Bangladesh vừa kết thúc vụ kiện tụng hy hữu khi một trong những người nổi tiếng nhất của đất nước kiện lại quyết định của chính phủ. Đương nhiên tại xứ này làm gì có chuyện một cá nhân đơn lẻ lật ngược được thế cờ trong cuộc tranh chấp pháp lý với chính phủ như thế. Nhưng vì con người này quá nổi tiếng, vụ việc lại rất đơn giản, cho nên thiên hạ mới để ý đến, đồn thổi và bàn tán nhiều, bình phẩm và nhìn nhận khác nhau về nguyên cớ và hệ lụy.
Ông Mohammad Yunus |
Chuyện là thế này: Ông Mohammad Yunus, năm nay 70 tuổi, là tác giả của ý tưởng „vi tín dụng“ và cũng là người đã thực hiện nó từ hơn 30 năm nay ở Bangladesh. Ông gom góp tiền, thành lập Ngân hàng Grameen, còn được gọi là Ngân hàng của người nghèo, cấp tín dụng ở mức độ nhỏ, với lãi suất rất thấp hoặc không có lãi suất, cho người nghèo vay để dùng nó xóa đói giảm nghèo.
Mô hình tín dụng và cách thức làm của ông Yunus rất thành công và năm 2006, ông Yunus được trao Giải thưởng Nobel vì hòa bình. Ý tưởng của ông được sao chép vận dụng ở rất nhiều nơi trên thế giới. Từ năm 2000, ông được cử làm Tổng Giám đốc ngân hàng Grameen vô thời hạn.
Mới rồi, Ngân hàng Trung ương Bangladesh buộc ông Yunus phải về hưu với lý do ông Yunus tuổi cao (tuổi về hưu của nam giới ở Bangladesh là 60), quyết định bổ nhiệm ông làm Tổng Giám đốc ngân hàng năm 2000 chưa được sự đồng ý của Ngân hàng Trung ương nên không có hiệu lực pháp lý. Ông Yunus kiện Ngân hàng Trung ương tại Tòa án tối cao và Tòa án tối cao bác bỏ khiếu nại của ông Yunus.
Xem xét kỹ, không thể không có cảm giác là pháp lý thì ít mà chính trị thì nhiều. Ngân hàng Trung ương Bangladesh chỉ có 25% cổ phần ở ngân hàng Grameen, nhưng lại có quyền sinh quyền sát. Ông Yunus được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc ngân hàng Grameen từ năm 2000 mà mãi đến bây giờ mới thấy Ngân hàng Trung ương nói quyết định bổ nhiệm không có giá trị pháp lý. Ông Yunus là người sáng lập ra ngân hàng Grameen và là bộ mặt của chính ngân hàng này, là sự đảm bảo để hoạt động của ngân hàng thật sự xứng đáng với biệt danh là „Ngân hàng của người nghèo“.
Dư luận ở Bangladesh cho rằng vì ông Yunus quá nổi tiếng, quá thành công và được người dân nghèo mến mộ nên đã dần trở thành một tác nhân về chính trị đối với chính phủ Bangladesh, vì thế nên mới bị vô hiệu hóa bằng biện pháp kỹ thuật và lý do pháp lý, hay nói cách khác là trả giá cho chính thành công của mình.
Thiên Lang