Mặc dù được đánh giá là Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, tuy nhiên, có không ít ý kiến chuyên gia cho rằng, việc triển khai Nghị quyết 48/NQ-TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam cũng mang tính “nhiệm kỳ” và có biểu hiện “khoán trắng” cho cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan liên quan.
Lần đầu tiên có chiến lược dài hạn
Với Nghị quyết 48, lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược dài hạn với những bước đi và giải pháp tương đối cơ bản cho việc xây dựng và thực thi pháp luật.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, Nghị quyết 48 đã tạo ra những chuyển biến quan trọng về nhận thức đối với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật |
Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế.
Nghị quyết cũng hướng tới việc xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2010.
Kết quả thấy rõ ngay là trong giai đoạn 2005 – 2009, hoạt động xây dựng pháp luật đã có những tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn 2000 – 2005.
Chỉ riêng năm 2005, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 33 dự án Luật, pháp lệnh; năm 2006 thông qua 23 luật, pháp lệnh; năm 2007 thông qua 17 luật, pháp lệnh; năm 2008 thông qua 26 luật, pháp lệnh; năm 2009 thông qua 20 luật, pháp lệnh.
Việc đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng mang lại nhiều kết quả quan trọng. Số lượng các pháp lệnh do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành giảm hẳn so với trước đây. Các đạo luật ngày càng giữa vị trí trung tâm, trực tiếp điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Đối với Chính phủ, để thực hiện tốt hơn chức năng tổ chức thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về thi hành pháp luật với nhiệm vụ theo dõi chung về thi hành pháp luật và đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương theo dõi việc thi hành pháp luật để định kỳ báo cáo Chính phủ, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án về theo dõi thi hành pháp luật làm cơ sở cho việc triển khai một cách hiệu quả công tác này trong năm 2010 và những năm tiếp theo.
Tại Hội nghị góp ý cho dự thảo báo cáo của Chính phủ về việc sơ kết thực hiện Nghị quyết số 48 tổ chức ngày 22/7, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá: “Nghị quyết 48 không chỉ đề ra những giải pháp đột phá cho những vấn đề bức xúc cần giải quyết ngay mà còn xây dựng được một hệ thống giải pháp mang tính chiến lược lâu dài cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho rằng: “Nghị quyết 48 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật trong đời sống xã hội, những chuyển biến tích cực của những cơ quan, cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, trong ý thức pháp luật của người dân, doanh nghiệp”.
Vấn đề đặt ra là hiệu quả từ việc triển khai đã tương xứng với những mục tiêu và lộ trình mà Nghị quyết 48 đề ra hay chưa?
Đã không có Ban Chỉ đạo
Từ thực tế sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 48 cả ở trung ương và địa phương, dự thảo Báo cáo của Chính phủ về vấn đề này cho rằng: “Nhìn chung, việc triển khai Nghị quyết 48 và Kế hoạch 900 còn mang tính “nhiệm kỳ” và “khoán trắng cho cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan liên quan”.
Điều này thể hiện ở cả cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội.
Ban Chỉ đạo quốc gia đã không được thành lập như yêu cầu của Nghị quyết 48.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng các Bộ, ngành, địa phương chưa làm tròn trách nhiệm đối với Nghị quyết 48 |
Trách nhiệm chỉ đạo triển khai Nghị quyết sau này được giao cho Đảng đoàn Quốc hội. Do vậy, sau khi Nghị quyết được ban hành 2 năm, Ủy ban thường vụ Quốc hội mới ban hành Kế hoạch số 900 về việc thực hiện Nghị quyết. Trong khi đó, phần lớn cấp ủy Đảng các Bộ, ngành đều không ban hành Chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 48 và Kế hoạch 900.
Ở các địa phương, yêu cầu triển khai Nghị quyết 48 chủ yếu tập trung vào công tác tổ chức thi hành pháp luật như phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường các thiết chế thi hành pháp luật…
Trên thực tế, chỉ có một số ít tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 48.
Sự nhận thức đúng đắn về Nghị quyết 48 để triển khai có trọng tâm, trọng điểm Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đang là vấn đề đặt ra đối với cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Hồng Thúy
“Thông qua việc thực hiện Nghị quyết 48, nhiều chủ trương lớn đã được triển khai trên thực tế và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội. Chẳng hạn, việc đơn giản hóa các hình thức văn bản pháp luật, giảm thiểu đáng kể tình trạng Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh, các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… đã mang lại những chuyển biến sâu sắc trong phát triển kinh tế, xã hội những năm qua. Bên cạnh đó, chủ trương cải cách hành chính, cải cách tư pháp đã bước đầu mang lại diện mạo mới của Bộ máy nhà nước theo hướng năng động, hiệu lực, hiệu quả hơn. Chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục, bổ trợ tư pháp…đã tạo ra nhiều dịch vụ có chất lượng, mang lại những lợi ích to lớn cho người dân”. (Trích Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về sơ kết thực hiện Nghị quyết 48) |