'Triết lý bí mật' của người đàn ông tật nguyền ngày ngày lê chân vá đường

'Triết lý bí mật' của người đàn ông tật nguyền ngày ngày lê chân vá đường
0:00 / 0:00
0:00
Người đi đường đã quen với hình ảnh người đàn ông lê chiếc chân teo tóp, khó nhọc vá từng ổ voi, ổ gà. Đằng sau công việc "vác tù và hàng tổng" ấy là một triết lý sống cảm động lòng người.

Ở đâu đường hỏng, ở đó có ông Ba!

Nhiều năm nay, hình ảnh ông Nguyễn Hồng Dân (thường gọi là ông Ba, 54 tuổi, ngụ phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) sau khi bán hết tập vé số lại ngồi cặm cụi vá đường đã trở nên quen thuộc với người dân xứ Tây Đô. Sáng ra đi làm đã thấy, trưa đi làm về vẫn còn thấy, ông Ba vẫn ngồi miệt mài đầm đầm, gõ gõ mặc kệ nắng nôi, mặc kệ bụi đường, mặc kệ luôn người qua kẻ lại.

Ông Ba chưa đến, đoạn đường có ổ gà, có hư hỏng, khi ông Ba dọn đồ lên xe ba gác chuẩn bị về thì ổ gà đã được vá, hư hỏng đã được sửa. Quy trình vá đường của ông Ba bắt đầu khi ông hạ tấm biển cảnh báo "đang vá đường, xin đi chậm" xuống. Công việc luôn kết thúc với bước kiểm tra cuối cùng là chính chiếc xe ba bánh của ông lăn qua chỗ bê tông vừa kịp khô.

Ông Ba có một "kho vật tư vá đường" của riêng mình (Ảnh: Nguyễn Cường).

Cứ ai báo ở đâu có đường hỏng là ông Ba sẽ có mặt, không thể lập tức nhưng cũng chẳng phải chờ lâu quá. Ông Ba chỉ "ăn rồi đi vá đường" nên cứ tuần tự ai báo trước đến trước, ai báo sau thì chờ đôi ba ngày, dù nắng hay mưa ông cũng không nghỉ.

Sau mỗi ngày đi làm về, ông Ba lại chuẩn bị sẵn dụng cụ, vật liệu cho ngày hôm sau. Để những đoạn đường được sửa sang sớm nhất, ông Ba thường dậy từ 4h sáng, khi mặt trời lên cao hơn soi tỏ mọi thứ là ông đã tới nơi, lập tức bắt tay vào việc.

"Bê tông bong tróc, bụi bẩn sẽ được dọn sạch sẽ trước khi phủ lên lớp bê tông mới. Tưới nhựa, rải bê tông, đầm, rồi lại tưới nhựa. Nhìn đơn giản vậy thôi chứ đảm bảo nắng mưa không hỏng, 3 năm sau quay lại vẫn còn nguyên", vừa đầm ông Ba vừa thuyết minh về quy trình sửa đường do chính ông đúc rút.

Thua thiệt, bất hạnh từ khi lọt lòng mẹ

Ông Ba quê ở Rạch Giá (Kiên Giang), vừa lọt lòng mẹ thì ông mắc trận ốm kinh hoàng, từ đó chân trái bị liệt, teo tóp như que tràm khô mọc ở bờ kênh. Nhà nghèo, đi lại khó khăn, sức khỏe yếu nên từ nhỏ ông Ba đã chịu nhiều thua thiệt. Dù được mọi người dành tình yêu thương nhưng ông Ba lớn lên với không ít buồn tủi, chạnh lòng, nhất là ngày hai buổi chứng kiến đám bạn cùng trang lứa xách cặp tới trường.

Ông vẫn nhớ như in một ngày đang nô đùa ngoài bờ đê thì cơn giông ập đến, lũ bạn chạy đi hết, chỉ còn ông Ba, chạy không được, cứ đứng chịu cơn mưa xối xả đổ xuống đầu, tối tăm mặt mũi, nước mắt hòa cùng nước mưa. Dẫu biết lũ bạn chỉ trốn mưa vô tư nhưng lòng ông Ba bỗng thấy hụt hẫng, mặt đất như sụp đổ dưới đôi chân tật nguyền.

Ông Ba luôn dọn sạch bụi đường để lớp nhựa mới bám chặt bền chắc nhất (Ảnh: Nguyễn Cường).

