Tiếng nói của trẻ em về những vấn đề 'nóng'

Các đại biểu trẻ em tham gia Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần II. (Ảnh: T.Ư Đoàn)
Các đại biểu trẻ em tham gia Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần II. (Ảnh: T.Ư Đoàn)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khuôn khổ Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II năm 2024, 306 đại biểu thiếu nhi đã tham gia phiên thảo luận ở 12 tổ và chia sẻ nhiều ý tưởng sáng tạo về chủ đề “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” và “Phòng, chống bạo lực học đường”. Các em đại diện cho hàng triệu trẻ em cả nước đã đưa ra những vấn đề đang hiện hữu trong môi trường học đường của các em…

Trẻ em bắt chước người lớn hút thuốc

Một con số thống kê cho thấy, chỉ sau 5 năm (2015 - 2020), tỉ lệ người trưởng thành (15 tuổi trở lên) sử dụng thuốc lá điện tử tăng 18 lần, từ 0,2% lên 3,6%. Theo nghiên cứu tại 11 tỉnh, thành phố, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 15 tuổi tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Bên cạnh đó, chỉ trong năm 2023 đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.

Tại tổ thảo luận số 12 của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần II - năm 2024, Đại biểu trẻ em Hoàng Hà Linh (Đoàn Hà Giang) cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh hút thuốc lá điện tử như thiếu bản lĩnh, muốn tìm thú vui mới lạ, chứng tỏ bản thân trưởng thành, bắt chước người lớn, việc mua bán dễ dàng…

Đại biểu Trần Bảo Châu (Đoàn Hà Nam) nhận định, chính các quảng cáo thuốc lá điện tử “an toàn hơn” thuốc lá truyền thống, nhiều hương vị đa dạng, thiết kế bắt mắt thu hút thanh, thiếu niên. Ngoài giáo dục, truyền thông về tác hại, cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ quảng cáo bán thuốc lá điện tử, siết chặt kiểm tra độ tuổi người mua.

Cụ thể hơn, Đại biểu Lê Hoàng Nguyên (Vĩnh Long) nêu giải pháp xác minh người mua bằng dấu vân tay, Face ID (nhận diện khuôn mặt) để tránh trẻ mượn căn cước công dân của người lớn để mua thuốc lá điện tử. Với tranh luận con có thể lợi dụng lúc cha mẹ ngủ để lấy trộm vân tay, Lê Hoàng Nguyên đề xuất có thể thêm mã định danh nếu hai giải pháp kia thất bại. Về lâu dài, theo Đại biểu, cơ quan công an cần làm rõ hơn việc có thực sự các hàng quán, siêu thị chỉ bán thuốc lá cho người lớn hay bán cho cả trẻ em để xử lý nghiêm…

Đại biểu Nguyễn Ngọc Diệp (Đoàn Bình Định) nêu ý kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông phải kiểm soát quảng cáo, thông tin về thuốc lá điện tử. Các Bộ Công an, Công Thương cấm bán thuốc lá, chất kích thích gần trường học, khu dân cư, trung tâm thương mại, thậm chí tăng thuế.

Ở tổ thảo luận số 5, Đại biểu Lê Huyền Trang (Đoàn TP HCM) nêu quảng cáo thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất kích thích công khai cả trên mạng xã hội, nhắm đến người trẻ như học sinh. Để hấp dẫn người mua, nhiều loại có mùi vị gây tò mò như vani, gà rán...

Đại biểu Hà Minh Dũng đến từ Thái Nguyên đề xuất, học sinh cần được trang bị kỹ năng sống để tự bảo vệ mình trước những cám dỗ từ xã hội. Các em cần học cách từ chối trước những lời mời gọi không lành mạnh. Điều này đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ từ cả gia đình và nhà trường. Phụ huynh nên thường xuyên quan tâm, trò chuyện với con em mình, không chỉ về vấn đề học tập mà còn về các mối quan hệ xã hội và những thay đổi tâm lý trong quá trình trưởng thành.

Đại biểu Biện Nguyễn Khôi Nguyên, đến từ Hà Tĩnh đề xuất các biện pháp xây dựng môi trường không khói thuốc, cấm buôn bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên và tăng thuế đối với ngành công nghiệp thuốc lá và rượu, bia. Ngoài ra, nhà trường có thể phát triển một trò chơi mô phỏng hoặc mô hình trình diễn bằng kính thực tế ảo, giúp học sinh hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá và các chất kích thích.

