Các đại biểu tham dự Hội thảo có Tiến sĩ, Luật sư Phạm Văn Đàm - Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo Luật sư Việt Nam, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Luật sư Lê Quang Y - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai; Luật sư Vũ Anh Thao - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Công chứng viên Nguyễn Thanh Đình - Trưởng ban chuyên môn, Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; Công chứng viên Nguyễn Chí Thiện - Phó Chủ tịch Hội công chứng viên Thành phố Hà Nội; Thẩm phán Đỗ Thị Thuý Hạnh - Chánh án TAND quận Bắc Từ Liêm; Thẩm phán Nguyễn Văn Lương - Chánh văn phòng TAND quận Cầu Giấy; Kiểm sát viên Đoàn Thị Vĩnh Hà - Phó viện trưởng VKSND quận Bắc Từ Liêm.
Phía Học viện Tư pháp có PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng – Phó giám đốc Học viện; TS. Vũ Thị Hòa – Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện Tư pháp, các giảng viên tham gia giảng dạy và học viên của các lớp đào tạo tại Học viện Tư pháp.
Hoạt động thực tập là một cấu phần bắt buộc trong chương trình đào tạo nghề tại Học viện Tư pháp. Tuy nhiên trong thời gian qua, việc tổ chức, triển khai và thực hiện thực tập bên cạnh những điểm đạt được, cũng bộc lộ những điểm bất cập cần phải thay đổi. Bên cạnh đó, bối cảnh xã hội, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp và giáo dục đào tạo cũng đặt ra những yêu cầu về đổi mới hoạt động thực tập trong các chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp. Vì vậy, đổi mới hoạt động thực tập tại Học viện Tư pháp trong thời gian tới là điều cần thiết, bắt buộc bởi sự phát triển của xã hội, kỹ thuật, công nghệ, của chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như yêu cầu nội tại của quá trình phát triển của Học viện Tư pháp.
Tại Hội thảo các đại biểu đã chia sẻ thực trạng hoạt động thực tập và thảo luận các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thực tập trong các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp.
Đối với chương trình đào tạo nghề luật sư, các đại biểu đề xuất giải pháp đa dạng hóa các hình thức tổ chức thực tập; Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức nhận tập sự, Luật sư hướng dẫn tập sự; Thường xuyên kiểm tra hoạt động hướng dẫn và tập sự tại các tổ chức nhận tập sự; Nâng cao ý thức học tập trong giai đoạn tập sự đối với các học viên, đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ quản lý, giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng về hoạt động thực tập; Xây dựng các quy trình hoạt động thực tế, thực tập và cơ chế, tiêu chí đánh giá khách quan và đảm bảo được chất lượng của hoạt động thực tập, không để xảy ra tình trạng thực tập mang tính hình thức hoặc kém hiệu quả; Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, nhất là sự hợp tác, phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam, Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế, các Đoàn Luật sư, các hãng luật lớn có uy tín và chất lượng, để tăng cường tiếp nhận sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện kỳ thực tập của học viên đạt hiệu quả cao trong các chương trình đào tạo nghề luật sư.
Đối với Chương trình đào tạo nghề công chứng và nghề đấu giá, các đại biểu nhất trí đề xuất cần có biện pháp thu hút các tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức đấu giá tham gia vào công tác đào tạo; Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động thực tập đồng thời nghiêm túc đánh giá kết quả hoạt động thực tập; Nghiên cứu thay thế việc đưa học viên đến thực tập tại các tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá bằng việc tổ chức hoạt động thực tập tại chỗ; Triển khai ký hợp đồng hợp tác về thực tập với một số tổ chức hành nghề công chứng và tổ chức đấu giá chuyên nghiệp có uy tín, có cơ sở vật chất tốt để liên kết chặt chẽ trong hoạt động thực tập
Đối với chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, các đại biểu đề nghị rà soát, chỉnh sửa nội dung thực tập đảm bảo thiết thực, phù hợp với thời gian thực tập và thực tiễn hành nghề; Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện phương thức thực tập trực tuyến đối với một số hoạt động thực tập tại Toà án, Viện kiểm sát, Văn phòng luật sư; Tăng cường hiệu quả của công tác theo dõi, kiểm tra, tổng kết thực tập.
Đối với chương trình đào tạo nghiệp vụ thi hành án và đào tạo nghề thừa phát lại, các đại biểu cho rằng để nâng cao hiệu quả hoạt động thực tập trong Chương trình đào tạo nghiệp vụ thi hành án và đào tạo nghề Thừa phát lại Học viện Tư pháp cần nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp giữa Học viện Tư pháp với cơ quan thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại; Cần đa dạng hoá phương thức đánh giá kết quả thực tập; Nghiên cứu tăng cường hoạt động giám sát đối với quá trình thực tập của học viên; Điều chỉnh mức chi kinh phí cho hoạt động tiếp nhận và hướng dẫn thực tập này theo hướng đảm bảo công sức lao động mà người hướng dẫn thực tập bỏ ra khi thực hiện công việc đã cam kết với Học viện Tư pháp.
Thay mặt Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Tư pháp, PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng ghi nhận những đề xuất của các đại biểu trong Hội thảo và cho biết sẽ nghiên cứu triển khai các giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả của hoạt động thực tập nói riêng và chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp nói chung.