Cổ phần hóa (CPH) là để doanh nghiệp bừng lên phát triển, tuy nhiên thực tế trái ngược hoàn toàn lại đang xảy ra tại một công ty trước đây thuộc diện đầu tàu của ngành chế tạo thiết bị giáo dục.
Công ty Thiết bị Giáo dục 1 chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2007 với tên gọi mới là Công ty cổ phần thiết bị Giáo dục 1 (Cty CP TBGD 1). Những tưởng khi chuyển đổi mô hình hoạt động, với đặc trưng là đa dạng hóa sở hữu thì công ty sẽ bước lên một nấc thang phát triển mới. Thế nhưng, chuyện ngược đời cũng bắt đầu nảy sinh từ chính thời điểm này. Tính từ khi CPH đến nay đã gần hơn 6 năm, công ty thua lỗ ước khoảng hơn 40 tỷ đồng, và cũng trong chừng ấy thời gian thì các cổ đông chưa 1 lần được chia cổ tức.
Thường thì nguyên nhân của doanh nghiệp làm ăn thua lỗ là do ban lãnh đạo yếu kém, tuy nhiên ở trường hợp này thì lại không phải như vậy. Lý do đặc biệt ở đây là các công việc liên quan đến CPH doanh nghiệp đã không được thực hiện đầy đủ, để rồi sau đó Cty CP này trở thành “nạn nhân” của sự tắc trách đó.
Trước tiên là việc trong quá trình CPH, Ban chỉ đạo CPH của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã bỏ qua khâu tối quan trọng là thẩm định giá trị doanh nghiệp. Như tất cả đều biết, một khi giá trị doanh nghiệp không được xác định thì việc bàn giao vốn Nhà nước về Cty CP sẽ là điều không thể. Như phản ứng dây chuyền tất yếu, do không được bàn giao vốn và tài sản đầy đủ nên công ty không đủ điều kiện kinh doanh, vì vậy cứ triền miên thua lỗ.
Tình trạng này kéo dài đến năm 2011, tức là sau 4 năm CPH, phần đại diện sở hữu vốn Nhà nước ở công ty được chuyển từ Bộ Giáo dục - Đào tạo về cho Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục. Nhiều cổ đông tư nhân rất bất bình về việc này, theo ông Nguyễn Ngọc Hải, nguyên Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc công ty, thì việc chuyển quyền đại diện sở hữu một cách vội vã như vậy là làm trái với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (thời điểm đó).
Theo công văn số 1444/VPCP-ĐMDN ngày 10/3/2011 thì Phó Thủ tướng nêu rõ là cần phải hoàn tất quá trình CPH thì mới chuyển quyền đại diện sở hữu vốn Nhà nước sang NXB Giáo dục. Tuy nhiên yêu cầu này đã không được chấp hành, việc chuyển giao vẫn được xúc tiến bất chấp những tồn tại trước đó vẫn còn ngổn ngang.
Có thể Bộ Giáo dục - Đào tạo hy vọng rằng sau khi chuyển đổi thì NXB Giáo dục sẽ vực dậy được công ty, nhưng rất tiếc thực tế lại không phải như vậy. Nắm quyền đại diện sở hữu 51% vốn của công ty, NXB Giáo dục cũng không thúc đẩy được việc chuyển giao vốn và tài sản về Cty CP mà trái lại, theo lời một cổ đông tư nhân thì cứ mỗi khi có yêu cầu này từ phía nhà đầu tư thì họ (tức NXB Giáo dục) lại lảng tránh, hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Trong khi đó, công ty hoạt động vẫn rất bết bát vì phải gánh chịu những hậu quả từ 4 năm trước để lại. Nếu nhìn từ góc độ lợi ích của cổ đông tư nhân thì rất đáng ngại, vì sau chừng ấy năm đồng vốn họ bỏ ra mua cổ phần không những chẳng được hưởng lợi chút nào, mà đang còn phải oằn mình nhìn số lỗ hơn 40 tỷ đồng lơ lửng chưa biết chia thế nào.
Không chia sẻ được tiếng nói chung với NXB Giáo dục, đơn vị nắm sở hữu 51%, mới đây vào ngày 24/5/2013, tại đại hội cổ đông của công ty do HĐQT đề xuất, tuyệt đại đa số các cổ đông tư nhân đã đề nghị dừng đại hội vì lý do rất dễ hiểu và đúng đắn là khi cổ đông Nhà nước chưa bàn giao đầy đủ vốn và tài sản thì chưa xác định được tỷ lệ sở hữu chính xác để tiến hành cuộc họp. Ông Lê Văn Thành, ủy viên HĐQT công ty phát biểu đầy bức xúc tại đây: Chúng tôi đi mua cổ phần thì mua bằng tiền thật, nhưng bây giờ nhìn lại, vốn Nhà nước góp chỉ là những con số ảo, vì thế nếu nói thẳng thừng thì đây là lừa đảo.
Một thành viên HĐQT khác là bà Hoàng Thị Kim Loan tại đây cũng cho rằng việc nhập nhằng như thế là điều không thể chấp nhận được, và trách nhiệm chính thuộc về đại diện cổ đông Nhà nước. Bà Loan yêu cầu vì lợi ích chung của công ty cần làm minh bạch vấn đề này thì sau đó công ty mới có hy vọng phát triển được. Tuy nhiên những vấn đề mà cổ đông tư nhân nêu lên tại cuộc họp không được Chủ tịch HĐQT (đại diện NXB Giáo dục) nhắc đến.
Sau chừng ấy thời gian gian hoạt động, Cty CP TBGD 1 đến thời điểm này vẫn chưa thấy có gì sáng sủa mà ngược lại, nói như một cổ đông thì tương lai vẫn hết sức “tối tăm”. Không rõ đến khi nào đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại công ty sẽ giải quyết dứt điểm những vướng mắc này để qua đó, đáp ứng những đòi hỏi hết sức chính đáng của nhà đầu tư tư nhân và quan trọng nhất, tránh cho công ty rơi vào tình trạng phá sản?
PV