Trong hồ sơ đề nghị hợp thức hóa giấy tờ liên quan đến tài sản có giấy chứng tử của hai người được cấp, nhưng không hiểu sao hồ sơ vụ việc dù qua nhiều “công đọan” kiểm duyệt của nhiều cấp vẫn “lọt sổ”
Ngôi nhà số 91 Lý Tự Trọng |
“Sống lại” sau 11 năm chết?!
Tài sản là bất động sản (91 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) do bà Phạm Thị Bênh và Phạm Thị Thái cùng đứng tên sở hữu theo bằng khoán số 2046 sổ điền thổ Sài Gòn – tự do, do Ty Điền địa cấp ngày 11/7/1970; Phòng Chưởng khế Sài Gòn cấp tờ đoạn mãi ngày 8/12/1969, Sở thiết kế Sài Gòn cấp giấy phép xây dựng số 83.TK/BT ngày 24/2/1973 với quy mô cho phép xây dựng gồm một trệt, 2 lầu chiều rộng 4,2m, chiều dài 21,85m, tổng diện tích sử dụng là 282,8m2.
Tháng 8/1986, bà Bênh và bà Thái bán toàn bộ tầng trệt cùng toàn bộ lầu 2 và sân thượng cho bà Trần Thị Kim Dung, chỉ giữ lại lầu 1 có diện tích 82,5m2 để sử dụng. Năm 1989 bà Bênh bán cho bà Thái ½ lầu 1 của căn nhà trên nên bà Thái được sở hữu trọn vẹn lầu 1. Cuối năm 1989 bà Bênh qua đời. Kế đó, năm 1991, bà Dung bán cho vợ chồng ông Trần Văn Bằng - Nguyễn Thị Lan toàn bộ tầng trệt, tầng 2 và sân thượng căn nhà này. Năm 2000, bà Lan và ông Bằng lại bán toàn bộ diện tích này cho vợ chồng ông Dương Sách Khang - Hà Thanh Yến. Tất cả các hợp đồng mua bán nói trên cùng với việc sang tên đổi chủ đều thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Ngày 18/4/2001, bà Thái qua đời, con gái là bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt được thừa kế toàn bộ lầu 1 căn nhà 91 Lý Tự Trọng. Do có tranh chấp về lối đi giữa người thừa kế của bà Phạm Thị Thái (chủ sở hữu lầu 1), chủ sở hữu lầu 2 và sân thượng của căn nhà là ông Khang – bà Yến và đã được tòa án thụ lý giải quyết. Từ đây, một sự thật tưởng như đùa đã hé lộ khi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng) số 70101072290 do UBND TP.HCM cấp ngày 2/10/2001 là cấp cho hai người đã chết là bà Bênh và Thái.
Như vậy sổ hồng đã được cấp sau khi bà Bênh chết hơn 11 năm và bà Thái là gần 6 tháng. Căn cứ vào hồ sơ lưu trữ tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM, hồ sơ đề nghị cấp sổ hồng nhà 91 Lý Tự Trọng thể hiện khá rõ 2 giấy chứng tử của bà Bênh và bà Thái. Ấy thế mà sổ hồng được cấp vẫn đứng tên hai người “đã khuất” này?!
Chết: Quyền, nghĩa vụ chấm dứt…
Liên quan đến vấn đề này, một cán bộ Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất TP.HCM cho rằng: Quy trình cấp sổ hồng của nhà 91 Lý Tự Trọng là có “vấn đề”. Trong hồ sơ đã có văn bản trả lời ngày 14/9/2004 của Sở Xây dựng TP.HCM với nội dung: Nhà số 91 Lý Tự Trọng có phần diện tích trùng lắp tại tầng 1. Mặt khác, hồ sơ cũng thể hiện rõ những người đứng tên trên sổ hồng đều đã có giấy chứng tử trong hồ sơ đề nghị cấp sổ nên không thể xét cấp sổ cho người đã chết.
Ngoài ra Sở Xây dựng cũng đã đề nghị UBND quận 1, TP.HCM kiểm tra hồ sơ, xem xét giải quyết khiếu nại của ông Dương Sách Khang đúng quy định của pháp luật. Để bảo đảm quyền lợi của mình, công dân Dương Sách Khang có thể gửi đơn khiếu nại cho UBND TP. HCM, Sở Xây dựng TP.HCM và UBND quận 1 để nghị xem xét hủy bỏ sổ hồng số 21099/2001, vì không đảm bảo đúng trình tự cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Luật sư Lê Quang Y, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai nói việc Cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hồng cho người đã chết là trường hợp “xưa nay hiếm”. Bởi năng lực pháp luật dân sự của cá nhân chấm dứt khi người đó chết (Khoản 3 Điều 14 Bộ luật Dân sự).
Do vậy, khi một người được xác định là đã chết thì mọi quan hệ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người đó đều chấm dứt. Theo quy định tại điều 12 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất,… thì trường hợp cá nhân sử dụng đất chết trước khi trao giấy chứng nhận thì không cấp giấy chứng nhận cho người đã chết mà những người thừa kế của người đã chết làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 12 của Luật Nhà ở (sửa đổi bổ sung 2011) thì không ghi tên người đã chết trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, trừ trường hợp chủ sở hữu nhà ở đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chết trong thời hạn cấp giấy. Các trường hợp khác, khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận phải xác định người được thừa kế nhà ở đó theo quy định của pháp luật về dân sự để được ghi tên vào giấy chứng nhận. Do đó, trong trường hợp này khi phát hiện sổ hồng đã được cấp cho những người đã chết thì cơ quan đã cấp sổ phải thu hồi lại sổ hồng để cấp lại cho những người thừa kế theo đúng quy định pháp luật – Luật sư Y cho biết.
Trần Tố