Lớn dần, ông Ba cũng vượt qua mặc cảm. Ông cố gắng bước đi tập tễnh để có thể ra đồng phụ cha vài việc vặt như tháo nước, cắt cỏ, vớt bèo. Khi bạn bè lập gia đình hết, ông Ba tưởng mình sẽ chịu cô đơn suốt đời thì có một người con gái chịu lấy ông làm chồng. Thế nhưng hạnh phúc đôi lứa chỉ như cơn mưa rào mùa hạ, chưa kịp tưới đẫm khát khao hạnh phúc bình dị thì giông tố ập tới.

"Cô ấy đến với tôi bất ngờ, rồi chỉ chưa đầy 2 tháng lại đi theo người đàn ông khác. Chóng vánh, tôi ngơ ngác, suy sụp. Lúc đó cảm giác mặc cảm thuở bé bỗng ùa về, tôi lại nhớ chuyện một mình đứng dưới mưa. Vợ bỏ đi, tôi mất niềm tin với tất cả mọi người, vừa gượng dậy thì lại bị cuộc đời phũ phàng xô ngã không thương tiếc", ông ba tâm sự.

Là người vá đường "tay ngang" nhưng ông Ba có quy trình kỹ thuật riêng, tuần tự rõ ràng và làm rất chắc chắn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nhưng rồi có lẽ ông trời thương mà "đền bù" lại cho ông một người phụ nữ khác - người mà ông luôn nhắc tới với đôi mắt lấp lánh hạnh phúc, bảo "cuộc đời này chỉ cần bà ấy là đủ".

"Vợ đầu đi chưa lâu thì bà ấy xuất hiện. Ban đầu tôi sợ, sợ lại một lần nữa chỉ là bến tạm qua đường, sợ lại bị bỏ rơi. Nhưng bà ấy thương tôi lắm, mấy mươi năm sống cùng nhau, từ Kiên Giang, lên Bình Dương rồi về Cần Thơ, 2 vợ chồng chỉ có một chiếc xe đạp cũ nhưng đã đưa nhau đi được cả cuộc đời" - ông kể về vợ mình - bà Ngô Thị Phường - với toàn những chuyện dưa cà mắm muối nhưng hạnh phúc như quay về cái thuở 18, đôi mươi.

Ở quê không có việc làm, ông Ba cùng vợ lên Bình Dương, bà bán tạp hóa còn ông bán vé số. Hai vợ chồng, 3 đứa con, cuộc sống phòng trọ chật chội, thiếu thốn nhưng khi nào cũng tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.

Hàng tạp hóa bán qua cửa sổ phòng trọ của bà Phường vẫn luôn đắt khách, có lời có lãi. Còn ông Ba đi bán vé số được nhiều người thương, ngày nào cũng đều đặn cầm tiền về cho vợ.

Rồi các con được dựng vợ, gả chồng, vợ chồng ông Ba lại lần nữa đưa nhau về Cần Thơ sinh sống. Ông bảo về miền Tây để cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

Sau mấy mươi năm sống êm đềm, chỉ cần vợ chồng có nhau, mọi chuyện xảy ra ông Ba đều coi là chuyện nhỏ. Đợt cao điểm Covid-19 năm ngoái, cả nhà ông Ba mắc bệnh. Bà Phường có bệnh nền nên sức khỏe nhanh chóng chuyển biến xấu rồi không qua khỏi.

"Bà ấy ra đi trên tay tôi, trên tay con gái, thanh thản, không có gì nuối tiếc cả. Dịch bệnh nhưng gia đình vẫn ở cùng nhau, ở cùng bà ấy cho đến giây phút cuối cùng", ông Ba kể.

Nhiều người dân đi ngang dừng lại biếu ông Ba một ít tiền hoặc gói bánh, cốc nước mía thay lời cảm ơn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Trả nợ ân tình

Ông Ba bảo rằng người khác mua vé số cho ông là vì thương ông. Ông tự nhận bản thân không có duyên, không khéo chào mời, cũng không nài nỉ ai mua giúp, thế nhưng ngày nào cũng bán đắt hàng. Ngày ngày, ông đẩy chiếc xe đạp cà tàng đi không quá xa phòng trọ, thế nhưng đến đâu người ta cũng gọi ông vào rồi ủng hộ mấy tờ.

Ông tâm sự: "Những hôm bán hết về sớm, ngồi rảnh rỗi tôi mới nghĩ làm thế nào để cảm ơn cho hết những người đã giúp đỡ cho mình. Dần dần, suy nghĩ đó hiện lên mọi lúc. Rồi chính khi đang đẩy xe đi bán, tôi nhìn xuống đường, thấy có nhiều đoạn ổ voi, ổ gà khiến ai cũng phải né, đi lại khó khăn. Tôi nghĩ hay mình đi vá đường, như thế thì ai cũng được hưởng, coi như mình cũng trả ơn những người đã cưu mang, ủng hộ mình bấy lâu nay".

