Tham dự hội thảo, về phía khách mời từ các bộ, ban, ngành Trung ương có TS. Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ; Ông Phạm Đình Lộc - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Hải Long - Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, Văn phòng Quốc hội; TS. Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; TS. Lê Việt Trung - Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương; TS. Đinh Duy Hoà - Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ. Về phía các quận, huyện của thành phố Hà Nội có Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; Bà Đỗ Thị Lan Hương – Uỷ viên Ban thường vụ Thị uỷ, Trưởng Ban tổ chức, Trưởng phòng Nội vụ Thị xã Sơn Tây; Ông Đào Hiến Chương – Trưởng phòng Tư pháp Thị xã Sơn Tây, Chủ tịch Hội Luật gia thị xã Sơn Tây; Hội thảo cũng có sự tham dự của Ông Nguyễn Bá Sơn – Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Thành uỷ Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Đà Nẵng; Về phía các cơ sở đào tạo có PGS.TS. Trương Hồ Hải – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. Hoàng Mai - Trưởng Ban đào tạo Sau đại học, Học viện Hành chính Quốc gia. Hội thảo cũng có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, các quận, huyện của thành phố Hà Nội.
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có sự tham dự của TS. Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường, Chủ nhiệm Đề tài; TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Tô Văn Hoà - Phó Hiệu trưởng Nhà trường và các thành viên thực hiện đề tài.
Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên cho biết ngày 22 tháng 11 năm 2021, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4927/QĐ-UBND về việc phê duyệt tổ chức chủ trì, thời gian và kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố theo phương thức tuyển chọn năm 2021 phục vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Theo quyết định này, Trường Đại học Luật Hà Nội vinh dự được giao chủ trì 2 nhiệm vụ khoa học cấp Thành phố, trong đó có Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội”. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Chu Mạnh Hùng cùng với sự quan tâm, kì vọng, gửi gắm của chính quyền Thành phố, Trường Đại học Luật Hà Nội đã huy động tất cả các nguồn lực để thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng này.
Phát biểu khai mạc, thay mặt ban chủ nhiệm đề tài, ban lãnh đạo Nhà trường, TS. Chu Mạnh Hùng gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các vị đại biểu, các vị khách quý, các tác giả, diễn giả đã gửi báo cáo, trực tiếp tham dự Hội thảo và trình bày báo cáo tại Hội thảo này. Ban chủ nhiệm đề tài mong muốn những vấn đề về mặt cơ sở khoa học, chính trị pháp lý và những vấn đề thực tiễn trong vận hành mô hình chính quyền Thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua sẽ được thảo luận, đóng góp để có những nhìn nhận đánh giá khách quan giúp Nhà trường có đầy đủ các luận cứ khoa học cũng như thực tiễn để hoàn thiện Đề tài.
Hội thảo diễn ra trong hơn 3 giờ trong không khí sôi nổi với 4 lượt tham luận và hơn 10 lượt ý kiến xoay quanh các vấn đề Cơ sở khoa học, chính trị và pháp lý về xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội; Mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Việt Nam và mối quan hệ của các thiết chế trong vận hành chính quyền đô thị; Vấn đề đặt ra cho việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội và xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội từ thực tiễn của thị xã Sơn Tây; Vấn đề về phân cấp, uỷ quyền quản lý nhà nước gắn với thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2026 - Kinh nghiệm cho thành phố Hà Nội…
Kết luận Hội thảo, TS. Chu Mạnh Hùng cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo. TS. Chu Mạnh Hùng đánh giá các ý kiến tại Hội thảo đều là những ý kiến thực sự tâm huyết, có tính khoa học và thực tiễn cao, có ý nghĩa rất lớn đối với việc nghiên cứu và hoàn thiện Đề tài.