Trung Quốc tìm cách tăng cường hiện diện tại các tổ chức quốc tế

Sinh viên Trung Quốc học ở nước ngoài đang ngày càng tăng
Sinh viên Trung Quốc học ở nước ngoài đang ngày càng tăng
(PLO) - Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp bao gồm cả các giải pháp thể chế để tăng cường nguồn nhân lực của nước này tại các tổ chức quốc tế như Liên Hợp quốc (LHQ).

Quy trình phức tạp

Trở thành một công chức quốc tế là ước mơ của nhiều người trẻ trên thế giới và với người Trung Quốc, họ cũng không phải là ngoại lệ. Theo The Diplomat, những công dân Trung Quốc trẻ tuổi và tài năng nếu muốn tìm việc làm ở một tổ chức quốc tế thường có 2 kênh.

Lấy ví dụ với LHQ, nếu một công dân Trung Quốc đang tìm việc hiện sinh sống hoặc học tập ở nước ngoài, người này có thể thực hiện các quy trình nộp đơn xin việc như thường lệ và gửi đơn trực tiếp tới tổ chức muốn làm việc. Sau khi được tuyển dụng, người này sẽ trở thành một công chức quốc tế mang hộ chiếu Trung Quốc. Kênh này không khác gì so với cách thức mà những người ở các nước khác thực hiện khi muốn vào làm việc tại các cơ quan của LHQ.

Tuy nhiên, nếu công dân Trung Quốc muốn làm việc cho các tổ chức nước ngoài đang sống ở Trung Quốc đại lục, trình tự thủ tục sẽ phức tạp hơn. Đầu tiên, người này sẽ phải tham gia kỳ thi kiểm tra cạnh tranh quy mô toàn quốc do Bộ an sinh xã hội và nguồn nhân lực Trung Quốc (MHRSS) tổ chức. Về mặt lý thuyết, cuộc thi này mở cho tất cả những người đủ tiêu chuẩn.

Song, theo nhiều nguồn tin, “cuộc gọi tham gia kiểm tra” thường chỉ giới hạn trong một nhóm rất hẹp nên hầu hết những người tham gia các cuộc kiểm tra như vậy thực chất đã làm việc cho Chính phủ Trung Quốc từ trước. Sau khi vượt qua được kỳ thi kiểm tra, người đó sẽ được đưa vào danh sách các “tài năng dự trữ” và có cơ hội trở thành một công chức quốc tế. 

Có điều, vị trí “tài năng dự trữ” như vậy cũng không đảm bảo để người này có được một vị trí nào đó trong các tổ chức quốc tế mà công việc của họ ở các tổ chức quốc tế vẫn sẽ phụ thuộc vào thời điểm và quyết định điều hành từ MHRSS. Sở dĩ có tình trạng này là do mỗi tổ chức trong hệ thống các cơ quan của LHQ đều có một “cơ quan kết nối” trong Chính phủ Trung Quốc.

Khi các tổ chức quốc tế muốn tuyển các công chức từ Trung Quốc vào làm việc, họ sẽ gửi các yêu cầu cho cơ quan kết nối của Trung Quốc. Cơ quan kết nối sau đó sẽ gửi yêu cầu cho MHRSS để Bộ này sàng lọc từ danh sách các tài năng dự trữ để chọn ra ứng viên phù hợp. Hồ sơ ứng viên tiếp đó được gửi cho tổ chức cần tuyển người. MHRSS cũng có thể sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo và các vấn đề hành chính cần thiết cho ứng viên trước khi họ nhận việc làm.

Theo các nhà quan sát, thủ tục phức tạp và có phần “nửa khép kín” như trên không chỉ gây mệt mỏi và mất thời gian mà còn khiến nhiều người Trung Quốc thực sự có tài năng và muốn tìm kiếm các vị trí việc làm trong các tổ chức quốc tế mất đi cơ hội. Cũng vì vậy nên trong suốt một thời gian dài, dù có số dân đông và vị trí cao trong nền kinh tế thế giới nhưng các công chức Trung Quốc không hiện diện nhiều trong các tổ chức quốc tế quan trọng. Số đại diện của Bắc Kinh trong các tổ chức quốc tế ít hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác như Ấn Độ, Pakistan và Brazil chứ chưa nói đến các nước phát triển như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bắt đầu thay đổi

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tình hình đã bắt đầu thay đổi. Dù quy trình truyền thống vẫn được giữ nguyên nhưng Chính phủ Trung Quốc – nước đóng góp nhiều thứ 3 cho ngân sách của LHQ – đã bắt đầu xem xét các cách thức để có nhiều người Trung Quốc hơn được làm việc trong hệ thống các cơ quan của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới.

Theo hướng đó, một số trường đại học của Trung Quốc đã bắt đầu mời các công chức Trung Quốc đã nghỉ hưu tham gia giảng dạy, thuyết trình về kinh nghiệm cá nhân của họ khi làm việc trong các cơ quan quốc tế đồng thời tăng cường các biện pháp để thu hút những sinh viên trẻ quan tâm đến các công việc như vậy.

Ví dụ, cựu quan chức cấp cao tại WHO Song Yunfu, cựu nhân viên UNICEF tại văn phòng Bắc Kinh Bai Bin và cựu Phó Tổng Thư ký LHQ Wu Hongbo đều đã được mời thực hiện các buổi nói chuyện cho công chúng Trung Quốc, đặc biệt là cho các sinh viên trẻ tại các trường đại học, về kinh nghiệm của họ.

