Báo cáo với Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhưng bám sát chủ trương, nghị quyết của Trung ương và thực tiễn của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết, thống nhất, tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Hà Tĩnh luôn chú trọng tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Trong công tác cán bộ, tỉnh đã triển khai đồng bộ các văn bản của Trung ương từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phân cấp quản lý, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Công tác phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ được chú trọng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ kết nạp 4.049 quần chúng ưu tú vào Đảng; thành lập 5 tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp; xóa 5 thôn trắng đảng viên.
Tại Hội nghị, Hà Tĩnh đề xuất Trung ương sớm sửa đổi một số quy định về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với tình hình thực tiễn; sớm ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung, mô hình theo quy định, văn bản mới; hướng dẫn cách làm cụ thể, phù hợp trong sáp nhập đơn vị hành chính…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh trong phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng. Tỉnh đã vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch bệnh; thu ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng/năm từ năm 2016. Hà Tĩnh nằm trong tốp 10 cả nước về thu hút nguồn vốn FDI; tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đạt nhanh... Về xây dựng nông thôn mới, tỉnh có nhiều cách làm tốt; hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng từ nguồn chủ yếu xã hội hóa, vận động con em xa quê hương cùng chung sức, hỗ trợ.
Trong công tác xây dựng Đảng, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các nghị quyết, chuyên đề sát với thực tiễn; bố trí luân chuyển, quy hoạch cán bộ tốt; phát triển cơ sở Đảng và kết nạp đảng viên mới tương đối đồng đều…
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị, thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh khắc phục các mặt hạn chế, hướng tới mục tiêu năm 2025 đạt tỉnh nông thôn mới, năm 2030 là tỉnh khá trong cả nước, đồng thời phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững. Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục quyết tâm phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Về công tác xây dựng Đảng, tỉnh cần tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán; chú trọng sắp xếp kiện toàn chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới; quan tâm công tác phát triển đảng viên; tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao sức chiến đấu, lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng... Đối với sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Tĩnh cần xây dựng phương án phù hợp với quy hoạch đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt; xác định rõ đối tượng, lộ trình, bảo đảm dân chủ và sự đồng thuận của nhân dân; đối với các đơn vị hành chính đã sáp nhập, đơn vị hành chính đã ổn định, đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù thì không thực hiện sáp nhập...
Theo báo cáo tại Hội nghị, tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh (GRDP) năm 2022 đạt gần 93.000 tỷ đồng, xếp thứ 30/63 cả nước; thu ngân sách đạt kết quả khá; nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện; 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 85 dự án, trong đó có 83 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 16.500 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 277 triệu USD.
Văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; các hoạt động an sinh xã hội được bảo đảm. Tỉnh kịp thời huy động xã hội hóa gần 400 tỷ đồng xây dựng 58 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và hơn 4.000 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai; thành lập Quỹ “Hỗ trợ học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn đạt điểm cao vào đại học”, đã tiếp sức cho 220 học sinh đến giảng đường…