Trải qua gần 42 năm phấn đấu không ngừng, Thầy và Trò Trường Đại học Luật Hà Nội đã chung sức, đồng lòng xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành cơ sở đào tạo pháp luật lớn nhất của cả nước, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, hướng tới kỷ niệm 5 năm tổ chức Tuần lễ Nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội (2017 – 2021), hãy cùng Thầy và Trò Trường Đại học Luật Hà Nội nhìn lại những thành tích nghiên cứu khoa học đáng tự hào của Nhà trường, vững tin xây dựng Trường đại học định hướng nghiên cứu.
Trường Đại học Luật Hà Nội là một trong những tổ chức khoa học và công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực khoa học pháp lý, bằng Quyết định số 405/CP của Hội đồng Chính phủ ngày 10 tháng 11 năm 1979 về việc thành lập Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (tiền thân của Trường Đại học Luật Hà Nội), lần đầu tiên, Trường đã chính thức được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học. Tại Lễ khai giảng đầu tiên của Trường vào ngày 07 tháng 3 năm 1980, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã giao nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường “Quyết tâm đưa Trường Đại học Pháp lý Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá pháp lý”.
Từ truyền thống nghiên cứu khoa học…
Trong gần 42 năm hình thành và phát triển, Trường đã xây dựng được đội ngũ giảng viên hùng hậu với 03 giáo sư, 35 phó giáo sư, 89 tiến sỹ thuộc tất cả các chuyên ngành: luật học, lý luận chính trị, tâm lý học, ngoại ngữ... Các nhà khoa học của Trường có năng lực chuyên môn cao được đào tạo bài bản trong nước và nước ngoài, có kinh nghiệm, bản lĩnh, có tinh thần cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Là cơ sở đào tạo cán bộ về pháp luật lớn nhất cả nước đồng thời là một đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp, Trường xác định tập trung ưu tiên công tác nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng gắn với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, việc đổi mới quan điểm tiếp cận trong nghiên cứu khoa học thông qua tiếp cận liên ngành, đa lĩnh vực, xây dựng và phát triển mô hình nghiên cứu kết hợp giữa Trường với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, liên kết giữa đối tác trong nước và quốc tế đã có tác động tích cực tới chất lượng nghiên cứu khoa học của Trường. Với lực lượng các nhà khoa học và giảng viên có trình độ cao, xác định đúng đắn định hướng phát triển nghiên cứu khoa học, đổi mới tư duy nghiên cứu khoa học, Trường đã đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học pháp lý, đào tạo cán bộ pháp luật, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đóng góp tích cực vào các sự kiện, bước ngoặt lớn trong sự phát triển của đất nước.
TS Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng cho rằng: Trường cần tận dụng thời cơ, thế mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Trường thành trường đại học có định hướng nghiên cứu trong nhiệm vụ tổng thể xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật |
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô đào tạo, ngay từ những ngày đầu, Trường Đại học Luật Hà Nội đã chú trọng xây dựng hệ thống giáo trình, học liệu. Cho tới nay, Trường là một trong số ít các cơ sở đào tạo đã xuất bản hệ thống giáo trình cho toàn bộ các môn học bắt buộc thuộc các chương trình đào tạo cử nhân luật và một số môn học tự chọn mũi nhọn, quan trọng. Bên cạnh hệ thống giáo trình, các sách tham khảo, chuyên khảo và hướng dẫn do giảng viên của Trường biên soạn được đánh giá cao và là nguồn học liệu, trích dẫn phục vụ hiệu quả hoạt động giảng dạy, nghiên cứu pháp luật trong và ngoài Trường. Đặc biệt, chỉ riêng các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của Trường đã xuất bản được trên 200 đầu sách chuyên khảo, tham khảo. Ngoài ra, các giảng viên của nhà trường đã xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu ở nước ngoài hoặc bằng tiếng nước ngoài. Hệ thống giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo, sách hướng dẫn và sách dịch của Trường phù hợp với hình thức đào tạo tín chỉ, cập nhật thực tiễn pháp lý, đã và đang là lựa chọn hàng đầu trong giảng dạy và nghiên cứu tại nhiều cơ sở đào tạo luật khác.
