Tiềm năng lớn
Thông tin tại Hội thảo phát triển nuôi trồng rong tảo biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, hiện trên thế giới có khoảng 200 loài rong biển có giá trị thương mại, trong đó 27 loài được nuôi trồng chính. Tổng sản lượng rong biển hơn 36 triệu tấn (trong đó 35 triệu tấn rong trồng), giá trị ước đạt hơn 8,3 tỷ USD.
Tại Việt Nam, hiện có hơn 887 loài rong tự nhiên, thuộc 3 nhóm chính (rong sụn, rong câu, rong nho) với diện tích có tiềm năng cho trồng rong biển khoảng 900.000ha. Tuy nhiên, năm 2023, diện tích trồng rong biển mới khoảng 16.500ha, sản lượng 150.000 tấn. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đến năm 2025, sản lượng rong biển đạt 180.000 tấn; đến năm 2030 đạt 500.000 tấn.
Theo lãnh đạo Cục Thủy sản, sản xuất rong biển là một ngành đầu tư thấp, có lợi cho môi trường và tạo ra sinh kế cho người nghèo. Rong biển có nhiều giá trị và lợi ích về dinh dưỡng, là thực phẩm giàu khoáng chất và các nguyên tố vi lượng; rong biển có thể sản xuất nhiên liệu sinh học, mỹ phẩm, nhựa sinh học; rong biển có thể làm dược liệu, thực phẩm chức năng nhờ đặc tính chống viêm và chống ô-xy hóa; rong biển cũng được chứng minh có khả năng hấp thụ các-bo-nic, ni-tơ, phốt-pho hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm a-xít hóa đại dương; rong biển giúp tạo sinh kế, thu nhập cho cộng đồng người dân ven biển; rong biển có thể làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón giúp kích thích tăng trưởng, giảm khí mê-tan trong chất thải động vật…
Bên cạnh một số thách thức như chất lượng giống không bảo đảm, cạnh tranh diện tích, thông tin về quy chuẩn tiêu chuẩn, ứng dụng khoa học công nghệ, thị trường và lợi nhuận..., ngành rong biển cũng cho thấy nhiều cơ hội trong bối cảnh hướng tới nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải…
Theo lãnh đạo Cục Thủy sản, trong thời gian tới, ngành rong biển Việt Nam sẽ tập trung phát triển nuôi trồng gần bờ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với đối tượng chính là rong nho, rong câu chỉ vàng, rong sụn. Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng xa bờ tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Đối tượng trồng chính là rong sụn và giống nhập.
Gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững
Từ thực tế hoạt động, theo các doanh nghiệp (DN) tiềm năng phát triển ngành rong biển ở Việt Nam là rất lớn do Việt Nam có lợi thế về vùng biển, được thiên nhiên ban tặng giá trị lớn về mặt dinh dưỡng, rất phù hợp với ngành nuôi rong biển… Thậm chí có DN còn tin tưởng Việt Nam sẽ vào Top 10 nước sản xuất rong biển lớn nhất thế giới trong vòng 3 năm tới.
Đại diện các DN, viện nghiên cứu… tham dự hội thảo cũng cho rằng, để ngành hàng rong biển phát triển cần quy hoạch lại vùng nuôi theo hướng tập trung, chỉ rõ nơi nào có thể nuôi trồng, không thể nuôi trồng để tránh tình trạng phát triển ồ ạt. Bởi lẽ, nếu để tình trạng hoạt động nuôi trồng tự phát, rải rác sẽ rất khó kiểm soát về mặt chất lượng, dịch bệnh, bảo vệ thương hiệu… Đặc biệt, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc khi chúng ta muốn đưa sản phẩm vào thị trường các nước.
Bên cạnh đó, cần thiết xây dựng một đề tài khoa học thật sự bài bản về cải tạo giống rong biển; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam cho ngành hàng rong biển; khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng rong biển theo hướng đa canh (trồng rong biển kết hợp nuôi các loài khác như bào ngư, hải sâm, vẹm xanh...) để gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, không nên suy nghĩ trên lập trường riêng tư mà phải thường xuyên suy nghĩ, đánh giá dựa trên quan điểm việc làm này sẽ đem lại kết quả tốt hay gây tổn thất cho đời sống cộng đồng…
Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp đang tập trung giải quyết các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Do đó, ngành hàng rong biển muốn phát triển phải giải quyết cùng lúc được những vấn đề này.
Bộ trưởng lưu ý các đơn vị, DN phát triển nuôi trồng, chế biến rong biển, ngoài việc tập trung nâng cao giá trị sản phẩm cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ sinh thái ngành hàng; tạo nhiều việc làm cho lực lượng ngư dân chuyên khai thác, giúp họ chuyển đổi ngành nghề phát triển nuôi trồng bền vững.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng khẳng định vấn đề mấu chốt là sản xuất và tiến tới thành lập Hiệp hội ngành rong biển. “Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng chiến lược để đưa rong biển thành một nền kinh tế biển, ước tạo ra 10 triệu việc làm cho ngư dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh.