Những “bông hoa” núi đồi tỏa rạng
Nói đến những “bông hoa” tươi đẹp trong làng giải trí Việt xuất thân từ dân tộc thiểu số, có thể kể đến nhiều cái tên nổi bật trong những năm qua. Họ là những Hoa hậu, Á hậu xuất thân từ dân tộc thiểu số gây ấn tượng cho công chúng bởi nhan sắc, thần thái hay năng lực như Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê người Ê Đê, Hoa hậu các dân tộc Triệu Thị Hà người Nùng, Á hậu xuất thân từ dân tộc Khơ Me Trương Thị May, Hoa hậu người Tày Nông Thúy Hằng, Hoa khôi dân tộc Tày xứ Lạng Đàm Thu Trang...
Trong số đó, Trương Thị May là cái tên tuy không đình đám nhưng lại có sức bền trong làng nghệ thuật Việt. Cô từng đăng quang ngôi vị Á hậu 1 tại hai cuộc thi sắc đẹp vào những năm 2006 - 2007, từng đại diện Việt Nam bước ra đấu trường nhan sắc quốc tế. Trong suốt gần 20 năm tham gia làng nghệ thuật với biết bao “bông hoa” nở rộ chung quanh từ các cuộc thi nhan sắc, cô gái người Việt gốc Khơ Me luôn giữ được cho mình một “thương hiệu” bền vững trong lòng người hâm mộ. Trương Thị May luôn làm người khác thán phục bởi những nỗ lực âm thầm của mình, trau dồi bản thân về năng lực, chuyên môn, thần thái. Cô thường xuyên góp mặt trình diễn tại các sự kiện thời trang và giải trí và chiếm một vị trí đáng kể ở làng thời trang trong nước.
Có nhan sắc, có sự nổi tiếng, nhưng từ trước đến nay, Trương Thị May chưa bao giờ xuất hiện cùng những scandal, những ồn ào về phát ngôn, hành xử, đời tư... Trương Thị May từng bộc bạch, cô chọn cách “lùi lại một bước” để nỗ lực, cống hiến và tránh đi thị phi. Nàng Á hậu cũng lựa chọn con đường ăn chay trường, sống lành mạnh, truyền cảm hứng về lối sống lành của mình đến nhiều người trẻ. Cô từng được Tổ chức Bảo vệ quyền lợi động vật Quốc tế (PETA) bình chọn là “Mỹ nhân ăn chay hấp dẫn nhất châu Á”.
Một “bông hoa” núi rừng được rất nhiều người Việt hâm mộ, yêu quý là Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê. Xuất thân từ buôn Sứt M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, cô gái trẻ dân tộc Ê Đê đã phải cãi lời gia đình, không chấp nhận cuộc sống như biết bao cô gái chung quanh: Nghỉ học sớm, lấy chồng, sinh con. H’Hen Niê nỗ lực vượt qua cái nghèo, vượt định kiến để theo đuổi việc học hành tại chuyên ngành tài chính doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại và đi làm thêm nhiều nghề để kiếm tiền học như phục vụ, giúp việc nhà. H’Hen Niê bắt đầu tham gia làm người mẫu trình diễn tại các sàn thời trang lớn nhỏ như một cách trang trải cho việc học. Cô từng bị loại ở một cuộc thi siêu mẫu, để rồi, sau hai năm trau dồi, H’Hen Niê quay trở lại với Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 và đăng quang một cách xứng đáng trong sự ủng hộ của đông đảo khán giả.
Tiếp tục tham gia Hoa hậu Hoàn vũ 2018, tại vòng chung kết tổ chức ở Thái Lan, H'Hen Niê đã có phần thi ứng xử gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả toàn cầu. Cô nói rằng: “Tôi là một người dân tộc thiểu số, tôi đáng lẽ sẽ lấy chồng lúc 14 tuổi nhưng không, tôi chọn giáo dục. Từ con số 0, nay tôi đứng tại đây, tôi muốn nói tôi làm được và bạn cũng có thể làm được!”…
Với nhan sắc và tài năng của mình, H'Hen Niê đã lọt vào top 5 chung cuộc Hoa hậu Hoàn vũ 2018, đồng thời trang phục dân tộc lấy cảm hứng từ bánh mì Việt Nam của cô cũng lọt top các trang phục dân tộc xuất sắc nhất, tạo nên một làn sóng yêu thích trên thế giới.
H'Hen Niê còn là một trong những Hoa hậu hoạt động xã hội tích cực hàng đầu, khi cô dành gần như toàn bộ tiền thưởng từ ngôi vị cho công tác thiện nguyện. H'Hen Niê đi khắp nơi, trao nhiều học bổng cho các em học sinh nghèo, đến các trường học truyền cảm hứng, giúp đỡ người dân khó khăn vùng sâu, vùng xa, tham gia các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân HIV cũng như làm đại sứ cho nhiều hoạt động thiện nguyện khác.
Có thể nói, H'Hen Niê là một “bông hoa” rạng rỡ của núi rừng Tây Nguyên, là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đã truyền cảm hứng sống chủ động, tích cực và nỗ lực cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là những người phụ nữ dân tộc vốn chịu nhiều thiệt thòi.
