Tới dự lễ kỷ niệm có Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch UBTWMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân, đại diện lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành, các đồng chí lão thành Cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đại biểu đại diện cho lớp cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 cùng đông đảo Nhân dân thị xã Sầm Sơn.
Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định đưa một số lượng lớn con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam ra Bắc để tiếp tục bồi dưỡng, học tập, nhằm tạo lực lượng cán bộ hậu bị, cán bộ chủ chốt cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng sau này.
Sau 9 năm kháng chiến gian khổ, ác liệt, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề, đời sống Nhân dân miền Bắc nói chung, của đồng bào Sầm Sơn, Thanh Hóa nói riêng còn hết sức khó khăn nhưng Nhân dân Sầm Sơn, Nhân dân miền Bắc đã chuẩn bị chu đáo những điều kiện tốt nhất để đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, học sinh cùng nhiều gia đình cách mạng miền Nam tập kết như đón những người thân, người anh, người chị, người em của mình, với tình cảm ruột thịt “Nam Bắc một nhà”. Sự đón tiếp chu đáo, tận tình, tình cảm đằm thắm của đồng bào Sầm Sơn, đồng bào miền Bắc đã làm ấm lòng những người con miền Nam trên đất Bắc.
60 năm qua, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh tập kết nhiều người đã trở thành cán bộ, lãnh đạo các cấp; các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động… góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.
Kỷ niệm 60 năm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc tại Sầm Sơn - Thanh Hóa là một sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, đất nước ta. Tự hào với truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Ảnh TTXVN) |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ cách đây 60 năm, chủ trương đưa một bộ phận đồng bào, chiến sĩ, cán bộ và học sinh miền Nam ra tập kết miền Bắc, trong đó có 32.000 học sinh miền Nam là một quyết định vô cùng đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Điều đó đã làm ấm lòng hàng chục vạn đồng bào miền Nam trong những ngày đầu tiên đặt chân ra miền Bắc và tiếp tục học tập, phấn đấu cho ngày thống nhất đất nước.
Cũng trong tối 28/10, Chủ tịch nước cùng các đại biểu đã tham gia Lễ khởi công khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc./.