Nghiên cứu thực tiễn thi hành Chương IX (HĐND và UBND) trong Hiến pháp năm 1992, sáng qua (4/1), tại Hội nghị tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, TP.Hà Nội kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường quyền lực của HĐND, phân biệt rõ chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, ban hành Luật Thủ đô để “tạo cơ sở pháp lý cần thiết thực hiện qui hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, phát triển Thủ đô theo các chính sách, cơ chế đặc thù”…
TP.Hà Nội kiến nghị sửa đổi Điều 144 Hiến pháp năm 1992 để tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành Luật Thủ đô (Trong ảnh: Hồ Hoàn kiếm) |
Được trao nhiều quyền nhưng lại không thực quyền
Thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn TP.Hà Nội đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, khi Hiến pháp 1992 chưa đề cập vấn đề phân quyền theo chiều dọc trong mối quan hệ giữa trung ương và địa phương.
HĐND được trao nhiều thẩm quyền quan trọng nhưng quyền hạn lại rất hạn chế hoặc không sử dụng hết và sử dụng hình thức quyền năng của mình. Nhiệm vụ, thẩm quyền của HĐND, UBND các cấp theo Hiến pháp, các Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 chưa thể hiện và đáp ứng được yêu cầu quản lý đối với đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn…
Thực tế hiện nay đang có xu hướng sử dụng cơ chế hành chính một chiều từ trên xuống để giải quyết các tranh chấp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong hệ thống chính quyền các cấp.
Theo đó, cơ quan hành chính cấp trên sẽ tự phán quyết các tranh chấp về thẩm quyền giữa mình và cấp dưới. Cơ chế hành chính (thường dựa vào lý do “bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước” hoặc dựa vào nguyên tắc mệnh lệnh, phục tùng của luật hành chính) này đang thay cho cơ chế tài phán hiến pháp phổ biến trong mô hình nhà nước pháp quyền (NNPQ), đã dẫn đến tình trạng chồng chéo trong quản lý nhà nước, chính quyền địa phương có nhiều nơi, nhiều lúc lạm dụng quyền lực hoặc thẩm quyền không ổn định.
Nguyên nhân của những tình trạng đó là do Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và các văn bản liên quan thiếu qui định về chế độ trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp, thành viên của HĐND các cấp; chưa có chế định qui định sự khác nhau về địa vị pháp lý, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nên chưa có nhiều cơ chế đặc thù; thiếu các qui phạm đề cập đến cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung dẫn đến hiệu quả thấp và năng lực quản lý nhà nước yếu trong hoạt động của các cơ quan công quyền; chậm được tiến hành sửa đổi, bổ sung nên hạn chế đến tiến trình cải cách, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, trung ương…
Phân biệt rõ chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn
Với “lợi thế” có thực tiễn trong quản lý chính quyền đô thị, nhất là ở Thủ đô, TP.Hà Nội kiến nghị tiếp tục kế thừa qui định về bản chất nhà nước ta là “NNPQ XHCN, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”, giữ nguyên qui định của Hiến pháp năm 1992 về “HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước” nhưng phải tăng chức danh hoạt động chuyên trách, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của HĐND nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đồng thời, sửa đổi một số điều trong Hiến pháp 1992 để qui định những định hướng cơ bản về tổ chức chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, làm rõ hơn thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan hành chính cũng như đánh giá việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại một số tỉnh, thành phố thời gian qua, tạo điều kiện phù hợp cho việc thực hiện xem xét bố trí mô hình tổ chức của UBND, HĐND ở khu vực đô thị cho phù hợp.
Đặc biệt, TP.Hà Nội kiến nghị sửa đổi Điều 144 Hiến pháp năm 1992 để tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành Luật Thủ đô – đạo luật cần thiết góp phần xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay đối với Thủ đô, khắc phục bất cập, hạn chế trong qui hoạch, đầu tư, xây dựng quản lý và phát triển Thủ đô. Đồng thời tăng cường sự quản lý của các cơ quan Nhà nước các cấp và sự giám sát của Quốc hội, nhân dân và các cơ quan tổ chức liên quan đối với hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Bí thư Thành ủy TP.Hà Nội Phạm Quang Nghị: “Việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 phải có bước đi vững chắc, tuần tự. Trên cơ sở đó, đề xuất những nội dung sửa đổi, tập trung vào các vấn đề: địa vị pháp lý của Thủ đô Hà Nội; mô hình chính quyền đô thị; xây dựng và đề nghị các chính sách đặc thù phát triển Thủ đô để phục vụ cho cả nước vì Thủ đô là của cả nước; mô hình tổ chức bộ máy chính quyền sắp tới, đặc biệt về tổ chức HĐND; xây dựng cơ chế bảo hiến (Tòa án Hiến pháp)…, giải quyết được những vấn đề thực tiễn của đất nước”. |
Huy Anh