Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Bình cho rằng, lập lại kỷ cương quản lý ngoại hối, cũng như từng bước thu hẹp và tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, phải giải quyết được các nguyên nhân khách quan và các nguyên nhân chủ quan…
Ngoại tệ chợ đen – có luật nhưng “quản” chưa nghiêm
“Từ trước đến nay pháp luật quản lý ngoại hối của nước ta luôn nghiêm cấm việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do; việc thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam; việc niêm yết giá cả hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ… Thế nhưng trong thời gian qua thị trường ngoại tệ tự do ngày càng trở nên sôi động, trắng trợn hoạt động bất chấp pháp luật…”- ông Bình thừa nhận.
Nguyên nhân khách quan được chỉ ra là trong thời gian qua, tình hình kinh tế vĩ mô không vững chắc, lạm phát luôn ở mức cao, VND mất giá liên tục… Điều này làm cho niềm tin của người dân vào giá trị VND bị giảm sút, tâm lý tiết kiệm và nắm giữ ngoại tệ, vàng gia tăng. Bên cạnh đó, giá vàng quốc tế tăng mạnh và biến động thất thường vượt quá khả năng dự báo. Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý thị trường làm chưa tốt, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra NHNN chưa chặt chẽ và thường xuyên; thêm vào dó, các chế tài xử lý còn bất cập, không còn phù hợp với tình hình mới, tính răn đe không cao; chưa có chế độ đãi ngộ và khen thưởng hợp lý để kịp thời động viên và tạo điều kiện làm việc cho các lực lượng quản lý thị trường…Theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP, NHNN sẽ phối hợp chặc chẽ với Bộ Công an, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các qui định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng. Ban hành qui định về chế tài xử lý vi phạm, kể cả đình chỉ, rút giấy phép hoạt động, thu tài sản, qui định khen thưởng đối với việc phát hiện các hành vi vi phạm hoạt động thu đổi, mua bán ngoại tệ, vàng. Xử lý nghiêm theo pháp luật đối với hành vi cố tình vi phạm..
Vàng - Vẫn lùng bùng chức năng quản lý
Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP, NHNN sẽ kiểm soát chặc chẽ hoạt động kinh doanh vàng, trong quý II/2011 trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới… |
Trái với ngoại tệ, cái khó trong quản lý hoạt động SXKD vàng là chức năng QLNN về vàng còn bị phân tán, do đó tạo ra nhiều kẽ hở trong quản lý. Theo qui định tại Luật NHNN, NHNN có chức năng quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhưng theo các qui định hiện hành, NHNN chỉ có chức năng quản lý về vàng đối với các hoạt động XNK vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng; hoạt động sản xuất vàng miếng; hoạt động huy động và cho vay bằng vàng của các TCTD; quản lý vàng trong dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tất cả các hoạt động khác như: mua bán, sản xuất, gia công vàng trang sức; XNK vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh vàng miếng trên thị trường đều không do NHNN quản lý mà được cấp phép từ Sở KH&ĐT tỉnh, thành phố; quản lý thị trường của Bộ Công Thương; XNK qua hải quan của Bộ Tài chính; quản lý chất lượng của Bộ KH&CN.
Ông Bình dẫn chứng, hiện có 8 DN KD vàng được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng. Riêng vàng miếng của Công ty Vàng bạc đá quí Sài Gòn SJC chiếm trên 80% thị phần vàng miếng cả nước và được một số thị trường vàng quốc tế có uy tín chấp nhận. “Như vậy, vàng miếng SJC hầu như có đầy đủ các chức năng của một đồng tiền thứ hai trên lãnh thổ Việt Nam: thước đo giá trị, phương tiện cất trữ, phương tiện thanh toán, tự do lưu thông, chuyển đổi, mua bán.
Đã là tiền tệ thì phải là hàng hóa đặc biệt do Ngân hàng Trung ương quản lý từ khâu phát hành đến lưu thông. Hơn nữa, nước ta không phải là một nước sản xuất vàng, số vàng có được đều có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài và có tính chuyển đổi ra ngoại tệ rất cao. Như vậy, vàng miếng còn là ngoại tệ mà ta có cả chế độ quản lý ngoại hối trong khi đó pháp luật hiện hành của ta coi vàng miếng là hàng hóa thông thường, lưu hành như mọi hàng hóa khác…”- ông Bình phân tích.
Tô Tô