Mới đây, TAND tỉnh Lào Cai mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Đặng Minh Tuấn (SN 1986, trú tại thôn Vi Mã, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) và Ly Seo Vảng (SN 1990, trú tại thôn Ngải Thầu, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) về hành vi “Mua bán người”.
Lợi dụng quen biết rồi lừa bán
Chị Về nhận diện Ly Seo Vảng - người đã lừa bán mình - tại cơ quan điều tra |
Cả Tuấn và Vảng đều đã có gia đình và sinh trưởng trong gia đình có đông anh em. Bị cáo Tuấn còn có hai con nhỏ, nhưng giờ đây gánh nặng cơm áo và trách nhiệm trụ cột trong gia đình đã khiến chị Đặng Thị Sinh (vợ Tuấn) không khỏi lo lắng bởi chồng mình chuẩn bị phải nhận một bản án nghiêm khắc của pháp luật. Chị gạt nước mắt bế đứa con lớn đến Tòa chứng kiến phiên xét xử, đứa trẻ (SN 2007) thi thoảng lại nhớn nhác và mếu máo vì xung quanh mình toàn người lạ lẫm.
Trong khi đó, đứng trước vành móng ngựa cùng Tuấn là bị cáo Vảng thi thoảng lại quay xuống tìm kiếm người thân nhưng chẳng có ai. Nét mặt buồn rười rượi vì tủi thân có lẽ là điều mà ai cũng có thể cảm nhận được ở bị cáo này.
Khi khán phòng bắt đầu phiên xét xử, Vảng vẫn còn ngoái lại phía dưới xem vợ mình hay ít ra là anh chị em bị cáo có đến được không, nhưng rồi lại phải quay lên. Rơi vào hoàn cảnh này, có lẽ Vảng chỉ có thể tự trách mình khi đã gây ra lỗi lầm để vướng vào vòng lao lý.
Theo cáo trạng, ngày 28/3/2011, Ly Seo Vảng gặp Vàng Seo Sử và Đặng Minh Tuấn (đều ở thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng) đi chơi chợ Bắc Hà. Lâu ngày không gặp, bạn bè cũ mời nhau chén nước nhưng ngay khi câu chuyện mới mở màn, Tuấn và Sử đã đề cập đến vấn đề nhờ Vảng tìm xem có cô gái nào để lừa bán lấy tiền chia nhau tiêu xài. Ngẫm nghĩ một lúc thì Vảng đồng ý và bảo: “Thời gian này tao có quen một đứa”.
Cô gái mà Vảng nhắc đến là Tráng Thị Về (SN 1991, trú tại thôn Pờ Ngài Chồ, xã Lầu Thí Ngài, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Nghe thấy thế, Sử và Tuấn giục Vảng đi tìm Về để rủ đi chơi. Vảng nhận lời rồi vào chợ tìm gặp Về. Sau vài câu chuyện hỏi han, Vảng bảo với Về: “Khi nào Về về nhà thì bảo Vảng nhé, Vảng đưa về”. Về rất vui khi thấy Vảng nói vậy nên nhận lời ngay.
Đến 13h chiều cùng ngày, Vảng lấy xe máy của Tuấn để đưa cô gái về. Trên đường về nhà Về, Vảng hỏi Về đã ăn cơm chưa thì cô gái trả lời “Chưa”. Nghĩ đây là cơ hội tốt để lừa Về nên Vảng bảo quay lại chợ Bắc Hà ăn gì đã rồi hãy về.
Đến lối rẽ vào chợ Bắc Hà, Vảng không điều khiển xe rẽ mà đi thẳng về TP.Lào Cai. Thấy Vảng đưa cô gái đi về hướng TP.Lào Cai, Sử và Tuấn lập tức bám theo. Trên đường đi đến thôn Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, Tuấn điện thoại cho Vảng bảo đưa Về qua suối vượt biên sang Trung Quốc và để lại xe máy: “Sẽ có người đón mày ở đó, cứ làm theo lời tao bảo”.