Rồi ông Ba bàn với vợ, bà Phường lập tức đồng ý, bà còn dành hẳn một triệu đồng mỗi tháng cho ông dùng làm kinh phí vá đường. Kể từ đó, cứ sau những buổi đi bán vé số về sớm, ông Ba lại thồ một bao bê tông khô trộn sẵn cùng bay, xẻng, búa để đi vá đường.

"Bà ấy thương, ủng hộ tôi dữ lắm, việc tôi đi vá đường là bà ấy chịu thì tôi mới làm. Nhiều bữa thiếu tiền mua vật tư bà ấy còn bớt tiền tiết kiệm đưa cho tôi nữa", ông kể.

Từ chỗ làm tranh thủ, được hơn một năm thì ông Ba quyết định mỗi tháng dành 10 ngày để đi vá đường. Ông còn tậu thêm con xe ba gác để chuyên chở vật liệu.

Khi ông Ba dọn dụng cụ chuẩn bị về cũng là lúc đoạn đường đã được sửa lành như mới (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Thấy mình làm vậy, có người ủng hộ, nhưng cũng có người nói tôi bị khùng, nhưng ai nói gì kệ họ, tôi không để ý chuyện khen chê. Đến khi gặp mấy anh thi công đường, các anh ấy chỉ cho nên dùng vật liệu nào, tỷ lệ ra sao, các anh cũng ủng hộ, giúp đỡ nhiều lắm", ông Ba kể.

Chị Đặng Thị Thu Hằng (44 tuổi, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) làm nghề chạy chợ nên hôm nào cũng đi sớm về trưa. Vì khâm phục tấm lòng ông Ba mà cứ tan chợ về, đi trên đường chị cứ phải ngó ngang ngó dọc coi ông Ba đang ngồi đoạn nào để đến biếu cốc nước mía.

Chiếc xe đã cùng ông Ba "đi trả ơn đời" từ Bình Dương xuống Kiên Giang rồi lại đến Cần Thơ (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Tôi đi chợ thật sớm đã thấy ông ngồi vá đường rồi, trưa tan chợ vẫn thấy. Ở đây ai cũng quý, mọi người đi qua về lại cũng muốn ủng hộ ông Ba một chút gì, đi trên đường thấy êm đẹp phải nhớ công người làm chứ", chị Hằng chia sẻ.

Năm 2018, thấy sức khỏe yếu, không còn đi bán vé số được nữa, ông Ba nghỉ hẳn. Từ đó tháng 30 ngày ông miệt mài đi vá đường.

Mồ hôi nhễ nhại, đôi chân trần đặt trên nền nhựa mới giữa cái trời nắng bỏng rát, ông Ba nói rằng công việc này đơn giản, không mệt như đi bán vé số. Không biết ông nói thật hay giỡn, nhưng quả thật xách đá, tưới nhựa, đầm đầm, gõ gõ từ sáng đến trưa thì với người lành lặn có lẽ cũng chẳng đơn giản chứ đừng nói với một người chân đi bước thấp bước cao.

Sau những giờ vất vả vá đường, ông Ba trở về nhà vui vầy bên con cháu (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Giờ mình không đi bán vé số, không nói đến chuyện ơn nghĩa gì cả, nhưng mình thấy mọi người an toàn là mình vui, mọi người đi lại dễ dàng là mình vui, mọi người hạnh phúc thì mình cũng hạnh phúc" - Triết lý sống của ông Ba "khùng" nhẹ nhàng như thế.

Bà Nguyễn Thị Bảy - Phó Chủ tịch phường Trà Nóc cho biết địa phương rất ủng hộ, luôn nêu gương hành động của ông Ba. Hành động của ông Ba đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ cảnh quan đô thị, duy tu, bảo dưỡng đường sá để mọi người đi lại an toàn.

Năm 2018, ông Ba được nhận được Giải thưởng Kova ở hạng mục "Sống đẹp" dành cho những việc làm tốt đẹp, lan tỏa tính nhân văn trong cộng đồng. Cùng năm ông cũng được Bộ GTVT gửi thư cảm ơn về những hành động đẹp đẽ của mình.

Đọc thêm

2 người tử vong trên quốc lộ

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 9, đoạn qua thị trấn Cam Lộ.
(PLVN) - Trong 2 ngày (10 và 11/12), trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9 qua địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông khiến 2 người tử vong.

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.