Tội phạm công nghệ cao được xác định là một trong nhiều thách thức mới nổi, gây thiệt hại cho thế giới 400 tỉ USD mỗi năm. “Đó là mối nguy của chúng ta với quy mô ngày càng phức tạp và ảnh hưởng lớn” - Chủ tịch Interpol Khoo Boon Hui phát biểu như thế ở Hội nghị thường niên của Interpol diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Cứ 14 giây có 1 nạn nhân
Theo Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), trong năm 2011 tại Việt Nam nổi lên hiện tượng tội phạm nước ngoài tới tạm trú sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, ăn cắp thông tin, tài khoản cá nhân trên toàn cầu. Ngoài ra, các tội phạm nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng giả tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra và có chiều hướng gia tăng.
Ngày 17/10/2011, Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Tổng cục An ninh I kiểm tra hai khách sạn ở Nha Trang, bắt quả tang 23 người Trung Quốc và một người Việt Nam đang "hành nghề" lừa đảo, thu giữ 2 bộ thiết bị đường truyền tốc độ cao, 14 bộ đàm cầm tay, 8 điện thoại Wi-Fi, 37 điện thoại bàn, 2 USB có dữ liệu và 7 máy tính xách tay.
Trước đó, ngày 5/9/2011, Cơ quan an ninh Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Phú Yên bất ngờ ập vào 5 tụ điểm trên địa bàn TP.Tuy Hòa (Phú Yên), bắt giữ 57 người, trong đó phần lớn là người Trung Quốc đã sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia. Ngày 13/9, Công an TP HCM cũng bắt quả tang 11 người ngoại quốc thực hiện hành vi tương tự để lừa đảo, thu giữ 7 máy tính xách tay, 16 modem, hàng trăm đầu kết nối Internet và 5 thiết bị phát sóng wi-fi...
Theo số liệu của Tổ chức Cảnh sát quốc tế Interpol, cứ 14 giây lại có một người là nạn nhân của loại tội phạm này. Trung tướng Phạm Quý Ngọ (Thứ trưởng Bộ Công an) cho biết, hiện tội phạm công nghệ cao đang diễn biến khó lường, với nhiều thủ đoạn tinh vi và phức tạp nên công tác điều tra phá án cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Chỉ tính đến ngày 7/11/2011, ở Việt Nam đã có hơn 300 website của các cơ quan, DN, cá nhân bị tấn công, trong đó có nhiều trang là của cơ quan nhà nước với tên miền .gov.vn. Các cuộc tấn công vào mạng thông tin Việt Nam ngày càng mang động cơ chính trị và kinh tế rõ ràng.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, các loại hình tội phạm khác có xu hướng dần chuyển sang tội phạm sử dụng công nghệ cao, ví dụ cá độ, buôn bán ma túy, lừa đảo... diễn ra ngày một nhiều trên mạng.
Ảnh minh họa |
Chưa có cơ quan hành động đủ mạnh
Trái ngược với mức độ ngày một tăng nhanh của tội phạm công nghệ cao và rủi ro của máy tính, các DN lại tỏ ra khá thờ ơ với các biện pháp tự bảo vệ mình. Thông tin được đưa ra tại Ngày hội An toàn thông tin vừa diễn ra hôm qua – 23/11 tại Hà Nội, khảo sát 300 DN của VNISA cho thấy, việc bảo đảm an toàn thông tin mạng của các tổ chức, DN VN vẫn còn nhiều hạn chế.
Tình trạng thờ ơ với công tác đảm bảo an ninh mạng của các cơ quan tổ chức ở Việt Nam đã diễn ra trong một thời gian dài mà hầu như không có sự thay đổi. Trong khi đó, phương thức và cách thức tấn công ngày càng trở nên dễ dàng và phổ biến đối với các tin tặc nhờ những công cụ sẵn có trên mạng.
Khi bị tấn công, phản ứng của quản trị các website cũng rất khác nhau nhưng đa phần là khá lúng túng. Điều đó cũng xuất phát từ một nguyên nhân khác là các DN đang phải đương đầu với sự thiếu hụt về nhân lực CNTT và hiểu biết về tội phạm mạng, do chi phí cho công tác này khá cao. Trong khi đó, các DN và tổ chức ở Việt Nam thường đầu tư dưới 10% chi phí CNTT cho bảo mật - một tỷ lệ dưới mức đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin.
Một nguyên nhân khác là Việt Nam chưa có cơ quan chuyên trách đủ mạnh để ngăn chặn các loại hình tấn công mạng. Tại Việt Nam, mặc dù có một số cơ quan xử lý các vấn đề liên quan đến sự cố mạng nhưng chưa có một cơ quan thực sự chuyên trách để đảm bảo an ninh mạng quốc gia. Bên cạnh đó, vấn đề xử lý các loại tội phạm về an ninh mạng từ trước đến nay luôn gặp khó khăn vì thiếu chế tài, luật pháp dù đang được dần hoàn thiện, cũng chưa đủ mạnh để răn đe tin tặc…
Bách Nguyễn