TP Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ, chưa kiểm soát được hết

TP Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ, chưa kiểm soát được hết
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 11/6, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều ca nhiễm mới được phát hiện qua khám sàng lọc ở bệnh viện rồi từ đó lần ra các chuỗi lây. “Điều đó chứng tỏ tình hình trong cộng đồng thời gian vừa qua vẫn chưa kiểm soát được hết”, ông nói.

Âm thầm lây lan

Theo Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, liên quan đến Điểm nhóm truyền giáo Hội thánh Phục Hưng. Từ ổ dịch này đã lây lan ra nhiều ổ dịch khác trong cộng đồng, nhưng điều đáng mừng là nhiều chuỗi nhánh, ổ dịch đã được kiểm soát.

Hiện tại, TP HCM phát hiện 7 chuỗi lây nhiễm cộng đồng, trong đó có 3 chuỗi lây nhiễm cơ bản đã được kiểm soát. Hiện có 4 chùm bệnh đang cần phải quan tâm. Ngoài ra, đến nay ngoài chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm truyền giáo Hội thánh Phục Hưng, thành phố còn phát hiện 48 ca lây nhiễm trong cộng đồng qua khám sàng lọc tại các cơ sở y tế. 30 bệnh viện, phòng khám đã phát hiện được các trường hợp người dân có triệu chứng COVID-19 đến khám sàng lọc. Hầu hết, các cơ sở y tế này đều kiểm soát lây lan tốt, không để xảy ra tình huống lây lan trong bệnh viện, trừ Bệnh viện quận Tân Phú có ba nhân viên y tế bị lây nhiễm.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nêu rõ, những ổ dịch nhỏ mới phát hiện rải rác trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn giãn cách xã hội nên nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan do sự tiếp xúc của những người trong cùng gia đình (ổ dịch ở xưởng cơ khí Hóc Môn, chung cư Ehome, hộ dân ở TP Thủ Đức). Nguồn gốc các ca bệnh này có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước hoặc là người có tiếp xúc các ca bệnh, đi qua các vùng dịch tễ nhưng chưa khai báo đầy đủ.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhận định, xu hướng của các chuỗi lây nhiễm về sau cho thấy ca nhiễm mới được phát hiện qua sàng lọc khi khám chữa bệnh tại bệnh viện. Sau đó, ngành Y tế mới tiếp tục truy vết và phát hiện tại nơi ở, nơi làm việc. Ví dụ như chuỗi điểm nhóm truyền giáo Hội thánh Phục Hưng phát hiện ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, chuỗi lây nhiễm ở Hóc Môn hay Bình Tân đều qua bệnh viện...

Ông Nguyễn Thành Phong nêu thực tế, tỷ lệ các trường hợp F1 chuyển thành F0 đang giảm dần, nhưng tỷ lệ ca nhiễm được phát hiện khi người dân có triệu chứng hô hấp đến bệnh viện, phòng khám, lại tăng. Thậm chí, nhiều người dân không thành thật khai báo ngay từ khâu khám sàng lọc tại bệnh viện. Việc này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác truy vết, khám sàng lọc để phát hiện bệnh, khiến khâu này chưa đạt kết quả như mong đợi. “Phải tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về việc này”, ông Phong nêu rõ.

7 biện pháp chống dịch

Nhận định tình hình dịch hiện tại, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá, do các yếu tố thuận lợi, dịch đã bùng phát mạnh trong những ngày đầu. Ngày cao điểm, thành phố ghi nhận 49 ca bệnh/ngày trong cộng đồng. Song nhờ các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, kịp thời, sau 10 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca bệnh mới phát hiện chủ yếu trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa.

Tuy nhiên, dựa vào thời gian ủ bệnh là 14-21 ngày, ngành Y tế TP HCM đánh giá trong 10 ngày tới có thể phát hiện thêm các ca bệnh rải rác từ những ổ dịch đã được kiểm soát.

Do đó, TP HCM vẫn đang phải thực hiện 7 biện pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch trên địa bàn. Cụ thể: Tiếp tục điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhanh và triệt để; Tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp; Đảm bảo cách ly tập trung và giám sát cách ly tại nhà; Tăng năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2; Sẵn sàng năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19; Tòa nhà phong tỏa kiểm soát chặt người ra vào; Tổ chức tiêm chủng vaccine Covid-19.

Riêng đối với vấn đề vaccine phòng COVID-19, Sở Y tế TP HCM cho biết, hơn 10 ngày qua, ngành Y tế TP HCM cùng lãnh đạo TP đã gặp gỡ rất nhiều doanh nghiệp, cả doanh nghiệp có khả năng phối hợp với đơn vị nhập khẩu để đàm phán mua khoảng 5 triệu liều vaccine cho TP HCM. Khả năng TP HCM có 5 triệu liều vaccine trong quý III. UBND TP HCM cũng lập tổ công tác về vaccine để đàm phán, tổ chức tiêm vaccine...

Ngành Y tế TP HCM cũng nói rõ, sau 15 ngày giãn cách xã hội sẽ đánh giá tổng thể để có biện pháp phòng dịch phù hợp tình hình thực tế, tạo điều kiện cho khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống người dân…

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.