Trường Đại học Luật Hà Nội và cán bộ, giảng viên Nhà trường đã chủ trì 57 đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và tương đương cùng hàng trăm đề tài cấp cơ sở. Trong 5 năm trở lại đây, số lượng đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và tương đương chiếm hơn 40% tổng số lượng đề tài đồng cấp tính từ khi thành lập Trường, trong đó có các đề tài, đề án cấp Nhà nước và tương đương được đánh giá là có có tầm cỡ, mang tính dẫn dắt, định hướng và tạo nhu cầu mới cho xã hội về xây dựng và hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như: Đề án thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học 2012"; Đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay”; Đề tài thuộc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất chủ trương, phương án đàm phán của Việt Nam trong xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia”. Sau khi Luật Khoa học và Công nghệ có hiệu lực, Trường đã xây dựng nhiều chính sách, nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường hướng tới chất lượng và hiệu quả. Vì vậy, số lượng đề tài cấp Trường tăng vượt bậc so với các năm trước đây. Ngoài ra, với uy tín khoa học và chuyên môn cao, các giảng viên của Trường cũng đã được mời tham gia thực hiện nhiều đề tài do các Bộ, Ngành, các viện hoặc cơ sở đào tạo khác chủ trì.
Hội thảo khoa học cấp Bộ “Những vấn đề lý luận hiện đại về nhà nước và pháp luật” do Trường Đại học Luật Hà Nội và Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội đồng tổ chức ngày 15 tháng 12 năm 2020 |
Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, Nhà trường đều tổ chức khoảng 60 hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp. Ngoài ra, hằng năm, Trường cũng phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức các hội thảo quốc tế tại Việt Nam hoặc nước ngoài, đặc biệt các hội thảo khoa học quốc tế thường niên trong khuôn khổ hợp tác với CHLB Đức tại Tuần lễ pháp luật Đức hoặc các Trường như Trường Đại học quan hệ quốc tế Mátxcơva, Đại học tổng hợp Vân Nam – Trung Quốc… Các Hội thảo, tọa đàm quốc tế tập trung vào các vấn đề đương đại của khoa học pháp lý và mang tính thời sự, đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói riêng và chiến lược cải cách tư pháp của đất nước nói chung.
Tạp chí Luật học của Trường là một trong những tạp chí khoa học hàng đầu trong lĩnh vực luật học ở Việt Nam với cơ chế thẩm duyệt bài (peer review) chặt chẽ được đánh giá cao. Tạp chí Luật học có những xuất bản phẩm định kì, chuyên đề, đặc san với nội dung khoa học phong phú, sâu sắc, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội và hoạt động của ngành Tư pháp nói chung. Tính từ số Tạp chí đầu tiên ra mắt bạn đọc (số 1/1994) đến nay, Tạp chí Luật học đã xuất bản và phát hành phục vụ bạn đọc 247 số định kì, 23 số đặc san với 2.731 bài báo khoa học của hơn 700 tác giả trong và ngoài Trường trong đó có nhiều tác giả nước ngoài từ Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào… Tạp chí cũng quy tụ được nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia vào Hội đồng biên tập, tham gia phản biện bài cho Tạp chí.
Từ năm 2001, Trường đã thường xuyên tổ chức cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” để lựa chọn các công trình nghiên cứu xuất sắc gửi tham dự cuộc thi “sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ. Tính đến hết năm 2020, đã có 99 công trình nghiên cứu khoa học sinh viên đạt giải cấp Bộ, trong đó có 01 giải nhất, 13 giải nhì, 22 giải ba và 56 giải khuyến khích; 14 công trình đạt Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, trong đó có 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba, 11 giải khuyến khích. Các toạ đàm khoa học, các cuộc thi Olympic các môn khoa học pháp lý của sinh viên cũng là các hoạt động nghiên cứu khoa học bổ ích, giúp cho sinh viên hiểu sâu và vận dụng được các kiến thức được học đồng thời rèn luyện kỹ năng hùng biện, tranh tụng. Sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đã giành được các giải thưởng cao trong các cuộc thi tranh tụng quốc gia và quốc tế: Giải Nhất Cuộc thi tranh tụng FDI Moot cấp quốc gia năm 2019, 2020; Giải Vàng dành cho Hoà giải viên và Giải Bạc cho vị trí Luật sư biện hộ trong Cuộc thi Hoà giải quốc tế năm 2019 tại Singapore…
Lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội trao giải cho các sinh viên có thành tích xuất sắc trong phong trào nghiên cứu khoa học |
Được xem là điểm nhấn trong hoạt động khoa học hằng năm của Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2017, lần đầu tiên Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Tuần lễ Nghiên cứu khoa học nhằm hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đặc biệt chú trọng nâng cao khả năng công bố quốc tế cho đội ngũ giảng viên, mở rộng các hình thức thông tin khoa học và giải quyết các vấn đề khoa học pháp lý có tính thời sự trong bối cảnh giáo dục hiện đại và hội nhập quốc tế. Cho đến nay, Trường Đại học Luật Hà Nội là đơn vị duy nhất trên toàn quốc tổ chức Tuần lễ này và nhận được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học cũng như các cơ quan, tổ chức khác. Trong khuôn khổ Tuần lễ Nghiên cứu khoa học từ năm 2017 đến nay, đã có hơn 10 hội thảo, toạ đàm và gần 20 hoạt động chuyên môn khác được tổ chức. Đáng chú ý, Tuần lễ Nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội đã duy trì thường niên các hội thảo, toạ đàm, tập huấn hướng tới nâng cao năng lực công bố quốc tế cho giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ và nghiên cứu sinh của Trường, góp phần đặt nền móng cho các công bố quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội. Từ năm 2017 đến hết năm 2020, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có 27 công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có phản biện hoặc các sách xuất bản bằng tiếng nước ngoài ở nước ngoài, trong đó có 04 công bố trên tạp chí thuộc danh mục SCOPUS.
