Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ma-lai-xi-a Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam-Ma-lai-xi-a đang phát triển tốt đẹp. Hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng nhằm mục đích tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, nâng cao sức mạnh tổng hợp của hai nước trong hợp tác sau đại dịch COVID-19. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để hai bên thúc đẩy những khía cạnh mới của hợp tác song phương; thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm; thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước. Trong danh sách tháp tùng Thủ tướng Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob sang Việt Nam lần này có Tổng Chưởng lý Ma-lai-xi-a Tan Sri Idrus bin Harun.
Về phía Việt Nam, tham dự Lễ đón, Hội đàm chính thức có Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ma-lai-xi-a Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob đã cùng chứng kiến ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước. Một trong những văn kiện hợp tác quan trọng trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp được ký kết và trao đổi trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai Bên là Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Ma-lai-xi-a (Bản Ghi nhớ).
Trên thực tế, trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, quan hệ hợp tác chính thức giữa Bộ Tư pháp với Văn phòng Tổng chưởng lý Ma-lai-xi-a nói riêng và các cơ quan pháp luật và tư pháp của Ma-lai-xi-a nói chung mới chỉ được thực hiện theo từng vụ việc cụ thể, chủ yếu thông qua các hoạt động trao đổi Đoàn và chuyên gia thăm và làm việc để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm. Để thiết lập cơ sở pháp lý và đẩy mạnh quan hệ hợp tác chính thức giữa hai Bên, Bộ Tư pháp Việt Nam và Văn phòng Tổng chưởng lý Ma-lai-xi-a đã trải qua nhiều vòng đàm phán để đi tới thống nhất về nội dung và hoàn tất thủ tục nội bộ theo quy định pháp luật mỗi Bên để có thể ký Bản Ghi nhớ.
Nội dung chính về hợp tác giữa hai Bên theo quy định của Bản Ghi nhớ bao gồm: (i) Trao đổi ấn phẩm pháp luật đã được công bố về những vấn đề mà các Bên cùng quan tâm; (ii) Chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt về các lĩnh vực mà các Bên cùng quan tâm, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách pháp luật; (iii) Trao đổi chuyên gia pháp luật của các Bên với mục đích tham gia các chương trình đào tạo, hội nghị, hội thảo và nghiên cứu pháp luật các Bên cùng thống nhất; (iv) Tăng cường và phát triển đầu mối liên hệ giữa các cán bộ pháp luật nhằm thúc đẩy và trao đổi kinh nghiệm; (v) Hợp tác về các vấn đề pháp luật khu vực và quốc tế, bao gồm hợp tác trong khuôn khổ cộng đồng ASEAN.
Ma-lai-xi-a là quốc gia theo truyền thống thông luật (common law). Việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác pháp luật giữa hai nước lần này là cơ hội tốt, tranh thủ thế mạnh của Bạn, góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.