Với tư cách là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam có thể sử dụng những lợi thế của cơ chế giải quyết tranh chấp trong Tổ chức thương mại thế giới để bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Có thể sử dụng những lợi thế của cơ chế giải quyết tranh chấp trong Tổ chức Thương mại thế giới để bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: MH |
Khi quan hệ thương mại với các quốc gia khác phát triển, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt nhiều hơn với các tranh chấp về chống bán phá giá. Gần đây nhất, mặt hàng ống thép cuộn các-bon của Việt Nam đã bị kiện chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ.
Mặc dầu vẫn còn nhiều thách thức, tư cách thành viên của Tổ chức thương mại thế giới và kinh nghiệm trong những tranh chấp trước đây về chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm đông lạnh và cá da trơn tại thị trường Hoa Kỳ sẽ rất có giá trị cho Việt Nam khi những tranh chấp về chống bán phá giá trong tương lai phát sinh. Sau đây là một số bài học kinh nghiệm đáng lưu ý:
Thứ nhất, Ban bồi thẩm của Tổ chức thương mại thế giới đã công khai phán quyết rằng Hoa kỳ không được phép sử dụng phương pháp quy về không (zeroing) trong việc xác định liệu doanh nghiệp nước ngoài có bán phá giá hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ hay không. Phương pháp quy về không bị xem là vi phạm Điều 2.4 của Hiệp định về chống bán phá giá của Tổ chức thương mại thế giới, theo đó cơ quan phụ trách vấn đề chống bán phá giá của các quốc gia thành viên phải so sánh một cách công bằng giữa giá xuất khẩu và giá thông thường.
Liên minh Châu Âu đã ngừng sử dụng phương pháp quy về không. Hoa kỳ quyết định vẫn áp dụng phương pháp quy về không, tuy nhiên nếu Hoa kỳ tiếp tục giữ quan điểm này, quan hệ giữa Hoa kỳ với các đối tác thương mại chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Phương pháp quy về không cũng bị xem là vi phạm Điều 9.3 và 11.3 của Hiệp định về chống bán phá giá, Điều VI.2 của Hiệp định chung của Tổ chức thương mại thế giới về thương mại hàng hóa.
Thứ hai, cơ quan phụ trách vấn đề chống bán phá giá của các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới chỉ được phép áp dụng các biện pháp chống bán phá giá được quy định rõ ràng tại Điều VI của Hiệp định chung về thương mại hàng hóa và tại Hiệp định về chống bán phá giá, bao gồm các điều khoản tạm thời, cam kết về giá, và thuế chống bán phá giá. Về mặt nguyên tắc, các biện pháp chống bán phá giá khác không được phép thực hiện.
Thứ ba, việc áp dụng quy định về các khoản đặt cọc bổ sung, liên quan tới thuế chống bán phá giá áp dụng cho mặt hàng tôm của các nhà xuất khẩu nước ngoài trong giai đoạn rà soát hành chính đã bị Ban bồi thẩm kết luận là bất hợp lý.
Việc áp dụng các khoản đặt cọc bổ sung này không được Hiệp định chung về thương mại hàng hòa cho phép, trừ khi biên độ phá giá của nhà xuất khẩu nước ngoài có khả năng tăng lên vì vậy cần phải áp dụng biện pháp trách nhiệm bổ sung, và nhà nhập khẩu liên quan tới việc áp dụng biện pháp trách nhiệm bổ sung này có khả năng sẽ vi phạm. Việt Nam có thể yêu cầu xem xét lại quy định trên về khoản đặt cọc bổ sung, nếu Việt Nam chứng minh được rằng ít nhất một trong hai điều kiện nói trên không tồn tại.
Thứ tư, Tổ chức thương mại thế giới đưa ra một số ưu tiên đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Cụ thể, Điều 15 của Hiệp định về chống bán phá giá quy định rằng các nước phát triển cần phải có những xem xét đặc biệt đối với hoàn cảnh cụ thể của các nước đang phát triển khi cân nhắc áp dụng những biện pháp chống bán phá giá theo quy định tại Hiệp định này.
Khả năng áp dụng các biện pháp quy kết trách nhiệm được quy định trong Hiệp định này cần phải được tính đến trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá nếu việc áp dụng này có khả năng ảnh hưởng tới lợi ích chủ yếu của các nước đang phát triển là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới. Như vậy, Việt Nam có thể sử dụng chính sách này của Tổ chức thương mại thế giới trong quá trình đàm phán với các nước phát triển để giảm khoảng thời gian Việt Nam bị xem là nước có nền kinh tế phi thị trường.
Thứ năm, Việt Nam nói riêng, và các nước đang phát triển nói chung, có thể tận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong Tổ chức thương mại thế giới khi một nước phát triển, chẳng hạn Hoa kỳ, có hành vi vi phạm, hoặc phân biệt đối xử đối với hàng hóa nhập khẩu.
Christina L. Davis, Do WTO rules create a level playing field? Lessons from the experience of Peru and Vietnam (Các quy định của WTO liệu có tạo ra một sân chơi bình đẳng? Các bài học từ kinh nghiệm của Peru và Việt Nam),tại JOHN ODELL (ED), NEGOTIATING TRADE: DEVELOPING COUNTRIES IN THE WTO AND NAFTA (ĐÀM PHÁN THƯƠNG MẠI: CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN TRONG WTO VÀ NAFTA) 219 (2006), 223. |
Như giáo sư Christina L. Davis đã nêu rõ, thứ nhất, quyền lựa chọn việc khởi kiện sẽ cho phép nước đang phát triển buộc nước phát triển phải ngồi vào bàn đàm phán và thương thảo tranh chấp. Thứ hai, quy tắc về giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới sẽ nâng những quy định pháp luật về thương mại quốc tế lên thành tiêu chuẩn cho việc giải quyết tranh chấp. Thứ ba, việc sử dụng những quy tắc pháp lý được cả hai bên thừa nhận sẽ tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm các đồng minh để hỗ trợ cho vụ kiện.
Bốn là, lợi ích kinh tế trong dài hạn đối với việc tôn trọng luật pháp sẽ khuyến khích các bên tôn trọng và tuân thủ phán quyết. Nếu không có cơ chế giải quyết tranh chấp, nhiều khả năng nước đang phát triển sẽ bị quốc gia hùng mạnh hơn từ chối đàm phán, phải chịu những tiêu chuẩn bất bình đẳng, không nhận được sự ủng hộ từ các nước thứ ba vì các nước này không có nhiều lợi ích để ủng hộ việc giải quyết tranh chấp. Các nước đang phát triển cũng sẽ không có vị thế để tiến hành hiệp thương với các nước phát triển.
Như vậy, với tư cách là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam có thể sử dụng những lợi thế của cơ chế giải quyết tranh chấp trong Tổ chức thương mại thế giới để bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là Hoa kỳ, chống lại những quy định và quyết định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại khi những quyết định và quy định này trái với các quy tắc của Tổ chức thương mại thế giới, đặc biệt là Hiệp định chung về thương mại hàng hóa và Hiệp định về chống bán phá giá.
Đỗ Thành Công
(Tổng hợp từ bài viết “Catfish, shimp and the WTO, Vietnam loses its innocence” đăng trên tạp chí Vanderbilt Journal of Transnational Law Vol 43: 1225, tại địa chỉ http://law.vanderbilt.edu/publications/journal-of-transnational-law/archives/volume-43-number-5/index.aspx)