Đến tầm nhìn của trường đại học trọng điểm đào tạo về pháp luật
Trong bối cảnh khoa học và công nghệ thế giới đã trở thành lực lượng sản xuất hiện đại, là động lực phát triển và là nền tảng của nền kinh tế tri thức của các quốc gia; Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 và Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 tiếp tục được đẩy mạnh; tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định số 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Luật Hà Nội tiếp tục và kiên định chủ trương: nghiên cứu khoa học là định hướng phát triển của Trường. Điều này được khẳng định tại Chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội đến năm 2030: Phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; trường trọng điểm về đào tạo pháp luật; trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và truyền bá tư tưởng pháp lý hàng đầu của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Để hiện thực hoá định hướng đã xác định, trong những năm tới, Trường Đại học Luật Hà Nội ưu tiên tập trung cho công tác nghiên cứu cơ bản, chú trọng nghiên cứu ứng dụng gắn với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng cơ chế tự chủ về nghiên cứu khoa học; thành lập Quỹ khoa học và công nghệ; xây dựng các khoa, bộ môn thành những đơn vị nghiên cứu khoa học mạnh theo từng lĩnh vực chuyên ngành đồng thời chú trọng thành lập và phát triển các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh, thành lập mới một số viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu trực thuộc Trường; chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về nghiên cứu khoa học, đảm bảo kết hợp giữa nghiên cứu khoa học với giảng dạy và các nhiệm vụ khác theo hướng tăng cường tỷ lệ và định mức thời gian dành cho nghiên cứu khoa học, thực hiện hiệu quả việc đổi mới cơ chế giám sát và đánh giá kết quả nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng các đề tài khoa học.
Bên cạnh đó Trường cũng chú trọng mở rộng hợp tác về nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước để tăng cường phát triển các nguồn lực và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chất lượng cao của Trường; đặc biệt tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, để thu hút các nhà khoa học danh tiếng ở ngoài Trường và ở nước ngoài tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, công bố công trình nghiên cứu khoa học, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, mỗi năm công bố ít nhất 50 bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới và đến năm 2030, mỗi năm công bố ít nhất 100 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới; xây dựng Tạp chí Luật học đạt tiêu chuẩn quốc tế, được chấp thuận vào ACI từ năm 2025, trở thành tạp chí có uy tín ở châu Á và từng bước khẳng định uy tín trên thế giới. Đầu tư nguồn lực để xây dựng các nhóm nghiên cứu của Trường cũng là một trong những giải pháp lớn, tập trung cho mục tiêu thực hiện các dự án nghiên cứu có tài trợ quốc tế và công bố quốc tế để đến năm 2022, Trường hình thành và vận hành có hiệu quả ít nhất 06 nhóm nghiên cứu chuyên sâu, mũi nhọn, nghiên cứu mạnh ở các lĩnh vực pháp luật.
Những kết quả đạt được trong nghiên cứu khoa học nói riêng và trong xây dựng, phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội nói chung là tiền đề quan trọng để Trường Đại học Luật Hà Nội tận dụng thời cơ, tận dụng điểm mạnh nhằm khắc phục những hạn chế, đối mặt với những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Trường thành trường đại học có định hướng nghiên cứu trong nhiệm vụ tổng thể xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật./.