Thủ tướng: Ngành tài nguyên và môi trường cần đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành tài nguyên và môi trường cần đặc biệt coi trọng việc xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên…, xem đây là yếu tố quyết định để phát triển ngành, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đồng thời, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và phân cấp, ủy quyền tối đa.

Thủ tướng: Ngành tài nguyên và môi trường cần đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành tài nguyên và môi trường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng ngày 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2023, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã rất nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, của ngành được nhịp nhàng, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh Bộ có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo. Nhiều kết quả quan trọng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và nhân dân đánh giá cao.

Năm 2024, toàn ngành xác định các khâu đột phá để tăng tốc phát triển là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, minh bạch; tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống quy hoạch đồng bộ để giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội.

Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai (MPLIS), số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và các cơ sở dữ liệu quan trọng, cấp bách tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. Chủ động hội nhập với các xu thế của thời đại, huy động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ quốc tế thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Thủ tướng: Ngành tài nguyên và môi trường cần đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vai trò nòng cốt trong việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi và nhiều hơn dự báo, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức chống chịu có hạn nhưng độ mở lớn, song đến ngày cuối cùng của năm 2023, có thể khẳng định chúng ta đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả năm, trong đó quy mô GDP đạt khoảng 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt khoảng gần 4.300 USD, niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư được tăng cường.

Thủ tướng: Ngành tài nguyên và môi trường cần đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền ảnh 3

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phân tích thêm về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường, Thủ tướng nêu rõ, cùng với con người và truyền thống lịch sử - văn hóa, thì thiên nhiên với các nguồn tài nguyên là một trong những nguồn lực bên trong mang ý nghĩa cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định để phát triển đất nước.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu mà ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung khá toàn diện của cả nước trong năm 2023.

Trước hết, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao, tập thể Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đoàn kết, đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt để triển khai linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tiếp tục được Bộ quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống, như xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của ngành đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Toàn ngành đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật này với đa dạng phương thức lấy ý kiến, với 12 triệu lượt ý kiến góp ý. Cùng với đó, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.

Thủ tướng: Ngành tài nguyên và môi trường cần đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền ảnh 4

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu mà ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ đã chủ động, khẩn trương triển khai lập, trình phê duyệt toàn bộ các quy hoạch cấp quốc gia (8/8 quy hoạch), đây đều là các quy hoạch quan trọng có tính chất khai mở, dẫn dắt, làm nền tảng cho sự phát triển ngành, lĩnh vực. Trong đó, lập Quy hoạch không gian biển quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng nhưng là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được triển khai thực hiện ở nước ta.

Thứ ba, công tác quản lý tài nguyên với nhiều kết quả quan trọng, toàn ngành đã chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, tài nguyên nước, thông tin, số liệu về khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược của đất nước.

Trong đó, toàn ngành đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 6.922 ha. Hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình trọng điểm quốc gia; cơ bản đáp ứng nguồn cung vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án trọng điểm tại khu vực phía bắc và Tây Nguyên, ưu tiên bố trí ngay 9,1 triệu m3 cát đắp phục vụ các dự án cao tốc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngành cũng thực hiện điều tra tài nguyên cát biển, bước đầu đã xác định khu vực có diện tích khoảng 32 km2, với trữ lượng 145 triệu m3 có điều kiện khai thác khả thi để đề xuất chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác.

Thứ tư, việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được cải thiện về hiệu quả, hiệu lực; trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường ngày càng được nâng cao.

Đến nay, sau 2 năm kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành, các địa phương đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản triển khai, với nhiều kết quả tích cực như tỉ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt hơn 92%; cơ bản hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỉ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đạt 95%...

Bộ đã rất tích cực triển khai định hướng của Đảng đối với mục tiêu "xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường" thông qua việc triển khai xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn, phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Thứ năm, việc triển khai các chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu rất tích cực, đạt những kết quả quan trọng, đặc biệt là trong thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, Việt Nam là nước đầu tiên công bố kế hoạch Huy động nguồn lực, đánh dấu một cột mốc quan trọng hướng tới việc thực hiện cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) được thống nhất giữa Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG).

