Mới chỉ 2/10 gói thầu đưa vào sử dụng
Dự án chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế có 10 gói thầu xây lắp tổng mức đầu tư 1.617 tỷ đồng, thực hiện từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); chủ đầu tư Sở KH&ĐT. Dự án được đánh giá có ý nghĩa quan trọng với hạ tầng đô thị khu vực trung tâm TP Huế. Đến nay, nhiều gói thầu đang “ì ạch” dù chủ đầu tư đã nhiều lần đốc thúc, cảnh báo nhà thầu chậm tiến độ.
Ông Lê Thành Bắc, Phó GĐ BQL dự án SDCP II Thừa Thiên Huế cho biết, hiện mới chỉ 2 gói thầu hoàn thành, 8 gói còn lại đang triển khai với 54 hạng mục công trình. Đến nay chỉ 4 công trình có được mặt bằng sạch để thi công; 19 công trình không phải GPMB, các hạng mục công trình còn lại đều vừa thi công, vừa “chờ” mặt bằng.
Đơn cử như gói thầu số 24 (ký hiệu HU-CW03) thi công hạng mục hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành; nạo vét và kè hồ kinh thành; chỉnh trang xây dựng kè dọc bờ sông Đông Ba; do Cty CP Xây dựng & Thương mại 299 thực hiện với giá trị hơn 224 tỷ đồng. Đến nay, tiến độ thi công gói thầu gần 88 tỷ, khoảng 39% giá trị hợp đồng. Gói thầu này được khởi công tháng 4/2021, dự kiến hoàn thành tháng 4/2024, nhưng đến nay tại 16 tuyến đường nội thành Huế chưa có tuyến nào hoàn thành công tác GPMB, nên đơn vị thi công chỉ thi công trên phạm vi đường hiện trạng.
Tình trạng này ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Một người dân sống tại đường Nhật Lệ (phường Thuận Lộc) cho biết: “Có một đoạn đường mà bên thi công đào lên đào xuống từ năm này qua năm khác, lắp xong cống rồi bỏ ngang, thi công cầm chừng. Nắng lên bụi bay mù mịt, mưa xuống lầy lội dơ dáy”.
Tại gói thầu 27 (ký hiệu HU-CW06) đường Bùi Thị Xuân và đường Huyền Trân Công Chúa do liên danh Cty CP Thành Đạt và Cty Xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công; giá trị 89 tỷ đồng; khởi công tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành tháng 8/2023. Nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được 5,7 tỷ đồng, đạt 6,5% giá trị xây lắp. Đoạn từ Bùi Thị Xuân đến đường Lê Ngô Cát còn 83 hộ chưa chi trả GPMB.
Các hạng mục kè, cầu bắc qua sông Như Ý cũng đang vướng mắc khiến các hạng mục công trình chỉ thi công nhỏ giọt. Tại gói thầu 28 (ký hiệu HU-CW07) nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ; đường 100m nối khu đô thị mới A và B An Vân Dương (cầu qua sông Như Ý), khởi công tháng 7/2021, dự kiến hoàn thành tháng 1/2024, tổng mức đầu tư gần 110 tỷ, do Cty CP 479 Hòa Bình thi công, nhưng đến nay chỉ thực hiện được 34 tỷ đồng, chiếm 31% giá trị xây lắp.
Theo BQL dự án SDCP II, tiến độ GPMB chưa đáp ứng kịp tiến độ thi công công trình, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch giải ngân vốn được giao trong năm 2022. Ngoài ra, năm 2022, việc giá nguyên nhiên vật liệu tăng đột biến, các nhà cung cấp vật liệu trong tỉnh chỉ cung cấp vật liệu sau khi được trả tiền và việc khan hiếm nguyên vật liệu cũng ảnh hưởng tiến độ dự án.
31/54 công trình vướng mặt bằng
Tại cuộc họp với các nhà thầu, đơn vị GPMB và các bên liên quan mới đây do Sở KH&ĐT tổ chức, một số nhà thầu cho rằng, không có mặt bằng sạch là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ các gói thầu. Hiện dự án đang triển khai 54 hạng mục công trình xây dựng trên địa bàn Huế, nhưng có 31 hạng mục đang vướng mặt bằng. Như gói thầu nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ, đơn vị thi công đã hoàn thành 7/8 trụ cầu dưới nước trong năm 2022; nhưng phải tạm dừng thi công, di chuyển thiết bị máy móc ra khỏi công trường do một số hộ dân tại đây chưa thống nhất phương án GPMB, liên quan nguồn gốc sử dụng đất.
Có 8/10 gói thầu thuộc dự án đang chậm tiến độ. |
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, có 2.811 hộ, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án; trong đó Huế đã phê duyệt hỗ trợ GPMB cho 1.136 hộ, tổ chức; đã chi trả cho hơn 1.000 hộ; còn lại chưa phê duyệt 1.607 hộ, tổ chức. Việc chậm hoàn thiện các khu tái định cư để bàn giao đất cho người dân di dời đến nơi ở mới cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ bàn giao mặt bằng sạch. Trung tâm cam kết đến cuối tháng 4/2023 sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công ở 16 tuyến đường khu vực nội thành.
Theo Phó GĐ Sở KH&ĐT, ông Phan Quốc Sơn, hiện một số gói thầu của dự án đang thi công rất chậm. Ngoài những nguyên nhân như GPMB, có điều chỉnh so với thiết kế ban đầu, còn có yếu tố năng lực thi công hạn chế của một số nhà thầu. Thời gian tới, các nhà thầu cần tăng cường máy móc thiết bị, nhân công để tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ tại những vị trí có mặt bằng sạch. “Đây là dự án sử dụng nguồn vốn ODA, có hiệu lực trong thời gian nhất định, các bên cần nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành dự án”, ông Sơn nói.
Trước đó, tại buổi kiểm tra về tiến độ các gói thầu thuộc dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hoàng Hải Minh đánh giá, dự án vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi công; Huế phải làm tốt hơn nữa công tác GPMB, cam kết chậm nhất đến 30/4 phải hoàn tất công tác giao mặt bằng cho các gói thầu triển khai thi công, khớp nối đồng bộ với các dự án chỉnh trang đô thị, GPMB liên quan kinh thành Huế nhằm hoàn thiện hạ tầng - cảnh quan cho khu vực nội thành.