Victor Gordon, 68 tuổi, một người buôn bán đồ mỹ thuật ở Philadelphia, Mỹ đã chi nhiều tiền để bay tới châu Phi, mua ngà voi thô rồi thuê chạm khắc chúng thành những tác phẩm điêu khắc. Sau đó, những sản phẩm này được nhuộm cho cũ đi trước khi những kẻ buôn lậu tuồn chúng vào Mỹ.
Những tác phẩm điêu khắc từ ngà voi bị thu giữ. Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ.
Các quan chức Mỹ cho các phóng viên chứng kiến những đồ trạm khắc tinh vi từ toàn bộ ngà voi, những tác phẩm điêu khắc và những bức tượng nhỏ khác mà lực lượng thực thi pháp luật đã thu giữ từ shop của Gordon và từ các khách hàng của ông ta. “Số lượng ngà voi ăn cắp trong vụ việc này nhiều đến mức gây kinh ngạc và cho thấy tính nghiêm trọng của hành vi tội phạm”, luật sư Mỹ Loretta Lynch nói. Văn phòng của luật sư Lynch mô tả vụ tịch thu ngà voi lần này là một trong những vụ lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Theo một bản cáo trạng được gửi tới tòa án liên bang Mỹ ở New York, Gordon đã trả cho một người đồng mưu vụ buôn bán trái phép ngà voi 32.000 USD để thực hiện nhiều chuyến đi để mua ngà voi thô tại trung và tây Phi từ tháng 5/2006 đến tháng 4/2009.
Nhân vật đồng mưu kia đã trạm khắc ngà voi và nhuộm màu để che giấu sự mới mẻ của chúng, rồi tuồn vào Mỹ qua Sân bay Quốc tế JKF ở New York. Sau đó, “hàng” được chuyển tới cửa hàng bán lẻ của Gordon tại Philadelphia, bản cáo trạng cho biết.
Hồi tháng 4/2009, lực lượng thực thi pháp luật Mỹ đã từng thu giữ hàng trăm ngà voi và những đồ trạm khắc từ shop của Gordon ở Philadelphia. Nhưng sau một cuộc điều tra kéo dài, lại thêm nhiều đồ trạm khắc từ ngà voi bị thu giữ từ các khách hàng của Gordon ở các bang New York, Kansas, California và Missouri. Hôm 26/7, Gordon bị bắt giữ và bị buộc 10 tội danh vi phạm pháp luật chống buôn lậu ngà voi của Mỹ. Nếu bị kết án, ông ta đối mặt với bản án lên tới 20 năm tù giam.
Hiện nay, buôn bán ngà voi bị kiểm soát một cách nghiêm ngặt theo pháp luật Mỹ cũng như pháp luật quốc tế. Voi được bảo vệ theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật nguy cấp (CITES). Tuy nhiên, ngà voi hơn 100 có thể được bán, có thể được nhập một cách hợp pháp vào Mỹ.
Phúc Lợi (theo BBC)