Đất võ
Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm. Năm 1471, Vua Lê Thánh Tông cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, từ đó, người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay. Vua Lê Thánh Tông đã cử các võ tướng, võ quan tài giỏi về võ nghệ của triều đình vào trấn giữ, nhà Lê muốn bình định vùng đất này lâu dài để nhân dân có cuộc sống yên ổn, phát triển mọi mặt. Các võ tướng, võ quan của triều đình đã ở lại đây sinh sống và truyền lại võ nghệ cho con cháu, cho dân làng và người bản địa, từ đó vùng đất Bình Định trở thành nơi có nhiều người tinh thông võ thuật.
Đến thời Tây Sơn ở thế kỷ XVIII, võ cổ truyền Bình Định chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn biến đổi về chất, nhằm đáp ứng nhu cầu chiến đấu của cuộc khởi nghĩa với phạm vi và quy mô trước đây chưa có. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là môi trường, là điều kiện thúc đẩy và hình thành diện mạo mới của võ cổ truyền Bình Định. Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đã hun đúc nên dòng võ đậm nét tinh hoa của dân tộc, bổ sung vào kho tàng di sản võ học chân truyền của dân tộc. Từ thời Tây Sơn, di sản Võ cổ truyền Bình Định luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy.
Võ cổ truyền Bình Định là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh túy nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng di sản võ học của dân tộc. Người học võ cổ truyền Bình Định hướng đến việc rèn luyện kỹ năng, nâng cao khả năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần. Không những vậy, thông qua việc tập luyện võ nghệ còn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào truyền thống thượng võ, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, kính tổ trọng thầy.
Đã ở tuổi bát tuần, Đại võ sư quốc tế Phi Long Vịnh vẫn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động võ thuật. Ông tâm sự: “Võ cổ truyền Bình Định chứa đựng rất nhiều tinh hoa của dân tộc, vì vậy, cần phổ biến rộng rãi để các thế hệ lưu giữ, phát huy”.
Tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc
Năm 2012, Bộ VH,TT&DL đã ghi danh võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Việt Nam. Theo Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Bình Định Bùi Trung Hiếu, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Bình Định có 2 đại võ sư quốc tế, 27 đại võ sư, 21 võ sư cao cấp, 101 võ sư… trên 12.000 võ sinh, 177 câu lạc bộ, võ đường hoạt động thường xuyên.
Trên địa bàn tỉnh có hàng chục làng võ nổi tiếng, mỗi làng võ gắn với địa danh đã tồn tại trong lịch sử làng xã Bình Định nhiều thế kỷ. Trong đó, huyện Tây Sơn có các làng võ Phú Lạc, Xuân Hòa, An Vinh, Thuận Truyền; thị xã An Nhơn có các làng võ An Thái, Thắng Công; huyện Tuy Phước có các làng võ An Hòa, Kỳ Sơn; huyện Phù Cát có các làng võ Phú Nhân, Đại An, Hòa Hội; huyện Phù Mỹ có làng võ Mỹ Hòa,… Mỗi làng võ tạo nên những dòng võ, lò võ với đặc trưng riêng: Lò võ Phan Thọ, lò võ Hồ Sừng, lò võ Lý Xuân Hỷ, câu lạc bộ võ Chùa Long Phước, lò võ Phi Long Vịnh… Mỗi lò võ gắn với những truyền nhân mà tên tuổi của họ đã tạo nên điểm khác biệt, tạo dấu ấn riêng của từng môn phái, đại diện cho một trường phái võ học tiêu biểu trong tổng thể võ thuật cổ truyền Bình Định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý để Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập hồ sơ Võ cổ truyền Bình Định, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là tín hiệu đáng mừng cho võ cổ truyền Bình Định, không chỉ là niềm tự hào, tạo đà đưa di sản quốc gia lên tầm quốc tế, mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.
UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định phê duyệt đề cương Kế hoạch tổng thể xây dựng hồ sơ khoa học “Võ cổ truyền Bình Định” đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đó, Sở VH-TT tỉnh Bình Định chủ trì xây dựng hồ sơ này, đơn vị tư vấn và phối hợp xây dựng hồ sơ là Viện Nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Thời gian xây dựng hồ sơ từ tháng 6 năm nay đến tháng 12/2023.
Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Định, đại võ sư Bùi Trung Hiếu chia sẻ: Võ cổ truyền Bình Định là nét văn hóa mang đặc trưng riêng của Bình Định. Vì vậy, chúng tôi luôn ý thức giữ gìn và phát huy để nâng tầm giá trị di sản. Ngoài việc võ cổ truyền Bình Định đang được triển khai lập hồ sơ di sản đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, chúng ta còn phải có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để bảo tồn và giới thiệu “đặc sản” này đến với bạn bè quốc tế.
Võ Bình Định luôn có tính thực chiến rất cao, đặc biệt là sự hiệu quả so với thể trạng nhỏ bé nhưng rất linh hoạt của người Việt. Với những kỹ năng nội công, khí công thượng thừa, các võ sư Bình Định có thể thực hiện màn biểu diễn đòi hỏi trình độ cao. Các đệ tử võ Bình Định cũng có khả năng phi thân (hay còn gọi là khinh công) rất điêu luyện, như chạy trên chiếc chiếu trải trên mặt nước với quãng đường hàng trăm mét…