“Tổ sư bịp bợm” chế máy “giẻ rách” lừa cả Liên Hợp quốc

Chuyện James McCormick, một thương gia người Anh, bán hàng rởm cho khoảng 20 nước trên thế giới trong 10 năm nằm ngoài sự tưởng tượng của mọi người. “Tổ sư bịp bợm” này đã bị kết án tù ngày 2/5/2013.

Chuyện James McCormick, một thương gia người Anh, bán hàng rởm cho khoảng 20 nước trên thế giới trong 10 năm nằm ngoài sự tưởng tượng của mọi người. “Tổ sư bịp bợm” này đã bị kết án tù ngày 2/5/2013.

Thiết bị “dò tìm đủ thứ” bán đắt như tôm tươi

Những năm 2000, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước từng trải qua thời kỳ chiến tranh ác liệt hay đang đối diện với nạn khủng bố và buôn lậu ma túy, bị “hớp hồn” bởi một thiết bị có tên là ADE (Advanced detection equipment: Thiết bị dò tìm cao cấp) do công ty ATSC, một công ty tư nhân ở Anh, sản xuất. James McCormick là giám đốc công ty này, đồng thời cũng là người tự nhận đã sáng chế “máy thần”.

“Tổ sư” bịp bợm James McCormick
“Tổ sư” bịp bợm James McCormick

Theo quảng cáo tiếp thị của nhà sản xuất, thiết bị có thể tìm và “phát hiện đủ thứ”, từ bom, đạn, súng, ma túy, ngà voi, tiền giấy, nấm truffle (loại nấm đắt tiền mọc ngầm dưới đất) cho đến người đang lẩn trốn. Khả năng dò tìm của mays rất thần kỳ: Hoạt động hiệu quả trong khoảng 1km dưới mặt đất, 31m dưới mặt nước và 5 km từ mặt đất trở lên. Có thể dò tìm xuyên bê tông, xuyên các vật cản bằng kim loại và cơ thể người…

Mặc dù đa năng, đa dụng như vậy, nhưng cấu tạo của “máy thần” hết sức giản dị, gồm một cọng ăng ten có thể xoay chiều, gắn vào một tay nắm bằng nhựa, và vài chiếc thẻ.

Thiết bị hoạt động chẳng cần tới pin hay nguồn điện bên ngoài. Nó hoạt động nhờ vào năng lượng do chính người sử dụng máy “sản xuất” ra trước và trong khi thao tác. Trước khi sử dụng thiết bị, người dùng phải đi bộ một lúc để “sạc năng lượng” cho thiết bị, kế đó lựa một thẻ thích hợp đưa vào máy.

Theo nhà sản xuất, thẻ đóng vai trò quyết định trong việc dò tìm. Thẻ có nhiều màu khác nhau để dùng, tùy theo mục tiêu dò tìm. Nếu muốn tìm chất nổ, chọn thẻ màu cam; tìm ma túy, chọn thẻ màu xanh; tìm người, chọn màu đỏ.

Các thẻ này phải được “lập trình” trước khi đem dùng, bằng cách đặt thẻ vào một cái liễn bằng sứ cùng với chất liệu muốn dò tìm (ví dụ ma túy, chất nổ...), còn  tìm người thì thẻ phải để chung với… máu người trong một tuần. Cách làm quái lạ này được giải thích là “để thẻ hấp hơi chất muốn tìm”.

Khi dùng thiết bị, người sử dụng được chỉ dẫn phải thư giãn đầu óc và thân thể, xóa hết tạp niệm để tập trung vào việc dò tìm. Nhà sản xuất cảnh báo nếu người sử dụng thiết bị có “tâm viên, ý mã” (ý nghĩ nhảy lung tung như con khỉ, chạy loăng quăng như con ngựa, đang nghĩ chuyện này, thoắt nghĩ sang chuyện khác - PV) thì kết quả dò tìm sẽ không chính xác.

“Máy thần” càng bán nhiều, người chết cũng càng nhiều

Cấu trúc sơ sài, cách vận hành thiếu cơ sở khoa học vậy mà nhà sản xuất hét giá đến tận trời. “Máy thần” có 3 mẫu, mới và đắt nhất là mẫu ADE651. Hãy xem một vài vụ mua bán máy này để thấy người mua dám chi “bạo tay” như thế nào.  

Những máy tìm banh golf được nổ là “máy dò tìm đủ thứ”
Những máy tìm banh golf được nổ là “máy dò tìm đủ thứ”

Năm 2008, Bộ Nội vụ Iraq mua 800 máy với số tiền 32 triệu USD (bình quân 40 ngàn USD mỗi chiếc); năm 2009 mua thêm 700 máy với giá 53 triệu USD (trung bình hơn 70 ngàn USD mỗi chiếc), và sau đó mua thêm một 100 cái nữa.

Chính phủ Mexico mua một máy giá hơn 60 ngàn USD.

Sau này, trước tòa, McCormick khai đã bán sáu ngàn máy cho Iraq và một ngàn máy khác cho lực lượng quân đội và cảnh sát nhiều nước. Ông ta nói Liên Hợp quốc cũng là khách hàng, đã  mua 5 “máy thần”.  

Mc Cormick cố thuyết phục để Liên Hiệp quốc mua thêm 80 cái nữa nhưng không thành công. Danh sách khách hàng còn có quân đội Afghanistan, cảnh sát Ả rập Xê út, cảnh sát Ấn Độ, cảnh sát tuần tra biên giới Thái Lan, cảnh sát chống ma túy Bỉ, lực lượng an ninh Pakistan, quân đội Kenya...

