Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam có bài phản ánh những bất cập tại trạm cân Quảng Ninh, website của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đăng toàn văn công văn phản hồi số 1592 ký ngày 16/7 (đề gửi Báo Pháp luật Việt Nam nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản này). Thái độ cầu thị của Tổng cục Đường bộ là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, nội dung trả lời lại còn nhiều điểm chưa thõa đáng.
DN "kêu trời" - Không phải việc Tổng cục! |
Không chịu trách nhiệm!
Công văn này viện dẫn các quyết định và văn bản liên quan đề cập đến tính hợp pháp của trạm cân, như quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Bộ Giao thông Vận tải cho phép trạm đi vào hoạt động thí điểm từ ngày 01/6/2010 ...
Trong quá trình hoạt động thí điểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã chỉ đạo đơn vị quản lý trạm tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình … nhằm nhắc nhở, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng hoá, đặc biệt là với lái xe, khi vận chuyển hàng hoá trên đường phải tuân thủ theo các quy định về vận tải hàng hoá, không vận chuyển hàng vượt quá tải trọng cho phép của phương tiện cũng như vượt quá tải trọng cầu, đường.
Công văn này nói rằng, mục đích của trạm kiểm tra tải trọng xe là kiểm soát và ngăn chặn tình trạng các phương tiện vận tải chở quá tải trọng cho phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các công trình công cộng và hệ thống cầu, đường bộ, điều đó giúp nâng cao hiệu quả và kéo dài tuổi thọ của các công trình cầu đường bộ.
Theo lý lẽ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau 15 ngày hoạt động cân thử (không xử phạt các trường hợp xe vượt tải trọng), đến thời điểm vận hành chính thức, đối với những xe chở quá tải trọng, trạm không chịu trách nhiệm hạ tải, sang tải hay bảo quản hàng hoá. Theo đó, chủ phương tiện lái xe có trách nhiệm hạ tải, sang tải và tự bảo quản hàng hoá, trạm chỉ có bãi đình chỉ xe lưu hành quá khổ, quá tải trọng.
Tổng cục am cũng nói rằng đã có văn bản số báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho phép Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh được cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ theo tuyến hướng từ tỉnh Quảng Ninh đi tới các địa phương. Trước mắt cho phép cấp tạm thời từ 03 đến 06 tháng nhưng phải làm việc với các chủ tuyến đường để có các thông tin về cầu, đường trước khi cấp phép.
Hàng chuẩn quốc tế, hạ tải ở Việt Nam!
Như vậy, văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành hoàn toàn không đề cập đến những vướng mắc mà doanh nghiệp vận tải đang phải “than trời” mỗi lần lưu thông qua đây.
Thực trạng nhức nhối đến mức Sở Công Thương Quảng Ninh đã “mạnh dạn” kiến nghị tỉnh Quảng Ninh có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tạm dừng hoạt động trạm cân. Theo Sở Công Thương Quảng Ninh, khi hạ tầng chưa đảm bảo mà vẫn đưa trạm cân vào hoạt động là chưa phù hợp. Trên thực tế, khi đưa trạm cân vào hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất như kho bảo quản hàng sang tải, bãi bốc dỡ hàng sang tải, phương tiện bốc dỡ không có … làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa và mỹ quan đô thị.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Lê Hoàng Diệu, Giám đốc kinh doanh Công ty Xuyên Việt cho biết, từ khi trạm cân hoạt động ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động công ty. “Chúng tôi vận chuyển xuất hàng đi Trung Quốc, với những container nguyên chì thì không thể sang tải. Mặt khác, thật hết sức vô lý khi những container đóng theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng về Việt Nam lại bị cấm vận chuyển, như thế thì không thể chạy nổi, làm lượng hàng tồn kho rất nhiều”.
Ông Diệu cho biết, hiện tại đang tồn nhiều container tại cảng. “Như hôm nay (20/7) – ông Diệu nói - chúng tôi phải nộp gần 60.000 USD tiền lưu không và tiền điện”.
Một số doanh nghiệp khác phản ánh, khi đã ký hợp đồng thì phải tìm cách đưa hàng đi, không bằng cách này hoặc cách khác và những doanh nghiệp lớn vẫn có thể “làm luật” để qua trạm.
Trả lời Pháp Luật Việt Nam chiều 20/7, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Ngô Văn Quyền cho biết, ông không bình luận về kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh liên quan đến việc dừng trạm cân vì đang bận đi công tác.
Như Trang