Hôm qua (28/3), TAND một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phạt nữ bị cáo 22 tuổi này mức án 20 năm tù về tội Giết người; buộc bồi thường cho bị hại gần 400 triệu đồng.
Hồ sơ vụ án cho thấy, cuối 2021, mẹ cô gái “vay nóng” khoản tiền 5 triệu đồng của một nhóm người, sau đó đã trả đủ gốc, lãi. Tuy nhiên, đến tháng 4/2022, nhóm cho vay vẫn gọi điện thoại, yêu cầu bà đóng tiền phạt do trả lãi chậm 10 ngày, mỗi ngày 500 ngàn đồng.
Khi gia đình không đồng ý, liên tiếp những ngày sau đó, nhóm cho vay kéo đến nhà chửi bới, đe dọa đòi tiền. Tối 1/5/2022, được gia đình báo nhóm cho vay tiếp tục đến “khủng bố”, cô gái khi ấy mới 21 tuổi, rời chỗ làm, mang theo dao bấm, trở về.
Tại nhà, cô gái gặp nam thanh niên 21 tuổi, quê Hải Phòng, đi cùng một người khác. Thấy cô gái gọi điện thoại báo cảnh sát, hai người đến đòi nợ dắt xe bỏ đi, nhưng bị gia đình cô gái chốt cửa giữ lại.
Giữa lúc hai bên giằng co, cô gái từ trong nhà lao ra, cầm dao tấn công nam thanh niên 21 tuổi. Nạn nhân mở cửa chạy ra ngoài được 20m thì ngã gục, tử vong.
Tại phiên tòa, cô gái cho biết rất hối hận. Cô bực tức vì sự vô lý của nhóm cho vay nên hành động nông nổi, mong tòa giảm nhẹ hình phạt. HĐXX nhận định hành vi của cô gái rất nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp tước đoạt mạng người, nên tuyên mức án 20 năm tù. Riêng dấu hiệu cho vay lãi nặng của nhóm đòi nợ, CQĐT đang tiếp tục xem xét.
Bản án sơ thẩm đã tuyên căn cứ quy định pháp luật, lúc này chỉ cấp thẩm quyền luật định mới có quyền phán xét đúng, sai. Nhưng xét về mặt xã hội, thì có thể nói vụ án trên không chỉ có một nạn nhân.
Cô gái bị cáo trong vụ án, cũng là một nạn nhân của sự ức hiếp vô lý ngang ngược từ nhóm đối tượng cho vay nặng lãi. “Con giun xéo lắm cũng quằn”, khác với 99% trường hợp khác khi gia đình rơi vào tình huống này, cô có thể sẽ khóc lóc, van xin hoặc chấp nhận trả tiền. Nhưng như cô tự nhận mình “nông nổi”, cô đã phản kháng sai luật và sẽ phải chôn vùi tuổi thanh xuân trong trại giam để trả giá. Đó là điều vô cùng đáng tiếc.
Gia đình cô gái, có thể cũng là một nạn nhân của tâm lý thích tiêu dùng, “xài trước, trả sau”. Khoản tiền 5 triệu đồng, so với mặt bằng chung xã hội, không phải là khoản tiền quá lớn; mà phải dính đến “tín dụng đen”; để rồi dẫn đến hậu họa chết người, tù tội. Giá như gia đình cô cân nhắc trước khi vay, đặc biệt là với các đối tượng cho vay “cắt cổ”; hoặc bớt ham muốn tiêu dùng lại, đừng vay nữa; thì đã không có hậu quả đau đớn này xảy ra.
Tiêu dùng, nếu vừa mức, trong khả năng kinh tế; thì rất tốt cho bản thân và xã hội, còn có tác dụng kích thích nền kinh tế phát triển. Nhưng tiêu dùng kiểu bất chấp, không nghĩ đến khả năng trả nợ, không nghĩ đến hậu họa, thì sẽ biến thành “tiêu tùng”, “tiêu đời”. Vụ án là một minh chứng cực kỳ rõ ràng cho quy luật nêu trên.