Phản biện lại, Đại biểu Đinh Thu Trà (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, đây là giải pháp không phải trường học nào cũng làm được. Theo Đại biểu này, việc tuyên truyền tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử không chỉ cho học sinh, trẻ em mà cả người lớn. Chính người lớn hằng ngày hút thuốc lá, khiến trẻ em học theo. Nhìn người lớn hút, trẻ em sẽ nghĩ không có hại hoặc hút thuốc để chứng minh mình đã lớn…

Đại biểu Trần Lê Hà Vy (lớp 8A2, Trường THCS Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vào vai Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông giả định cho biết, Vy đã từng bắt gặp hình ảnh các bạn học sinh sử dụng thuốc lá điện tử như một thói quen. Em biết rằng bạn mua thuốc lá điện tử từ các anh chị khối trên và sử dụng với lý do theo phong trào.

Sau sự việc trên, Vy đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong nhà trường, nổi bật như phân vai xử lý tình huống, đặt các bạn vào vai trong chính trong câu chuyện để hiểu và biết thêm nhiều kiến thức. Mỗi nhóm sẽ xây dựng một sơ đồ tư duy về vấn đề phòng, chống thuốc lá điện tử và chất kích thích...

Vy cho rằng, nếu khó để kiểm soát người mua, chúng ta sẽ kiểm soát người bán. Theo đó, người bán bắt buộc phải yêu cầu người dùng cung cấp căn cước công dân đủ 18 tuổi trước khi mua những mặt hàng tương tự. Tiếp theo, Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo các ứng dụng mạng xã hội tăng cường giám sát, rà soát các hình ảnh trước khi người dùng đăng tải, hạn chế hết mức có thể hình ảnh xấu trên không gian mạng…

Mạng xã hội gây ra những lệch lạc về nhận thức

Các đại biểu trẻ em tại phiên thảo luận Tổ. (Ảnh: PV)

Các đại biểu trẻ em tại phiên thảo luận Tổ. (Ảnh: PV)

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối của cả xã hội. Những vụ việc ngày càng gia tăng tại các trường học với mức độ nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2022 - 2023 có đến 1.250 vụ việc với hơn 3.473 học sinh vi phạm, chưa kể những vụ việc chưa được thống kê trên thực tế. Đặc biệt, những vụ việc ngày càng trẻ hoá về độ tuổi và xảy ra với cả trẻ em khuyết tật, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Đại biểu Võ Hoàng Bảo Ngọc đến từ tỉnh Bình Thuận đã chỉ ra rằng, sự kỳ thị về khác biệt ngôn ngữ là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng bất hòa trong trường học. Để giải quyết vấn đề này, em đề xuất nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động tập thể, giúp các bạn học sinh hiểu rõ hơn về sự đa dạng văn hóa và cùng nhau vượt qua những khác biệt.

Bên cạnh đó, việc giáo dục học sinh về khó khăn của các bạn dân tộc thiểu số sẽ góp phần tạo ra một môi trường học tập đoàn kết, chia sẻ. Quốc hội cũng cần tiếp tục có thêm những chính sách cụ thể để hỗ trợ các vùng đồng bào dân tộc, giúp các bạn có cơ hội phát triển ngang bằng với các bạn khác.

Đại biểu Nguyễn Dương Khánh Hà đến từ Hải Dương cũng cho rằng, học sinh dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật thường là những đối tượng dễ bị bắt nạt và kỳ thị nhất. Ngoài việc bị đánh, các bạn học sinh còn bị bắt nạt bằng lời nói, thường xuyên bị chế giễu và xúc phạm về những điểm khác biệt của mình. Điều này để lại những tổn thương sâu sắc về tâm lý cho các nạn nhân.

Để giải quyết vấn đề này, Khánh Hà đề xuất nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến bạo lực học đường. Cùng đó, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa và rèn luyện thể chất sẽ giúp học sinh gắn kết với nhau hơn, từ đó giảm thiểu tình trạng bắt nạt. Gia đình cũng cần dành thời gian quan tâm, chia sẻ và động viên con cái, giúp các em hình thành tính cách tốt đẹp, sẻ chia và đồng cảm với những bạn khó khăn.

Ngoài vấn đề bạo lực diễn ra tại trường học, bạo lực mạng cũng đang trở thành một vấn đề đáng báo động. Việc sử dụng mạng xã hội để công kích, đe dọa, thậm chí là quay video đăng tải hình ảnh người khác đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến một số học sinh bị tổn thương về tâm lý, dẫn đến trầm cảm và muốn bỏ học.