Trang web quảng cáo cho “máy thần” khoe rằng chính phủ Jordan yêu cầu các khách sạn nước này dùng “máy thần” dò tìm bom xe hơi vào hầm đậu xe.

Một vài lý giải cho việc các nước chịu chi nhiều tiền để mua “máy thần”: Thiết bị hết sức gọn và đơn giản, khi vận hành không cần thêm sự hỗ trợ hoặc tốn kém gì thêm, tính ra đỡ tốn kém hơn sử dụng chó nghiệp vụ. Thêm nữa, nhà sản xuất “gây mê” khách hàng bằng quảng cáo, và quan trọng hơn hết, nhờ sự giúp đỡ của những “người trung gian” quyền lực và uy tín.

Đến lúc tính hiệu quả của “máy thần”. Hầu hết các chốt kiểm soát an ninh của Iraq đều sử dụng máy này để tìm chất nổ giấu trong người hay trong xe của kẻ khủng bố. Vậy mà các vụ nổ bom vẫn xảy ra làm nhiều người thiệt mạng.

Nhiều dân thường Iraq kể rằng dù họ không cất giấu vũ khí, nhưng vẫn bị “máy thần” bắt lại vì nhầm mùi thơm của dầu gội và xà phòng tắm trên người họ với mùi…bom, trong khi  kẻ khủng bố mang hay chở chất nổ qua trạm kiểm soát lại trót lọt.

Từ năm 2009, các báo Anh, Mỹ, Đức đã đăng tải thông tin liên quan tới kết quả điều tra về tính hiệu quả của “máy thần”. Đài BBC của Anh đã yêu cầu Phòng thí nghiệm máy tính của Đại học Cambridge tìm hiểu, đánh giá về thẻ  được “chương trình hóa” của máy.

Kết quả cho thấy thẻ dùng kỹ thuật như đã dùng cho thiết bị chống ăn cắp của các cửa hàng bán lẻ. Các cuộc thử nghiệm do các chuyên gia chất nổ Mỹ, Israel thực hiện trong các phòng thí nghiệm tân tiến đều kết luận không thể tin cậy vào độ chính xác của ADE  651.

Các sĩ quan cao cấp của quân đội Anh, Mỹ đóng tại Iraq cho rằng nhiều binh lính và dân thường vì tin vào “máy thần” nên phải chết oan uổng.

Đến lúc này,  chính quyền Anh buộc phải mở cuộc điều tra hình sự  đối với McCormick.

Chân dung “nhà sáng chế” McCormick.

Cuộc điều tra đã làm rõ sự thật về “nhà sáng chế” McCormick, 57 tuổi,  cựu cảnh sát viên của hạt  Somerset (Anh). Năm 1997, McCormick lập một công ty tư nhân ở Somerset, lấy tên là công ty ATSC. Khoảng năm 2001, đối tượng tình cờ nhìn thấy một dụng cụ có tên là Golffinder dùng để tìm banh trong môn thể thao golf, giá chỉ 20 USD, và nảy ra ý tưởng làm tiền với dụng cụ này.

Từ năm 2001 - 2006, ông ta mua 300 Golfinder, dán nhãn công ty của mình lên, đặt cho nó tên mới là ADE100 rồi chào bán.

Binh sĩ Iraq càng dùng “máy thần” tìm chất nổ, người chết càng nhiều
Binh sĩ Iraq càng dùng “máy thần” tìm chất nổ, người chết càng nhiều

Sau đó, McCormick chỉnh sửa máy tìm banh golf, cho ra đời “máy thần”, quảng cáo nó có chức năng dò tìm bom, bán với giá bảy ngàn USD. Rồi thêm hai mẫu nữa, ADE650, ADE651, được chào bán ra nước ngoài. McCormick cho rằng “máy thần” được tin dùng khắp nơi vì nó “chẳng bao giờ sai”. Theo ông ta, trong trường hợp máy không chính xác thì đó là do… người sử dụng không thực hiện đúng hướng dẫn.

Điều tra cho thấy giá thành sản xuất loại máy “giẻ rách” này chỉ có 250 USD. McCormick khai giá thiết bị đáng ra chỉ bán giá tám ngàn USD, nhưng thực tế bán tới giá 70 ngàn USD (gấp 280 lần giá sản xuất) vì “cộng thêm chi phí huấn luyện sử dụng thiết bị” và chi hoa hồng cho “cò”.

Trong lúc máy bị tố cáo là đồ rởm, một vị tướng lãnh đạo đơn vị chống bom thuộc Bộ Nội vụ Iraq, công khai khẳng định sự tin tưởng hoàn toàn vào máy.

Tháng 2/2011, viên tướng này bị bắt về tội tham nhũng mà tâm điểm là việc mua loại máy quái quỷ nêu trên. Vài quan chức cao cấp khác của Iraq cũng đã vào tù vì liên quan.

Tháng 1/2010, McCormick bị bắt vì bị tình nghi gian dối, lừa gạt, “máy thần” bị cấm bán sang Iraq và Afghanistan.

Ngày 23/4/2013, James McCormick bị buộc các tội vi phạm Luật chống lừa đảo 2006 của Anh và nhận án 10 năm tù trong phiên tòa ngày 2/5/2013.

Báo chí công bố nhiều ảnh về nhà cửa, du thuyền sang trọng, cho thấy cuộc sống xa hoa của “tổ sư bịp bợm”. Cảnh sát vẫn tiếp tục truy tìm tài sản do gian dối mà có của  McCormick.


Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.