Từ nhà thương Cống Vọng nhỏ bé chuyên để thu nhận và điều trị bệnh nhân truyền nhiễm được thành lập năm 1911, đến một trong những bệnh viện lớn nhất của Việt Nam, bệnh viện đầu tiên cả nước được nhận danh hiệu “Bệnh viện đặc biệt”, đảm nhiệm trọng trách khám chữa bệnh tuyến cuối của ngành y tế; là một quãng đường cố gắng rất dài, có thể dài gấp mấy lần đời người; là công sức của biết bao thế hệ y, bác sĩ.
Bạch Mai còn gắn với những ký ức lịch sử bi tráng. Năm 1972, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bốn lần máy bay B52 Mỹ ném bom hủy diệt Bệnh viện, 28 cán bộ y tế của Bệnh viện đã anh dũng hy sinh trong khi đang cứu chữa bệnh nhân. Năm 2020, dịch Covid-19 cũng đã tấn công những “chiến sỹ áo trắng” đang trong cuộc chiến cứu người – phòng chống dịch bệnh; khiến các y, bác sỹ phải chịu cảnh bị phong tỏa nhiều ngày. Ghi nhận công lao của Bạch Mai, Nhà nước đã hai lần trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bệnh viện.
Còn có một “huân chương” cao quý không kém dành cho Bạch Mai, là “huân chương” trong lòng dân. Nhắc đến Bạch Mai, rất nhiều cá nhân gia đình biết ơn những thầy thuốc đã tận tình cứu chữa cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân thoát khỏi cửa tử. Nếu đi một số bệnh viện tỉnh, thành sẽ thấy nếu chọn khám bệnh theo yêu cầu, đôi lúc sẽ nhận được giới thiệu “hôm nay có bác sỹ Bạch Mai về khám”, hoặc “bác sỹ từng công tác tại Bạch Mai”… Thế mới thấy uy tín của những y, bác sỹ đã công tác tại Bạch Mai được trân quý, tôn trọng thế nào; sự tự hào của những người công tác tại Bệnh viện danh tiếng này như thế nào.
Thế nên ai cũng bất ngờ khi được biết vừa có một “làn sóng” xin nghỉ việc tại Bạch Mai. Theo báo cáo, từ 1/2/2020 đến cuối tháng 3/2021, Bệnh viện có 221 người thôi việc, chuyển công tác. Trong số này, 113 người là lao động phổ thông làm việc tại các đơn vị dịch vụ, nhà thuốc, tang lễ..., 28 bác sĩ (10 người có trình độ tiến sĩ, 1 người có học hàm phó giáo sư).
Về nguyên nhân của tình trạng này, lãnh đạo Bệnh viện cho biết giai đoạn đầu thực hiện đề án thí điểm tự chủ (2020-2021), Bệnh viện gặp nhiều khó khăn về tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động, tác động của dịch Covid-19 và đặc biệt là khó khăn về nguồn tài chính. Số bệnh nhân nội trú giảm trung bình từ 3.200 xuống còn hơn 1.000, bệnh viện luôn hoạt động dưới công suất...
Tổng doanh thu của Bệnh viện Bạch Mai năm 2020 giảm gần 2.000 tỷ đồng (tương đương 26%). Bệnh viện đã áp dụng mọi chính sách hỗ trợ cán bộ, viên chức để bình ổn thu nhập. Tuy nhiên, tình hình chưa được cải thiện nhiều.
Còn có lý do xu thế một số cơ sở y tế tư nhân quy mô vừa vào nhỏ ngày càng phát triển nhanh, mạnh với những chính sách hấp dẫn, thu hút nhân lực chất lượng cao. Điều này dẫn đến tình trạng chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang khu vực tư nhân.
Chưa hết, tâm lý một số cán bộ nhân viên bị ảnh hưởng nhiều, khi xảy ra một số hoạt động thanh kiểm tra, phát hiện một số sai sót trong quá khứ khi điều hành quản lý khiến một số cán bộ vào vòng lao lý.
Dù đại diện Bệnh viện khẳng định việc hơn 200 nhân viên y tế nghỉ việc không phải bất ổn. Việc này mang đến sự tinh gọn, hiệu quả để Bệnh viện vận hành dịch vụ tốt hơn, phù hợp cơ chế tự chủ. Và Bạch Mai cũng vừa tuyển dụng 506 người mới, trong đó có nhiều bác sĩ trình độ cao. Thế nhưng cũng không thể coi thường “dấu hiệu”. Chính phủ và các bộ, ngành cần lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Bạch Mai, để có những quyết sách phù hợp, để Bạch Mai luôn là bệnh viện hạng đặc biệt, là tuyến cuối, là đơn vị chủ lực trong hoạt động khám chữa bệnh của ngành Y tế; xây dựng Bạch Mai trở thành Trung tâm Y học hàng đầu của Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.
Và trên hết, chính bản thân những y, bác sỹ của Bạch Mai cũng cần phải xốc lại tinh thần, xốc lại quyết tâm, như đã vượt khó trong hàng trăm năm lịch sử. Xin gửi chia sẻ động viên chân tình nhất đến những chiến sỹ áo trắng Bạch Mai.