Một buổi sáng lạnh -10 độ C ở công viên tại Bắc Kinh, hơn hai chục thiếu niên đang tập luyện để nam tính hơn. Ánh nắng nhạt xen lẫn giữa những mảng bóng râm lạnh ghê người. Gió cắt vào thịt khiến các bé rùng mình khi chuẩn bị cởi áo và chạy.
Một người mẹ tỏ ra lo lắng. Bà muốn con mình trở thành đàn ông đầy nam tính nhưng trời lại lạnh quá. Bà nói con cứ mặc áo vào, hay có thể chạy tắt, bỏ đoạn chạy qua công viên Olympic Forest.
“Kiểu nuôi dạy làm hỏng con cái”
Đó là cách nuôi dạy con kiểu “đàn bà” mà Tang Haiyan, huấn luyện viên của lớp, sợ rằng “có thể làm hỏng các bé”. Ông Tang, từng là giáo viên, thành lập Câu lạc bộ Tập luyện Đàn ông Đích thực để chống lại điều mà ông và nhiều người cho là khủng hoảng nam tính ở Trung Quốc, do sự phổ biến hình ảnh các nam tài tử trang điểm bóng bẩy và đeo khuyên tai trên truyền hình hay trong các chương trình ca nhạc. “Nếu cứ quảng bá cho các nhân vật ẻo lả này”, ông Tang nói. “Sẽ là thảm họa cho đất nước”.
Ở Trung Quốc, đất nước có đa số lãnh đạo là nam giới và các chiến dịch bình đẳng giới có khi không được hưởng ứng, người từ trung niên trở lên, đặc biệt những người bảo thủ, thường xuyên tranh luận thế nào là nam tính.
Do ảnh hưởng của K-pop từ Hàn Quốc, các nhóm nhạc nam và nghệ sĩ Trung Quốc với khuôn mặt thanh tú, tóc nhuộm và tủ quần áo thời trang cao cấp có lượng lớn phụ nữ theo dõi. Nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc lên án những tài tử trẻ này đã dùng “da thịt” của mình để nổi tiếng.
Các phụ huynh Trung Quốc gần đây có thêm dịp “ném đá” sau khi chương trình TV mời nhóm nhạc nam F4 của Đài Loan. Họ chỉ trích Bộ Giáo dục nước này vì đưa hình ảnh nam giới có khuôn mặt trang điểm lên làm hình mẫu, trong khi truyền thông nhà nước cảnh báo nền văn hóa “xuống cấp” và “yếu ớt” đang đe dọa thế hệ tương lai. Năm nay, một trang web phát video trực tuyến ở Trung Quốc đã bắt đầu làm mờ hình ảnh nam giới đeo khuyên tai.
Song Geng, nhà nghiên cứu về nam giới Trung Quốc, nhận định nỗi sợ trên phản ánh sự thiếu tự tin đã có từ lâu về sức mạnh của Trung Quốc, sau những bước lùi trong lịch sử như chiến tranh thuốc phiện và sự đô hộ của các nước đế quốc.
“Họ lo lắng nếu các bé trai Trung Quốc quá ẻo lả... đất nước sẽ yếu đi và không thể cạnh tranh với đối thủ”, ông nói.
Nhà viết kịch bản Wang Hailin chỉ trích các đồng nghiệp của mình xây dựng các nhân vật nam “hèn nhát, yếu ớt, thua cuộc và ngốc nghếch”, nói Trung Quốc nên noi gương Hollywood tạo nên các nhân vật nam có tính cách mạnh mẽ. “Diễn viên nam đại diện cho lý tưởng quốc gia. Chúng ta không thể khuyến khích thế hệ trẻ noi gương theo họ”, ông nói.
Lãnh đạo quân đội Trung Quốc cũng có mối lo tương tự. Một tờ báo quân đội gần đây phàn nàn rằng 20% lính mới không đủ điều kiện qua kiểm tra sức khỏe vì quá béo, xem quá nhiều video trên điện thoại, uống quá nhiều rượu.
Trở lại buổi tập, huấn luyện viên Tang yêu cầu các học trò lấy tay đấm thình thịch vào ngực và hô khẩu hiệu. Các phụ huynh đứng ngoài phải nhún nhảy vì trời quá lạnh. Họ nói con cái họ lựa chọn đi theo câu lạc bộ, nơi có hoạt động hàng tuần như bóng bầu dục Mỹ, đấu vật và đấm bốc, cùng các đợt dã ngoại băng qua sa mạc và núi.
Xu hướng dùng mỹ phẩm và trang điểm ngày càng tăng ở Trung Quốc. Trong ảnh là Zhang Yangzi, giáo viên 22 tuổi ở Thượng Hải, chụp ảnh trang điểm và có hình xăm tạm thời. |
Bà mẹ nói con mình có thể chạy tắt qua công viên cũng đang ở đây. “Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt cho con tôi nam tính, mạnh mẽ hơn”, bà mẹ có họ Chen nói. Bà miêu tả con trai mình sống nội tâm, e dè, và cho rằng tham gia câu lạc bộ sẽ khiến nó tự tin hơn.
