UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức Hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến có sự tham dự của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Với 4 phiên, hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo yêu cầu tại Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, tổng hợp các kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế có liên quan về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị.
Hoàn thiện đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035 theo 5 lĩnh vực trọng yếu bao gồm quy hoạch; thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; huy động nguồn lực từ đất đai; tiêu chuẩn, giải pháp công nghệ; mô hình tổ chức, quản lý thực hiện dự án.
Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội. |
Dự kiến, hội thảo sẽ có sự tham dự của khoảng 200 khách mời là lãnh đạo cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các trường đại học, chuyên gia về lĩnh vực pháp luật, đầu tư, đất đai, quy hoạch, đường sắt đô thị của Việt Nam và quốc tế cùng đại diện doanh nghiệp lớn về xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị.
Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, là những đô thị có số dân đông nhất cả nước.
Giao thông đô thị có nhiệm vụ trực tiếp phục vụ nhu cầu đi lại của người dân sống trong, ngoài TP, có tầm quan trọng quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội, văn minh đô thị.
Trong đó, đường sắt đô thị được coi là xương sống của mạng lưới vận tải hành khách công cộng, cần phải tập trung, ưu tiên phát triển nhanh và đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tạo các động lực phát triển liên kết vùng.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, mạng lưới đường sắt đô thị TP Hà Nội gồm 9 tuyến có tổng chiều dài 417,8km (342,2km cầu cạn, cầu cạn kết hợp đi bằng và 75,6km đi ngầm).
Trong khi đó, theo Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị, TP Hồ Chí Minh gồm 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 172,6km và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài 56,5 km.
Hiện tại, TP Hà Nội đã đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) và đang triển khai các tuyến đường sắt đô thị khác đang triển khai gồm Tuyến đường sắt đô thị thí điểm của T Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (tuyến 3.1); Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
TP Hồ Chí Minh trong khi đó đang triển khai các tuyến đường sắt đô thị gồm Tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và Tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh. |
Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy phát triển đường sắt đô thị gồm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035.
Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; ban hành các cơ chế, chính sách pháp luật về sử dụng đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt; nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến trình đầu tư các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị…