Vụ tranh chấp tài sản xuất phát từ việc hợp tác làm ăn đã không được đương sự khởi kiện ra tòa mà lại nhờ một số cán bộ công an can thiệp không đúng pháp luật
Cưỡng chế bàn giao tài sản
Trong đơn gửi Pháp luật Việt Nam và nhiều cơ quan chức năng, ông Nguyễn Viết Trương, sinh năm 1956, trú tại số 2 Thủy Xưởng, phường Phương Sơn, Tp Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, phản ánh, một số cán bộ công an huyện Cam Lâm đã hỗ trợ một doanh nghiệp đóng trên địa bàn cưỡng đoạt và cướp tài sản của ông. PV đã tìm hiểu sự việc và nhận thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý thỏa đáng.
Theo ông Nguyễn Viết Trương năm 2003 ông có hùn vốn làm ăn với công ty Việt Kiệt có trụ sở tại 405/9 đường Xô Viết - Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM để khai thác đá tại mỏ đá Bà Châu (mỏ đá này đứng tên Cty Việt Kiệt thuê) tại xã Suối Cát huyện Cam Ranh (nay là huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) với tỷ lệ vốn góp mỗi bên là 50%, với cam kết “lời cũng hưởng, rủi ro cũng chịu”. Vốn tiền mặt của ông Trương đóng góp tại thời điểm đó là gần 900 triệu đồng.
Do Cty không có tiền để mua sắm thiết bị mà phải đi thuê về để sản xuất, ông Trương đã tự bỏ tiền ra mua một số thiết máy móc để cho thuê gồm 1 xe múc trị giá trên 400 triệu đồng, 2 xe ủi trị giá trên 700 triệu đồng, xe tải 11 tấn, xe ô tô và hai máy nén khí Trung Quốc. Những tài sản này đứng tên Cty TNHH Sông Mã (Cty riêng của ông Trương) với danh nghĩa Cty Việt Kiệt thuê của cá nhân ông Trương với giá thuê theo giá thị trường.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động, hai bên không thực hiện cam kết và phát sinh mâu thuẫn. Tranh chấp khai thác mỏ đá giữa Cty Việt Kiệt và cá nhân ông Trương bắt đầu hình thành từ năm 2007, khi thấy công việc khai thác đá thuận lợi, có thu nhập cao Việt Kiệt đã có ý đồ "hất" ông Trương ra khỏi Cty. Đỉnh điểm là ngày 4/8/2007, Cty Việt Kiệt do bà Hà Thị Tố Nga làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đã lập biên bản thống kê toàn bộ tài sản là thiết bị máy móc của ông Trương đang hoạt động ở mỏ đá Bà Châu và dưới sự hỗ trợ của lực lượng Công an ông Trương đã bị ép phải ký vào biên bản xác nhận đó là tài sản của Cty Việt Kiệt.
Sau khi ép ông Trương ký biên bản thì đuổi ông Trương ra khỏi khu vực. Biên bản làm việc trên có chữ ký của ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó Công an xã Suối Cát và Nguyễn Quang Tuyên, Công an huyện Cam Lâm.
Sau đó, Cty Việt Kiệt đã chiếm giữ toàn bộ số tài sản của ông Trương và cũng không tiến hành khai thác tại mỏ đá cho đến nay. Ông Lê Tám, Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết: “Sau buổi làm việc giữa Công an tỉnh Khánh Hòa và Công ty Việt Kiệt đã thống nhất ra văn bản đề nghị ông Lê Viết Trương đến nhận lại tài sản của mình là một số những máy móc xe cẩu đã thu giữ tại mỏ đá trước đó một năm nhưng ông Trương không đến nhận.
Ông Trương lý giải, thời điểm đó nhờ sự “tiếp tay” của công an Khánh Hòa mà tài sản của ông đã trở thành đống sắt vụn, không còn sử dụng được nữa nên ông không đến nhận”.
