Trình bày báo cáo tình hình kinh tế, xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011 trước Quốc hội vào sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mặc dù sau khủng hoảng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhưng kinh tế nước ta đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá cao.
GDP cả năm 2010 tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 2,6%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%, dịch vụ tăng 7,5%. Với kết quả này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn năm năm 2006 – 2010 đạt khoảng 7%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.160 USD.
Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội sáng nay. |
Báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội cho thấy, cả năm tạo được khoảng 1,6 triệu việc làm, đào tạo nghề cho hơn 1,7 triệu người. Công tác giảm nghèo, nhất là ở 63 huyện nghèo nhất được triển khai đồng bộ với các giải pháp trợ giúp thiết thực cả về sản xuất và đời sống.
Bên cạnh việc đưa GDP vượt mục tiêu đề ra (6,5%), Chính phủ cho biết các cân đối lớn của nền kinh tế cũng cơ bản được giữ ổn định. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 12% so với dự toán, góp phần đưa mức bội chi xuống dưới 6%.
Tính đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ ước tương đương 44% GDP, nợ nước ngoài đạt 42,2% GDP trong khi nợ công của toàn nền kinh tế đã xấp xỉ 56,7% GDP. Các khoản nợ này đều cao hơn so với số liệu được Chính phủ cung cấp cho Thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 9. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, các khoản nợ nói trên đều trong ngưỡng an toàn.
Chính sách tiền tệ đã góp phần tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, cơ bản đảm bảo được các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 25%. Tỷ giá được điều hành linh hoạt hơn theo nguyên tắc thị trường, thực hiện điều hành lãi suất cho vay theo cơ chế thỏa thuận và theo hướng giảm dần, tăng cường giám sát bảo đảm an toàn các tổ chức tín dụng; Kiểm soát nợ xấu dưới 3%.
Liên quan đến hoạt động thời gian qua của Vinashin, Thủ tướng cho biết, tình trạng hiện nay của Vinashin chủ yếu do sự yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo tập đoàn. Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý chủ sở hữu.
Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của Tập đoàn Vinashin. Đến nay, Chính phủ cũng đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Việt Hưng