Tòa “hô biến” hợp đồng vô hiệu thành... di chúc

 TAND TP Hà Nội lấy đất công của UBND xã chia cho các đương sự trong một vụ tranh chấp dân sự về nhà đất xảy ra tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm.

TAND TP Hà Nội lấy đất công của UBND xã chia cho các đương sự trong một vụ tranh chấp dân sự về nhà đất xảy ra tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm.

Hình minh họa
Hình minh họa

Tòa cấp dưới chưa đúng

Theo nội dung vụ kiện, do không có đất ở nên năm 1988 bà Nguyễn Thị Chung được UBND xã Ninh Hiệp, cho mượn đất để làm nhà ở. Năm 1992, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Thắng, con trai thứ 2 của bà Chung xây trên thửa đất này căn nhà cấp 4 để ở. Năm 1999, vợ chồng anh Thắng chuyển đi, bà Chung cùng gia đình con cả Nguyễn Ngọc Định về ở căn nhà trên cho đến năm 2002 thì xây thêm một căn nhà 2 tầng trên thửa đất mượn.

Tháng 2/2007, bà Chung lập một giấy phân chia nhà đất cho các cháu nội. Theo đó, cháu Nguyễn Ngọc Phong (con anh Định) là “đích tôn” nên được bà cho căn nhà 2 tầng trên diện tích hơn 34m2; Cháu Nguyễn Ngọc Cường, con anh Thắng được cho căn nhà cấp 4 trên diện tích khoảng 30m2. Do bà Chung không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên việc tặng cho này không thể công chứng hợp pháp mà chỉ lập văn bản có sự làm chứng của luật sư Phạm Thị Hương và ông Khuất Văn Tú.

Sau đó, bà Chung đột ngột qua đời và hai căn nhà trên thửa đất do chị Nhài (mẹ cháu Phong) quản lý, nên chị Thạch Thị Thảo (mẹ cháu Cường) đem tờ giấy chia nhà của bà Chung đến đòi nhà. Tuy nhiên, chị Nhài không chịu nên chị Thảo khởi kiện ra tòa.

TAND huyện Gia lâm xác định đây là vụ kiện tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản; diện tích đất mà bà Chung sử dụng có hai căn nhà được bà chia cho hai cháu là đất công, do UBND xã Ninh Hiệp cho mượn sử dụng từ năm 1988. Đối với bản phân chia tài sản cho hai cháu của bà Chung, TAND huyện Gia Lâm cho rằng đây là văn bản thể hiện ý chí, nguyện vọng của bà Chung nên dù văn bản này không đúng về hình thức, Tòa vẫn công nhận nội dung để chia cho cháu Phong căn nhà 2 tầng và cháu Cường căn nhà cấp 4.

Tuy nhiên, Tòa cấp sơ thẩm đã không giao nhà cho cháu Cường mà giao nhà cho cháu Phong, đồng thời buộc chị Nhài trả cho cháu Cường hơn 9 triệu đồng giá trị căn nhà cấp 4; Diện tích đất được Tòa “giao trả” cho xã để giải quyết theo thẩm quyền.

Sửa sai ít thành… sai nhiều

Việc Tòa án huyện Gia Lâm công nhận “nguyện vọng” của người đã khuất để biến một hợp đồng tặng cho vô hiệu về hình thức thành có hiệu lực lẽ ra cần phải được xem xét và sửa sai tại cấp phúc thẩm. Thế nhưng, cấp phúc thẩm lại… sai nghiêm trọng hơn.

Theo TAND TP Hà Nội, văn bản phân chia tài sản do bà Chung lập ngày 9/2/2007 không phải là hợp đồng tặng cho tài sản mà là.. di chúc. Do đó, Tòa cũng đổi luôn “tên” vụ kiện thành vụ án “yêu cầu phân chia tài sản theo di chúc” với lý giải văn bản này thể hiện nguyện vọng của bà Chung là cho các cháu tài sản khi còn sống, nhưng bà đột ngột qua đời thì coi đó là di chúc cũng được. Do văn bản phân chia tài sản tài sản của bà Chung được tòa “biến” thành di chúc nên từ chỗ vô hiệu về hình thức, văn bản này đã trở nên hợp pháp.

Tham gia phiên tòa, VKSND TP Hà Nội còn “đi xa” hơn Tòa khi đề nghị Tòa chia cả đất cho hai cháu của bà Chung cho dù nguồn gốc diện tích đất này là đi mượn của UBND xã Ninh Hiệp.

Với cách nhận định như trên, TAND TP Hà Nội đã chấp nhận yêu cầu của “đòi nhà” của cháu Cường, do chị Thảo đại diện và chia cho cháu căn nhà cấp 4 trên diện tích đất gần 30m2 theo đúng “di chúc” của bà Chung. Bản án cũng cho phép các đương sự đăng ký quyền sử dụng đất mà bà Chung mượn, biến của công thành của.. công dân.                                                                       

Chúng tôi đã cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Chí Đại để thấy rõ hơn cách vận dụng pháp luật rất “sáng tạo” của Tòa án.

Thưa Luật sư, Tòa phúc thẩm nhận định giấy phân chia nhà là “di chúc”, liệu có căn cứ pháp luật không?

Về cơ bản, hợp đồng tặng cho nhà và di chúc là hai giao dịch khác hẳn nhau về bản chất và các thủ tục pháp lý liên quan. Do vậy, kết luận giao dịch tặng cho là di chúc là điều thực sự khó làm.          

Tặng cho tài sản là việc chuyển quyền sở hữu (kể cả quyền sử dụng đất) ngay tại thời điểm ký kết, sẽ chấm dứt quyền sở hữu của người tặng cho ngay tại thời điểm tặng cho. Di chúc là việc định đoạt tài sản khi người có tài sản đã chết, chỉ phát sinh quyền cho người thừa kế khi người để lại di sản qua đời.

Về hình thức và thủ tục thực hiện giao dịch và nội dung của hợp đồng tặng cho và di chúc cũng khác nhau nhiều. Trong đó, tặng cho nhà đất thì bắt buộc phải công chứng, nhưng lập di chúc thì không bắt buộc.

Việc Tòa coi hợp đồng tặng cho là di chúc liệu có gây hậu quả gì không, thưa ông?

Với cách xử lý như thế này, Tòa có thể “biến cái không thể thành có thể”. Nếu là hợp đồng tặng cho thì toàn bộ văn bản này là vô hiệu. Tài sản sẽ là di sản của bà Chung chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật. Nếu là di chúc thì chỉ chia cho cháu Cường và cháu Phong theo đúng nội dung văn bản. Việc xác định quan hệ pháp luật kiểu “tráo đổi” của Tòa đã xâm phạm đến quyền lợi của công dân, thậm chí là cả UBND xã.                              

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.