Những người phụ nữ tài năng
Nói về tài năng, chúng ta có không ít người tài xuất thân từ dân tộc thiểu số, trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như văn chương, hội họa, nghệ thuật trình diễn... Trong mảng âm nhạc, nhiều thế hệ nghệ sĩ dân tộc thiểu số đã có sức ảnh hưởng nhất định đến với cộng đồng nghệ thuật.
Như NSƯT Măng Thị Hội (sinh năm 1948) là người dân tộc Bana Chăm, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và từ nhỏ đã thấm nhuần những bài hát cách mạng, được lớn lên trong tiếng cồng chiêng của dân tộc mình. Với tài năng và sự rèn luyện học tập không ngừng nghỉ, NSƯT Măng Thị Hội trở thành một giảng viên thanh nhạc danh tiếng của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Từ năm 1978 tới nay, bà đã truyền dạy cho nhiều hệ hệ học trò giỏi giang như NSƯT Tạ Minh Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thúy, Mỹ Tâm, Thanh Sử… và nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ khác.
Mặc dù ít tham gia biểu diễn, nhưng mỗi khi NSƯT Măng Thị Hội đứng trên sân khấu, tài năng của bà luôn tỏa sáng. Bà được coi là giọng ca “hàng đầu” về các bài hát đại ngàn. Trong đó, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng nhận xét rằng, không ai hát hay hơn Măng Thị Hội khi thể hiện ca khúc kinh điển “Bóng cây Kơ Nia”.
Một nữ nghệ sĩ dân tộc tài danh là NSND Rơ Chăm Phiang, giảng viên Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Bà được gọi là “họa mi núi rừng” bởi giọng hát lảnh lót, vút cao. Là người dân tộc Gia Rai sinh ra ở miền núi rừng Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, Rơ Chăm Phiang không chỉ có tài năng bẩm sinh mà còn là người nghệ sĩ “không ngừng nghỉ” trong việc học tập, phấn đấu, trau dồi năng lực. Bà được coi là một trong những ca sĩ người dân tộc thiểu số được đào tạo bài bản nhất nước ta, với bằng đại học thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, tu nghiệp ở Nhạc viện Tchaikovsky thuộc Liên Xô (cũ).
Đối với những thế hệ ca sĩ sau này, có không ít nghệ sĩ dân tộc thiểu số đã “tiếp bước” các đàn chị, tạo nên những “thương hiệu nghệ thuật” bền vững, tỏa sáng trong lòng khán giả. Trong số đó không thể không nhắc đến nữ nghệ sĩ Siu Black. Chị là ca sĩ dân tộc Ba Na có giọng hát nội lực hiếm có, từng có thời điểm đứng trên “đỉnh cao vinh quang” với sự hâm mộ cuồng nhiệt của khán giả. Mặc dù sau đó có một vài sự cố về đời tư, nhưng khi nhắc đến nghệ sĩ dân tộc thiểu số, khán giả vẫn nhớ ngay đến Siu Black, đồng thời chị vẫn là một trong những niềm tự hào của người Ba Na nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Ca sĩ Hoàng Quyên người dân tộc Tày, là giọng hát chất lượng được giới trẻ yêu thích. (Ảnh: Fanpage Hoàng Quyên) |
Các thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay còn có thể nhắc đến Hoàng Quyên, nữ ca sĩ trẻ người dân tộc Tày, quê ở Thái Nguyên. Hoàng Quyên đam mê ca hát từ thuở bé, thành danh qua nhiều cuộc thi âm nhạc lớn nhỏ. Dù có nền tảng âm nhạc tốt, nữ ca sĩ không chọn con đường thị trường mà đi theo lối đi riêng mình. Tuy không nổi đình nổi đám nhưng cô vẫn là một trong những nữ ca sĩ trẻ được yêu thích vì chất giọng tuyệt vời.
Hay Bonneur Trinh (tên thật là Cil Trinh) người dân tộc Lạch, sinh ra và lớn lên tại làng Bonneur, Langbiang, Đà Lạt (Lâm Đồng), từng đạt quán quân cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh năm 2002, đến nay được đánh giá là một trong những nữ ca sĩ sở hữu giọng ca chất lượng của làng nhạc Việt. Giới yêu âm nhạc còn biết đến Sèn Hoàng Mỹ Lam, nữ ca sĩ của núi rừng Tây Bắc Sèn Hoàng Mỹ Lam với sản phẩm âm nhạc nổi bật là 3 MV nằm trong dự án âm nhạc có tên Tây Bắc và em.
Họ là nữ nghệ sĩ người dân tộc thiểu số có thành tích và tài năng nổi bật, đã thành công và tạo được tiếng vang không kém gì các nghệ sĩ khác. Trong số họ, có những nghệ sĩ là “con nhà nòi”, nhưng cũng có người nỗ lực vươn lên từ hoàn cảnh khó nghèo, từ lạc hậu và định kiến. Thành công của những nữ nghệ sĩ ấy không chỉ đem lại hào quang cho riêng họ, mà còn lan tỏa những thông điệp tốt đẹp về hòa hợp các dân tộc, đem lại những bài học sâu sắc, rằng mọi người trong xã hội, dù nam hay nữ, dù bất cứ dân tộc nào đều có quyền được sống hạnh phúc, được chạm tay đến giấc mơ nếu nuôi dưỡng khát vọng chân chính và kiên trì đeo đuổi đến cùng đam mê.