Cùng với những thay đổi nhỏ như vậy, Trung Quốc cũng đã có một số nỗ lực về thể chế để khuyến khích những người Trung Quốc trẻ tuổi có tài năng tích cực tham gia làm việc trong các tổ chức dân sự quốc tế, trong đó có ít nhất 2 chính sách nổi bật. Đầu tiên, Chính phủ Trung Quốc đã đưa vào thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính cho các thực tập sinh của Trung Quốc tại các tổ chức quốc tế - những vị trí thường không được trả lương.

Cụ thể, để khuyến khích các công dân Trung Quốc tham gia thực tập tại các tổ chức quốc tế, năm 2016, Hội đồng học bổng Trung Quốc (CSC) – một cơ quan phi lợi nhuận do Chính phủ điều hành và phối hợp trực tiếp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Trung Quốc – đã khởi động chương trình học bổng để tài trợ cho các thực tập sinh người Trung Quốc. Đến nay, CSC đã thiết lập quan hệ hợp tác với ít nhất 7 tổ chức quốc tế. Bên cạnh việc hỗ trợ về đi lại, mỗi thực tập sinh có thể nhận được một khoản trợ cấp từ 800 đến 1.600 USD mỗi tháng, tùy thuộc vào nơi họ được phái đến.

Một cách tiếp cận khác là thiết lập các chương trình cấp bằng đặc biệt nhấn mạnh vào quản trị toàn cầu và hành chính công. Ví dụ, Trường Quản lý và chính sách công tại Đại học Thanh Hoa – một trong những trường đại học tốt nhất Trung Quốc trong lĩnh vực hành chính công – gần đây đã phối hợp với các trường đại học nước ngoài để thiết lập 2 chương trình học cấp bằng là chương trình Thạc sỹ Chính sách công vì các mục tiêu phát triển bền vững và Thạc sỹ chính sách công về dữ liệu lớn quản trị công và toàn cầu. Các chương trình đào tạo này lần lượt được thực hiện với sự phối hợp của Trường Đại học Geneva, Thụy Sỹ và Trường Đại học Washington của Mỹ. 

Rõ ràng, những chương trình này không hề che giấu tham vọng của Trung Quốc trong việc đào tạo những người trẻ Trung Quốc thành các công chức quốc tế có đủ bằng cấp. Cả 2 chương trình đều nhắm đến các lĩnh vực mới nổi trong quản trị toàn cầu. Những chương trình như vậy còn giúp cho các sinh viên Trung Quốc có được cái nhìn rộng lớn hơn về các vấn đề quốc tế cũng như trải nghiệm đa văn hóa độc đáo.

Trong đó, Geneva là địa điểm hoàn hảo, tạo điều kiện để các sinh viên Trung Quốc có thể tiếp cận các tổ chức quốc tế. Vào mùa thu này, các sinh viên đầu tiên của 2 chương trình nói trên sẽ nhập học và chắc chắn những người trẻ Trung Quốc khi quyết định theo học các chương trình này đều nuôi quyết tâm vào làm việc trên đấu trường quốc tế.

Cùng với những nỗ lực thay đổi thể chế này, phương pháp chọn lựa nhân sự cho các tổ chức quốc tế của Chính phủ Trung Quốc cũng đã bắt đầu thay đổi. Nhiều người cho rằng cách thức lựa chọn nhân sự dự bị của Trung Quốc tới đây sẽ cởi mở và minh bạch hơn hẳn so với trước đó để tạo điều kiện cho những công dân trẻ của nước này có cơ hội làm việc trong các tổ chức quốc tế.

Tăng cường hiện diện

Vậy, tại sao Trung Quốc lại tích cực hỗ trợ các công dân trẻ tham gia làm việc trong các tổ chức quốc tế như vậy? Theo nhiều nhà quan sát, câu trả lời là do Trung Quốc tin tưởng mạnh mẽ vào quyền lực của các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – cũng đang tích cực tìm cách tăng cường sự hiện diện trên trường quốc tế. Năm 2001, cùng với Nga, Trung Quốc đã khởi xướng thành lập Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Trong 1 thập kỷ qua, Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thực sự giữa các nước BRICS. 

Dưới thời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sự tham gia của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực và toàn cầu cũng đã mạnh mẽ hơn. Trung Quốc gần đây cũng đã khởi xướng sáng kiến “Vành đai và con đường” và thành lập Ngân hàng hạ tầng châu Á. Những nỗ lực này đã khiến một số nhà quan sát phương Tây tin rằng Trung Quốc đang xây dựng một “kế hoạch tổng thể” lớn hơn để thay thế Mỹ và các tổ chức quốc tế vốn do các nước châu Âu nắm vai trò chủ đạo.

Trong bối cảnh như vậy, bằng cách đưa thêm những công dân Trung Quốc vào các tổ chức quốc tế hiện có, Trung Quốc dường như đang muốn nhắm tới 2 mục tiêu, vừa là tận dụng các tổ chức quốc tế như diễn đàn để nước này tham gia vào việc thiết lập các quy tắc mang tính chất toàn cầu vừa là gia tăng tiếng nói của nước này trên trường quốc tế. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.