Đại biểu Võ Hoàng Bảo Ngọc đến từ tỉnh Bình Thuận cho biết, thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra khá phổ biến ở địa phương em sinh sống. Công nghệ 4.0, vốn được cho là công cụ hỗ trợ học tập, lại đang bị lợi dụng để thực hiện hành vi bạo lực học đường. Bên cạnh việc đăng tải hình ảnh, video làm nhục người khác, các hình thức bạo lực mạng khác còn bao gồm: tung tin đồn thất thiệt, lập các trang nhóm nói xấu, kích động bạo lực, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Theo em Nguyễn Ngọc Trúc Ly đến từ Hải Dương, để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, gia đình cần quan tâm, lắng nghe và tạo không gian để trẻ chia sẻ những khó khăn. Cùng đó, nhà trường nên thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình của con em, thành lập các ban đại diện phụ huynh để tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia vào công tác quản lý lớp học, đồng thời tổ chức các buổi tập huấn để trang bị cho phụ huynh những kiến thức cần thiết về phòng, chống bạo lực học đường. Đồng thời, tích hợp các chương trình giáo dục về kỹ năng sống vào chương trình học là cần thiết, nhằm trang bị cho học sinh khả năng tự giải quyết xung đột một cách khéo léo và hợp lý.

Điều đáng nói, trong các giải pháp để ngăn ngừa, đẩy lùi bạo lực học đường, các em đề cập tới việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.

Chú trọng xây dựng văn hoá học đường. Triển khai hiệu quả mô hình “Trường học hạnh phúc” và phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”. Đề cao trách nhiệm nêu gương của thầy, cô giáo. Bố trí chuyên gia tư vấn tâm lý học sinh. Nâng cao hiệu quả các mô hình hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực. Ban hành Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong năm 2025. Triển khai các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn, lọc các thông tin, hình ảnh có tính chất bạo lực trên không gian mạng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc trẻ trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc; quan tâm, đồng hành cùng trẻ em trong phòng, chống bạo lực học đường.

Đọc thêm

Nữ chiến sĩ trên mặt trận không gian mạng và sứ mệnh thời 4.0

Chương trình “Nâng bước chân em tới trường” hỗ trợ xe đạp cho học sinh khó khăn. (Ảnh trong bài: Trung tâm 586)
(PLVN) - Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, phụ nữ không chỉ là những người “giữ lửa” hạnh phúc gia đình mà còn là chiến sĩ quả cảm trên các mặt trận đầy cam go, bao gồm cả tác chiến không gian mạng. Với bản lĩnh kiên cường, trí tuệ sắc bén và tinh thần nhân ái, họ luôn khẳng định vai trò tiên phong, đóng góp vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng hình ảnh đẹp đẽ của “Bộ đội Cụ Hồ” thời đại mới.

Lan tỏa niềm tin, dựng 'thế trận lòng dân' trong kỷ nguyên số

Thượng tá Trần Quang Huy, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung tâm 586 trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới tỉnh Sơn La. (Ảnh: Trung tâm 586)
(PLVN) - Cùng với công tác dân vận mang tính truyền thống, công tác dân vận trên Internet và mạng xã hội đang trở thành vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự nhạy bén và sáng tạo. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị của những chiến sĩ tác chiến không gian mạng mà còn là sứ mệnh xây dựng cầu nối niềm tin giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Những thầy giáo quân hàm xanh miền biên viễn

Một buổi lên lớp của Đại úy Lò Văn Thoại. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - Nơi cuối trời Tây Bắc, có những người lính đi cả ngày, cả buổi đến “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và dạy chữ cho bà con. Khi biết đọc, biết viết, đồng bào biết tránh xa các cạm bẫy xấu, các tệ nạn và nạn tảo hôn, biết làm ăn để đời sống ngày một no ấm…

Vực dậy sau khủng hoảng sự nghiệp

Thất bại trong quá khứ có thể trở thành một “cú hích” cho sự đột phá trong sự nghiệp, nếu biết chấp nhận và đổi thay. (Ảnh: AT)
(PLVN) - Khủng hoảng trong công việc, sự nghiệp là điều mà rất nhiều người có thể gặp phải trong giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua. Đây không chỉ là cú sốc về mặt tài chính mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, giá trị bản thân và cảm hứng sống. Nhưng chính những giai đoạn gian nan ấy là cơ hội để mỗi người tìm lại chính mình và tái sinh mạnh mẽ hơn.

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Dự báo vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: nchmf.gov.vn
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, trên biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới, trong khi đó khu vực Trung và Nam Trung Bộ sắp đón đợt mưa vừa, mưa to.

Bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu quân nhân ở Bình Định

Đại tá Nguyễn Văn Thành trao bảng biểu trưng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho vợ chồng ông Bản.
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định vừa phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu quân nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Quảng Ninh hội thảo thúc đẩy động lực tăng trưởng phát triển kinh tế di sản

Quang cảnh buổi hội thảo
(PLVN) - Ngày 21/12, tại huyện Vân Đồn, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”.