sẽ làm việc, ký các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho giảng viên, sinh vien có điều kiện tiếp cận với thực tiễn.
Từng bước mở rộng quy mô đào tạo
Chiến lược cải cách tư pháp đặt ra nhiệm vụ xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội là một trong hai trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật. Thực tế, Đảng, Nhà nước cũng dành những quan tâm nhất định cho công tác này. Tuy nhiên, quy mô đào tạo của trường dường như vẫn chưa xứng với tiềm năng và nhu cầu xã hội, thưa ông?
- Trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách pháp luật và hội nhập quốc tế, hoạt động đào tạo cán bộ pháp luật của đất nước ta nói chung, của Trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng đang có những thuận lợi to lớn. Tuy nhiên, Trường đang gặp phải những khó khăn như: quy mô đào tạo còn chưa tương xứng với tiềm năng của Trường và nhu cầu xã hội; tiềm năng nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ pháp lý cho xã hội chưa được khai thác tốt; số lượng đề tài nghiên cứu hàng năm còn ít so với đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt là đội ngũ tiến sĩ; hoạt động tư vấn và phản biện chính sách, pháp luật, đào tạo ngắn hạn và bồi dưỡng kiến thức pháp luật theo nhu cầu xã hội mới bắt đầu được triển khai.
Đội ngũ giảng viên chưa phát huy hết năng lực chuyên môn và năng lực sư phạm; còn có giảng viên chưa thực sự cố gắng vươn lên do chưa có cơ chế khuyến khích (vật chất, tinh thần) và bắt buộc. Một bộ phận giảng viên chưa an tâm công tác và thực tế trong thời gian gần đây đã có một số giảng viên xin chuyển công tác. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập còn yếu kém, chưa tương xứng với một cơ sở hàng đầu của cả nước về đào tạo cán bộ pháp luật. ..
Để khắc phục các khó khăn, bất cập, hạn chế nêu trên, Trường đang thực hiện nhiều biện pháp khắc phục để nâng cao chất lượng, từng bước mở rộng quy mô đào tạo như: xây dựng đội ngũ giảng viên; đầu tư cơ sở vật chất; thực hiện các thủ tục cần thiết để mở Phân hiệu tại thành phố Đà Nẵng; mở thêm một số mã ngành đào tạo mới (Luật Thương mại quốc tế, Luật Kinh tế, Ngôn ngữ tiếng Anh); kiện toàn tổ chức, cán bộ với định hướng ưu tiên phát triển đội ngũ giảng viên; rà soát chương trình, giáo trình; triển khai mạnh các hoạt động đào tạo ngắn hạn, tư vấn pháp luật và cung cấp các dịch vụ pháp lý chất lượng cao, nhằm khai thác tiềm năng sẵn có đồng thời gắn kết công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn và góp phần tăng nguồn thu tài chính của nhà trường; tăng cường trang bị kiến thức thực tiễn cho sinh viên như đã nêu ở trên...
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Để có những giải pháp cơ bản, toàn diện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trường, đồng thời thực hiện nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội đã xây dựng Đề án“Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”. Đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương từ năm 2008. Hiện Đề án đang được chỉnh lý để báo cáo Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới. Đề án được thông qua sẽ tạo cơ sở quan trọng, giúp Trường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trường, đồng thời tạo cơ sở xây dựng Trường thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật của đất nước. |
Thu Hằng (thực hiện)