Đồng chủ trì Hội nghị với Thủ tướng có Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Trung ương Đảng - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương; Lãnh đạo 13 tỉnh vùng ĐBSCL; Lãnh đạo TP.HCM… Các đại sứ nước ngoài, các Tổ chức Quốc tế cùng đông đảo các nhà khoa học em hiểu về ĐBSCL. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có: Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Lê Công Thành cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Hội nghị thu hút 1.200 đại biểu đến từ các Bộ, Ban, Ngành, các Tổ chức Quốc tế, các Sở, Ngành của TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL.
Với quy mô tổ chức trong 2 ngày (17 và 18/6) Hội nghị là diễn đàn có quy mô lớn về phát triển ĐBSCL. Hội nghị lần này được tổ chức nhằm đánh giá kết quả đạt được sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, triển khai Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Đồng thời, xác định các vấn đề đang tồn tại, hạn chế; xác định nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm, trong điểm có quy mô vùng, có tính lan tỏa và bảo đảm tính bền vững cũng như giải pháp có tính hệ thống và nguồn lực thực hiện trong thời gian tiếp theo mang tính khả thi và hiệu quả cao.
Đây được xem là diễn đàn có quy mô lớn về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tập trung bàn về 3 vấn đề trọng tâm. Đó là đánh giá thẳng thắn những việc đã làm được, chưa làm được và những khó khăn, vướng mắc; xác định được các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân.
Hội nghị lần này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với sự phát triển của vùng đồng bằng chiếm 20% dân số cả nước, đóng góp 18% cho GDP quốc gia nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Cách đây 2 năm, tại Hội nghị được tổ chức lần đầu ở TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trước đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp rằng “ít nhất 2 năm một lần Chính phủ sẽ mở diễn đàn ĐBSCL có quy mô lớn để bàn và thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển ĐBSCL, chứ không phải chúng ta đưa ra một số chủ trương, không kiểm tra, không giải quyết, không bố trí nguồn lực, không chỉ đạo thực hiện, không có cán bộ làm việc thì như người ta nói “nước đổ lá môn”, chảy tuồn tuột hết. Hằng năm phải kiểm điểm vấn đề chúng ta đã nói hiện nay xem đã làm đến đâu, sẽ làm đến đâu và phải làm gì để phát triển ĐBSCL ứng phó BĐKH và phát triển bền vững”.
Từ đó đến nay, tại nhiều hội nghị, diễn đàn, cuộc làm việc và các hoạt động khác, Thủ tướng luôn quan tâm, nhắc nhở việc tập trung thực hiện Nghị quyết 120 cũng như cần đánh giá xem việc thực hiện Nghị quyết này đến đâu.
Trong 2 năm qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, như phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2018-2020 để đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn cho 8 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.
Ngày 13/4/2019, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 417/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu đã hỗ trợ vùng ĐBSCL 28 dự án (8 dự án liên quan đến xây dựng đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu, 20 dự án liên quan đến trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển).
Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh hỗ trợ 20 dự án với số kinh phí 3.700 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn trung hạn.
Các địa phương trong vùng triển khai các dự án đầu tư hạ tầng như nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến Bạc Liêu.
Tỉnh Sóc Trăng với tổng kinh phí 152 tỷ đồng xây dựng hệ thống cống ngăn mặn và kênh trục thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt tại các địa bàn xung yếu. Tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng hơn 1.300 công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi…
Tại hội nghị cách đây 2 năm, Thủ tướng đã nêu rõ quan điểm: Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.
Sau hội nghị đó, Nghị quyết 120, được xem như nghị quyết “thuận thiên”, ra đời nhằm tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL, tạo thế và lực để ĐBSCL phát triển bền vững thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị hôm nay, các đại biểu sẽ nghe các phát biểu, tham luận của các bộ, ngành, một số đối tác phát triển, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL; đại diện các nhà khoa học, doanh nghiệp đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 120, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Chuyên đề 02: “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, một số địa phương và các đối tác phát triển.
Chuyên đề 03: “Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương, các đối tác phát triển.
Chuyên đề 04: “Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, các Bộ khác, một số địa phương, các đối tác phát triển.