Vảng nghe lời rồi nói dối Về là đi thăm một người bạn đã, rồi sẽ đưa Về về nhà trước khi trời tối. Tuấn và Sử yên tâm rằng Vảng đã đưa người vượt biên rồi liền rút điện thoại gọi cho một người Trung Quốc (không rõ tên) đến nhận “hàng”. Một lát sau, có một người đàn ông và một người phụ nữ đến đưa Về lên một xe ô tô và đưa lại cho Vảng một bọc tiền. Số tiền được Vảng kiểm đếm là 7.000 nhân dân tệ (tiền Trung Quốc).
Có tiền, Vảng đã đem về đổi sang tiền Việt Nam được 19.600.000 đồng. Cả bọn “mở tiệc” mừng phi vụ trót lọt bằng cách đi ăn uống linh đình. Sau đó, chúng chia nhau số tiền bán cô gái. Tuấn cho rằng mình là người có công lớn nhất nên được chia nhiều nhất, 7 triệu đồng. Còn Vảng và Sử mỗi người được nhận 6 triệu đồng.
Trả giá vì hám lợi
Sau khi bị bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc, chị Về đã may mắn nhờ được một người quen ở đây giúp trốn thoát về nước sau ba tháng đầy cay đắng nơi xứ người. Trở về nước, chị Về đã làm đơn tố cáo hành vi của Vảng và đồng bọn đã lừa bán chị.
Ngay sau khi nhận được tin báo, các cơ quan chức năng đã khẩn trương làm rõ và bắt giữ được hai đối tượng liên quan đến vụ án là Đặng Minh Tuấn và Ly Seo Vảng. Còn Sử khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Tại phiên tòa, khi được hỏi vì sao đã có vợ nhưng vẫn tìm cách đi tán tỉnh các cô gái khác thì Vảng chỉ im lặng, cúi đầu không đáp. Bị cáo khai quen chị Về trong khi đi chơi chợ Bắc Hà. Khi thấy Sử và Tuấn đề cập đến việc bán người sang Trung Quốc sẽ có tiền nên bị cáo đã nghe theo và biết rằng hành vi đó sẽ phạm pháp nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Bị cáo Vảng cũng là người đã có tiền án trước đó nên lần này phạm tội, Hội đồng xét xử đánh giá Vảng là tái phạm, do đó cần phải có một hình phạt thật nghiêm khắc tương xứng với hành vi của bị cáo để giáo dục, răn đe phòng ngừa chung.
Đối với bị cáo Tuấn là người khởi xướng và rủ rê Vảng, đưa xe cho đồng bọn thực hiện hành vi phạm tội chở người đi bán và được hưởng số tiền nhiều nhất (7 triệu đồng – PV) nên bị cáo phải chịu trách nhiệm vai trò chính.
Căn cứ vào cáo trạng và lời khai của các bị cáo tại Tòa, Hội đồng xét xử áp dụng Điểm đ Khoản 2, 3 Điều 119 Bộ luật Hình sự tuyên phạt bị cáo Tuấn 6 năm tù giam, buộc bị cáo phải nộp số tiền 10 triệu đồng sung công quỹ nhà nước.
Bị cáo Vảng cũng bị tuyên phạt 5 năm tù giam và 10 triệu đồng sung công quỹ. Ngoài ra, cả hai bị cáo còn phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường tổn hại cho chị Về số tiền 5 triệu đồng (mỗi bị cáo 2,5 triệu đồng). Bên cạnh đó, cả hai cũng phải bồi thường số tiền 5 triệu đồng cho ông Tráng Seo Vần (bố chị Về) công gia đình đi tìm chị Về.
Vụ án khép lại với hình ảnh chị Sinh bế con chạy theo dặn dò chồng cố gắng cải tạo để sớm trở về, còn Vảng vẫn cứ ngoái đầu lại tìm người thân. Lúc này, vợ của bị cáo là chị Sùng Thị Dở mới tới được phiên tòa vì điều kiện đi lại khó khăn.
Giây phút ngắn ngủi được gặp chồng khiến chị òa khóc nức nở. Hai mái ấm bỗng chốc phải lao đao chỉ vì những suy nghĩ nông cạn và nhất thời của hai bị cáo. Có lẽ đây sẽ là bài học đắt giá cho cả hai để sửa chữa lỗi lầm của mình, sớm quay lại làm lại cuộc đời.
Trần Minh