“Con trai thì phải có tính cách đàn ông... nhưng tôi không nghĩ ngành giải trí cho chúng xem các tấm gương tốt, các nghệ sĩ trên màn ảnh có tính cách giống phái nữ”, bà Chen nói.
Huấn luyện viên Tang, người thành lập câu lạc bộ năm 2012, nhìn nhận xã hội phân chia rõ ràng làm hai giới. Con trai phải mạnh mẽ, ăn to nói lớn, không cần lịch sự. Con gái phải nhẹ nhàng, chăm chỉ và tinh tế.
Lớp của ông bao gồm cả những đứa trẻ có vấn đề, học kém. Ông nói các bé trai Trung Quốc chịu thiệt thòi trong hệ thống giáo dục do đa số các giáo viên nữ bảo thủ đứng lớp, những người sẽ khen ngợi các hành vi “tốt” giống con gái và phạt các hành vi “xấu” của con trai.
Câu lạc bộ của ông có từ 2.000-3.000 thành viên lấy cảm hứng từ môn bóng bầu dục Mỹ và một lần ông đi thăm California năm 2006 để xem cách các đội bóng được huấn luyện. Ông cho rằng cha mẹ Mỹ muốn con cái chơi bóng bầu dục để “trở thành đàn ông tính cách mạnh mẽ”. Ông kết luận bộ môn này có thể thay đổi thiếu niên Trung Quốc.
Những quan niệm khác
Trái với quan niệm trên, Li Chao, 21 tuổi, sống trong căn hộ sang trọng ở ngoại ô Bắc Kinh với hai trợ lý và con chó xù đồ chơi có tên Coffee, lại nghĩ khác. Anh là kiểu đàn ông mà những người bảo thủ sẽ ghét. Tóc cắt uốn tạo kiểu, anh kẻ mắt sắc hồng nhẹ, bôi son màu tự nhiên và đắp phấn nền. Anh kiếm được 30.000 USD mỗi tháng bằng cách phát trực tuyến chính mình trang điểm, khoản tiền lớn đối với một người không bằng cấp.
Anh học được cách trang điểm từ các bạn gái cùng lớp sau khi thấy bực mình về mụn trên mặt. “Tôi cảm thấy vui vì mỗi ngày tôi trang điểm, và tôi cảm thấy tươi mới và rất vui”, Li nói. Nhưng cha của anh cảm thấy lo sợ. “Ông ấy nổi giận, liên tục hỏi tôi. Ông nói tôi không nên làm những chuyện con gái”, Li nói.
Để đỡ cãi cọ, anh trang điểm nhẹ khi đến thăm cha mẹ, nhưng anh bác bỏ luồng tư tưởng lên án trên truyền thông nhà nước và từ những người bảo thủ.
Một nam thanh niên Trung Quốc đang hướng dẫn trang điểm trên mạng xã hội. |
“Những ý kiến đó chỉ đánh giá con người dựa vào bề ngoài”, anh nói. “Trong xã hội hiện đại, bạn không thể đánh giá vì trông bề ngoài không đủ nam tính. Sao bạn biết chúng tôi không đủ nam tính?”
Ngày càng có nhiều nam giới Trung Quốc dùng mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da. Một tài xế taxi ở thành phố Linhai phía đông Trung Quốc bị Internet bình phẩm vì ảnh anh vừa lái xe vừa đeo mặt nạ dưỡng da được chia sẻ rộng rãi vào năm ngoái. Chen Yiqin bị đình chỉ công tác ba ngày và phải chịu các lời trêu chọc trên mạng xã hội, nhưng anh cũng có thêm nhiều fan ủng hộ cách chăm sóc cho bản thân của anh.
“Đàn ông có nhiều loại, như thế đã sao?” Li đặt câu hỏi. “Việc con trai quan tâm đến diện mạo ngày nay là bình thường”.
Li có 1,5 triệu người theo dõi trên trang phát trực tuyến video Kuaishou và 2 triệu trên mạng xã hội Weibo, chủ yếu là nữ giới tuổi từ 12-30.
Nhà nghiên cứu Zheng Jiawen từ khoa báo chí - truyền thông, đại học Nam Kinh, còn cho rằng vấn đề của Trung Quốc không phải ở bộ mặt trang điểm hay mái tóc tạo kiểu.
“Vấn đề thực sự là một thế hệ đàn ông lo sợ, bất an về vị thế của mình trong xã hội và cố chấp áp đặt quyền lực của mình”, Zheng viết trên một trang web.
“Chúng ta nên học cách chấp nhận thực tế là khuôn mặt thanh tú không đồng nghĩa với trái tim yếu đuối, đôi vai gầy không đồng nghĩa với tâm hồn dễ quỵ ngã, và việc “đi ngược lại” các quy chuẩn nam tính lỗi thời không phải là đi ngược lại quốc gia”, Zheng viết thêm.