Trả hồ sơ vì truy tố không đúng

Trước khi tuyên án, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo và đại diện TCty VTNN một số vấn đề xung quanh việc thuê 3 ô tô, đặc biệt là việc Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Trần Văn Khánh - Tổng Giám đốc - liên quan đến việc thuê 3 xe ô tô, trong đó, có xe 29N-6066, vì gây lãng phí cho TCty.

Sẽ phải tiếp tục đình chỉ tội danh cho các bị cáo đối với việc thuê xe ô tô 29N-6066?

Một vi phạm, không thể xử lý 2 lần

Với tính chất phức tạp của vụ án, thời gian nghị án của HĐXX đã phải kéo dài. Sáng qua - 8/3, trước khi tuyên án, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo và đại diện TCty VTNN một số vấn đề xung quanh việc thuê 3 ô tô, đặc biệt là việc Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Trần Văn Khánh - Tổng Giám đốc - liên quan đến việc thuê 3 xe ô tô, trong đó có xe 29N-6066, vì gây lãng phí cho TCty.

Sau khi xét hỏi bổ sung, HĐXX đã đi đến phán quyết về vụ án này với quyết định trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung. Theo  HĐXX, trong quá trình điều tra và xét xử, làm rõ việc thuê xe của TCty VTNN có vi phạm. Nhưng, những sai phạm của ông Trần Văn Khánh liên quan đến việc thuê 3 xe ô tô đã được xử lý và khắc phục hậu quả ngay sau Thanh tra Bộ NN&PTNT kết luận về vụ việc. Bộ trưởng Bộ NN & PTNN cũng đã có quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Trần Văn Khánh. Như vậy, vi phạm của ông Khánh trong việc thuê xe gây lãng phí đã được xử lý dứt điểm.

Theo HĐXX, một hành vi vi phạm không được xử lý hai lần. Vì thế, việc Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã xử lý kỷ luật đối với ông Trần Văn Khánh mà tiếp tục xử lý hình sự là không đúng. HĐXX thấy phải trả hồ sơ cho VKS để thu thập tài liệu chứng cứ liên quan đến việc xử lý kỷ luật ông Khánh. Trường hợp Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thu hồi quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Khánh thì mới đủ điều kiện để xử lý ông Khánh về tội danh như truy tố.

Như vậy, hiện nay quyết định kỷ luật của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT còn tồn tại thì việc VKS truy tố ông Khánh với tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến việc thuê xe 29N-6066 là không đúng pháp luật.

Nhiều vấn đề cần tiếp tục phải làm rõ

Trường hợp Bộ trưởng Bộ NN&PTNT không thay đổi quyết định xử lý kỷ luật ông Khánh thì có lẽ, VKSNDTC không còn cách nào khác ngoài việc đình chỉ điều tra đối với hành vi thuê xe 29N-6066, giống như việc đình chỉ các hành vi thuê 2 xe còn lại vì không thể xử ly 2 lần một vi phạm. Ngoài ra, trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, HĐXX không nhắc đến các nội dung khác của vụ án, nhưng trong vụ án này còn rất nhiều tài liệu, chứng cứ cần phải được làm rõ nếu muốn buộc tội các bị cáo một cách đúng pháp luật và thuyết phục, đặc biệt là những vấn đề đã được các luật sư tranh luận tại phiên tòa.

Luật sư Phạm Hồng Hải cho rằng, việc buộc tội các bị cáo là ký khống hợp đồng mua bán 17A và 17B thì phải chứng minh hàng hóa mua bán là không có thật. Vậy, số hàng 6000 tấn phân đạm mà TCty mua lại của Cty Thành Lợi có thật không, đến nay CQĐT chưa làm rõ được. Chỉ cần làm rõ số hàng này, sẽ chứng minh bị cáo có tội hay không. Để chứng minh sự tồn tại của lô hàng, cần điều tra việc TCty đã xuất bán số hàng này cho những đơn vị nào.

Bên cạnh đó, Luật sư Phạm Hồng Hải nhấn mạnh những chứng cứ trong vụ án được thu thập trái pháp luật, không có giá trị chứng minh cũng phải làm lại. Như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh trong nhiều số báo trước, việc lấy lời khai của ông Nguyễn Văn Hiếu trong thời gian ông Hiếu bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang là không đúng pháp luật. Ông Hiếu bị khởi tố về tội “tham ô”, có khung hình phạt cao nhất là tử hình; tuy nhiên, một thời gian dài, điều tra viên lấy lời khai của ông Hiếu nhưng không cử luật sư bào chữa và cũng không cho bị cáo mời luật sư ngay khi bị bắt giam. Thậm chí, khi có luật sư bào chữa thì trong suốt thời gian lấy lời khai, cũng chỉ có 3 lần luật sư bào chữa có mặt.