Chúng tôi cũng đã liên hệ với lãnh đạo Công an huyện Cam Lâm để tìm hiểu lý do mà lực lượng công an huyện này tham gia vào buổi “cưỡng chế. Tuy nhiên sau rất nhiều lý do thoái thác, lãnh đạo Công an huyện này đã từ chối cung cấp thông tin.
"Lấn sân" Tòa án
Ở một diễn biến khác của vụ việc, Công an tỉnh Khánh Hòa đã đứng ra “làm thay” việc của Tòa án khi tịch thu tài sản đang tranh chấp của cá nhân ông Trương để giao cho Cty Hùng Đại Dương.
Cụ thể, ông Nguyễn Viết Trương mua một chiếc xe cẩu và nhờ Công ty Hùng Đại Dương đứng tên để hợp tác làm ăn. Do mắc mớ việc Hùng Đại Dương không thanh toán tiền cẩu đá nên ông Nguyễn Viết Trương đã mang xe về không cẩu đá cho Cty này nữa.
Theo phản ánh của ông Trương sau khi có đơn tố cáo của Cty Hùng Đại Dương, cán bộ phòng PC 16 Công an tỉnh Khánh Hòa là ông Nguyễn Lê Tâm và Trình Minh Hòa đã yêu cầu ông Trương mang giấy tờ xe và CMND ra Công an phường Thủy Xưởng để làm việc.
Tại đây hai công an viên nói trên đã thu giữ toàn bộ giấy tờ xe và CMND của ông Trương nhưng không lập biên bản mặc dù ông Trương có đề nghị. Sau đó khi xe của ông Trương đang đỗ ở gần cây xăng để sửa chữa thì ông Tâm và ông Hòa đã trực tiếp đến lấy xe và mang đi trả cho Cty Hùng Đại Dương.
Trong vụ việc này, ngoài số tiền Cty Hùng Đại Dương nợ chưa trả cho ông Trương (220 triệu tiền công chở đá) thì phần tài sản là chiếc xe cẩu cũng đang tranh chấp sở hữu (ông Trương có giấy tờ chứng minh việc đã bỏ tiền mua xe cẩu và nhở Cty đứng tên để hoạt động). Phía Cty cũng cho rằng xe đứng tên mình là của mình.
Với các tranh chấp như trên, CQĐT hoặc lực lượng cảnh sát can thiệp có đúng pháp luật hay không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Đài về vấn đề này: - Khi có tranh chấp về quyền tài sản, một trong hai bên tranh chấp có quyền nhờ lực lượng cảnh sát đến hỗ trợ giải quyết tranh chấp không, thưa ông? Song, quyền can thiệp đó không phải là giúp bên này hay bên kia mà là các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột và mất trật tự trị an. Đối với tranh chấp quyền sở hữu, họ không có quyền giải quyết. - Việc lập biên bản thu giữ tài sản của công dân khi đang xảy ra tranh chấp như vậy có đúng thẩm quyền không, thưa ông? - Không cơ quan nào được phép thu giữ tài sản của công dân, trừ phi tài sản đó là tang vật của một vụ việc phạm tội bị bắt quả tang. Trường hợp hai bên có tranh chấp về quyền sở hữu dẫn đến mất trật tự trị an thì khi cơ quan chức năng can thiệp, họ chỉ có quyền lập biên bản hiện trạng về tài sản và giao cho người đang quản lý trực tiếp quản lý tài sản đó để chờ giải quyết tranh chấp. Nếu lấy tài sản của người này để giao cho người khác quản lý là vượt quá thẩm quyền, xâm phạm quyền sở hữu của công dân. Vì lực lượng cảnh sát, kể cả cảnh sát điều tra không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nên họ chỉ có quyền lập biên bản hiện trạng, chờ giải quyết theo quy định của pháp luật. - Xin cảm ơn ông! Xuân Bính
- Tranh chấp dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của lực lượng cảnh sát, kể cả cảnh sát điều tra hay cảnh sát bảo vệ trật tự xã hội tại cơ quan công an các cấp. Nếu như hai bên tranh chấp gây hấn làm mất trật tự xã hội và tình hình an ninh tại địa phương thì lực lượng cảnh sát có quyền can thiệp.