Triển lãm đã mở ra nhiều cơ hội, là dịp đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần vũ khí, đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang; tìm hiểu xu hướng phát triển trang bị kỹ thuật trên thế giới để đề xuất, lựa chọn mua sắm, sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị cho quân đội và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng.
Tự hào khí tài của Việt Nam
Phần trưng bày ngoài trời rộng 20.000m2 chủ yếu giới thiệu các loại khí tài của Việt Nam. Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng mang tới triển lãm nhiều loại súng trường tấn công, lựu đạn, súng tiểu liên, súng bắn tỉa được trưng bày. Các loại súng chủ yếu sử dụng đạn 7,62x39mm do Việt Nam tự sản xuất có độ chính xác cao, sức sát thương lớn. Khu triển lãm trong nhà trưng bày mô hình thiết bị công nghệ, radar phòng thủ, một số máy móc phục vụ diễn tập, các loại súng trường, tiểu liên...
Đặc biệt, Viện Kỹ thuật Quân chủng Phòng không Không quân giới thiệu 3 đài ra đa đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, là sản phẩm do Viện thiết kế, trong đó có đài ra đa 3 tọa độ RV 3D/RADAR RV3D sản xuất năm 2020 và đài ra đa RV-02/RADAR RV-02 sản xuất năm 2022.
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud của Việt Nam. |
Bên cạnh đó là các sản phẩm ngoại nhập. Hệ thống tên lửa Spyder được phát triển bởi Rafael Advanced Defense Systems và Israel Aircraft Industries (IAI) được biên chế trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân chủng Phòng không - Không quân đã mang đến triển lãm một tổ đội chiến đấu đầy đủ của Spyder gồm các xe phóng di động mang tên lửa phòng không tầm gần Spyder-SR và tên lửa tầm trung Spyder-MR; radar cảnh giới 3D ELM-2084; xe chỉ huy và điều khiển (CCU) và xe dịch vụ dã chiến (FSV).
Đặc biệt máy bay trực thăng AW-189 là dòng trực thăng chuyên bay biển, đã quen thuộc với người dân trong các nhiệm vụ cứu nạn trong mưa bão, cấp cứu ở hải đảo.
Tổ hợp tên lửa phòng thủ “khắc tinh tàu sân bay” của Việt Nam 4K44 Redut khiến người xem mãn nhãn. Tổ hợp này sử dụng tên lửa hành trình đối hạm tầm xa P-35 (một biến thể chống hạm tầm xa của tên lửa đạn đạo hạt nhân chiến thuật P-5 Pyatyorka). NATO đặt tên cho loại tên lửa này là SS-N-3 Shaddock.
Ngoài ra, Triển lãm còn trưng bày tổ hợp tên lửa phòng không S-125 Pechora. Đây là tổ hợp được thiết kế với khả năng tiêu diệt mục tiêu bay trong mọi điều kiện nhiễu, đồng thời có thể tấn công các mục tiêu mặt đất và mặt nước trong một số tình huống.
Hệ thống tên lửa đạn đạo Scud-B được Binh chủng Pháo binh đưa vào trang bị từ những năm 1980. Việt Nam là quân đội đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á có tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud trong biên chế. Ngoài ra, khách tham quan được chiêm ngưỡng dàn xe tăng T90S của Việt Nam. Đây là dòng tăng hiện đại nhất của Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Vũ khí chính của các xe tăng T-90S là pháo nòng trơn 2A46M5 cỡ 125mm trang bị hệ thống nạp đạn tự động.
Đa dạng sản phẩm khí tài ngoại
Hơn 170 đơn vị, doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia trong khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Mỹ đã trưng bày rất nhiều mẫu mã, sản phẩm khí tài hàng đầu thế giới.
DRDO (Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng), cơ quan nghiên cứu và phát triển của Bộ Quốc phòng Ấn Độ giới thiệu các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực hàng không, radar, sonar, tên lửa, hệ thống cảnh báo sớm và ngư lôi.
Dàn xe tăng T90S của Việt Nam. |
Các hệ thống khí tài cho xuất khẩu mà DRDO trưng bày tại gian hàng Ấn Độ trong sự kiện này gồm: Máy bay chiến đấu hạng nhẹ - Tejas Mk-1Trainer; Hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không - AEW&C; Hệ thống nhận dạng bạn hay thù (IFF); Tên lửa đất đối không tầm ngắn - Akash; Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn - Astra...
Tên lửa phòng không Akash có tầm bắn đạt 30km, trần cao khoảng 18km. Đạn tên lửa trong tổ hợp Akash sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, 2 tầng đẩy với đầu đạn nổ phá mảnh nặng 55kg có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết.
Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport thuộc Rostec mang tới Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 các mẫu máy bay không người lái Nga (UAV), bao gồm máy bay không người lái kamikaze (cảm tử) cũng như máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57E phiên bản xuất khẩu, Su-35S…
Su-35S là tiêm kích thế hệ 4++ của Nga, có khả năng cơ động cao và được sơn vật liệu giảm tiết diện phản xạ radar. Tiêm kích được trang bị nhiều thiết bị điện tử hiện đại, trong đó radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) N035 Irbis-E cho phép bám bắt 30 mục tiêu ở khoảng cách 400km và khai hỏa tiêu diệt 8 mục tiêu cùng lúc.
Không quân Nga bắt đầu vận hành dòng Su-35S từ năm 2013 với hơn 100 chiếc đang trong biên chế. Su-35S là tiêm kích chủ lực hiện đại nhất của quân đội Nga hiện nay, trong bối cảnh chiến đấu cơ tàng hình Su-57 mới được bàn giao với số lượng nhỏ và chưa biên chế vào các đơn vị chiến đấu.
Ngoài ra, Rosoboronexport còn giới thiệu, quảng bá xe bọc thép gồm: các xe tăng T-90S và T-90MS; loại xe chiến đấu hỗ trợ xe tăng (BMPT) Terminator (Kẻ hủy diệt); hệ thống súng phun lửa hạng nặng TOS-1A; pháo tự hành đã được hiện đại hóa Msta-S; các tổ hợp chống tăng Khrizantem (Hoa cúc) và Cornet-EM…