Tại tòa, ông Nguyễn Văn Hiếu đã phản cung và bác bỏ những lời khai được lấy trong giai đoạn ông Hiếu bị tạm giam và cho rằng ông bị “mớm cung”. Theo Luật sư Phạm Hồng Hải, việc lấy cung không có luật sư đối với bị cáo Hiếu là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, được quy định tại Thông tư liên tịch 01/2010/TTLT/VKSNDTC-TANDTC-BCA. Nên, việc bị cáo không thừa nhận lời khai của mình tại CQĐT là có cơ sở và thể không chấp nhận những lời khai đó mà phải thực hiện điều tra lại.

Vụ án vẫn chưa về đích do quá trình tố tụng còn nhiều “sạn”. Với yêu cầu của tòa án và các lý lẽ mà luật sư bào chữa đưa ra, đề nghị Cơ quan điều tra, VKS phải làm rõ thì, không loại trừ việc VKS phải tiếp tục sử dụng các quyết định đình chỉ để giải quyết vụ án này.

Xung quanh quyết định trả hồ sơ của Tòa án, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn, VPLS Khánh Hưng để làm rõ thêm ý nghĩa các quy định của pháp luật về vấn đề này:

Thưa Luật sư, ông có thể giải thích thêm các quy định của pháp luật mà TAND TP Hà Nội căn cứ để trả hồ sơ vụ án?

 
- Một trong những nguyên tắc quan trọng của pháp luật hình sự, hành chính là nguyên tắc chỉ xử lý một lần và một chế tài đối với một hành vi vi phạm hay nói cách khác là “một vi phạm không xử lý hai lần”. Nguyên tắc này đảm bảo các quyền cơ bản của công dân vi phạm. Khi đã bị xử lý vi phạm, đã chấp hành xong thì không bị xử lý nữa, trừ trường hợp lại vi phạm.

Trường hợp của ông Khánh, nếu cho việc thuê xe là vi phạm pháp luật thì vi phạm đó đã được thanh tra làm rõ và có quyết định xử lý kỷ luật, buộc khắc phục hậu quả của vi phạm. Như vậy, người vi phạm đã chấp hành chế tài kỷ luật, khắc phục xong vi phạm thì không được xử lý lần thứ 2 và chế tài thứ 2 nữa.

Theo quyết định của Tòa án thì hồ sơ được trả cho VKS để xem xét lại việc truy tố và đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNN xem xét lại quyết định kỷ luật. Nếu quyết định kỷ luật bị hủy, có thể tiếp tục truy tố được không, thưa ông?

- Tôi cho rằng không thể xem xét lại quyết định xử lý kỷ luật vì quyết định đó đã được chấp hành, thực hiện xong. Quyết định kỷ luật giống như một “án kỷ luật” trong công tác quản lý cán bộ, đã được người bị kỷ luật chấp hành xong và người bị kỷ luật đã nghỉ hưu thì quyết định kỷ luật không thể rút lại được nữa.

Vì lý do đó, không thể yêu cầu Bộ NN&PTNN xem xét lại quyết định kỷ luật và chỉ còn cách là xem xét lại quyết định truy tố. Không thể tiếp tục truy tố bị can vì như thế là xử lý lần thứ 2 và chế tài thứ 2 đối với 1 vi phạm.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Tin cùng chuyên mục

Một khu phố xanh tại đô thị TP. Buôn Ma Thuột.

Đắk Lắk cung cấp hồ sơ các dự án trồng cây xanh theo yêu cầu của Bộ Công an

(PLVN) -Ngày 5/5, sau yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an, về việc yêu cầu cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu hồ sơ liên quan đến các dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị từ năm 2019 đến hết năm 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao các đơn vị hữu quan tổng hợp, báo cáo tỉnh để cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của Cơ quan ANĐT.

Đọc thêm

Kiên Giang: Bắt giam đối tượng cầm đầu hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê

02 bị can Danh Út Hiểu và Đặng Hoàng Lâm (từ trái sang).
(PLVN) - Sáng ngày 3/5, Thượng tá Nguyễn Hoàng Phương – Phó trưởng Công an, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cho biết: Chiều tối ngày 2/5, Cơ quan đã tống đạt quyết định khởi vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Cảnh giác trước thủ đoạn giả danh cán bộ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cảnh giác trước thủ đoạn giả danh cán bộ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
(PLVN) - Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liêp tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Mặc dù các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng. Tuy nhiên tình trạng người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.