Thứ sáu, kết quả chuyển đổi số xây dựng Chính phủ điện tử. Công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành tài nguyên và môi trường đã được Bộ và các địa phương quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp hạng 3/17 bộ, cơ quan ngang bộ về mức độ chuyển đổi số; 63/63 tỉnh, thành phố đã và đang khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tuyệt đối không chủ quan, say sưa, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Bên cạnh đó, cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, thách thức trong giải quyết những vấn đề phát sinh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu.

Theo đó, công tác xây dựng thể chế, chính sách đã được quan tâm, cố gắng, tuy nhiên, việc tham mưu sửa đổi một số văn bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh còn chưa được kịp thời, chậm so với yêu cầu. Việc triển khai, thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bộc lộ một số vướng mắc. Kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ ở nhiều địa phương còn thấp. Tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên còn phổ biến như đất đai nhiều dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa. Tiềm năng về kinh tế biển chưa được phát huy đầy đủ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi xanh cần tiếp tục được ban hành. Biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến nhanh…

Thủ tướng: Ngành tài nguyên và môi trường cần đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền ảnh 5

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2024 của ngành tài nguyên và môi trường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và phân cấp, ủy quyền tối đa

Cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 mà ngành tài nguyên và môi trường đã xác định, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trước hết, cần quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Coi trọng, làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, đặc biệt là xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên…, xem đây là yếu tố quyết định để phát triển ngành, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, khả thi để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội; bảo vệ môi trường sống, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất; tổ chức triển khai thi hành Luật ngay sau khi được thông qua, cùng với Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đồng thời, tổ chức xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội trong năm 2024; tiếp tục rà soát tháo gỡ các vướng mắc ở các văn bản dưới luật để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng: Ngành tài nguyên và môi trường cần đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền ảnh 6

Thủ tướng tin tưởng rằng ngành tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục phát triển tốt, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cắt giảm tối đa những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; đồng thời phân cấp, ủy quyền tối đa, những gì địa phương có thể làm được, làm tốt thì để địa phương làm. Tuy nhiên, phải bảo đảm phân cấp đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát việc thực thi, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thủ tướng lấy ví dụ, thủ tục phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng hiện nay còn rất rườm rà, 10 ha lúa, 20 ha rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội, cản trở sự phát triển. Thủ tướng cho rằng cần phân cấp cho địa phương quyết định vấn đề này.

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên của đất nước. Tiếp tục tổ chức hiệu quả việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, xử lý, tái chế chất thải, nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Triển khai tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Nghiên cứu thí điểm mô hình tuần hoàn, ít phát thải để tiến tới nhân rộng cho cả nước.

Triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết chính trị với các đối tác về hỗ trợ cho chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển các ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái và triển khai các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Trong đó cần có các dự án, chương trình cụ thể, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ này.

Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục hiện đại hóa, tăng dày mạng lưới khí tượng thủy văn, trạm ra đa, mạng lưới quan trắc, nâng cao chất lượng dự báo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành tài nguyên và môi trường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhau và ý kiến người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thông qua việc tiếp tục xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thủ tướng tin tưởng rằng với truyền thống đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao ở Trung ương cũng như ở địa phương, ngành tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục phát triển tốt, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu Đỗ Thị Lan phát biểu tại phiên họp.

Cân nhắc quy định về thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản

(PLVN) - Theo Đại biểu Quốc hội, quy định về thời hạn khai thác và gia hạn thời hạn khai thác như dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản là chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương và Tổng Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp và chưa phù hợp với quy định về đầu tư.

Đọc thêm

Lãng phí là lực cản sự phát triển của đất nước

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông. (Ảnh: quochoi.vn)
(PLVN) -  Theo các đại biểu Quốc hội, nếu chúng ta chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng công tác tại Trung Quốc: Tiếp tục nâng tầm vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình.
(PLVN) -  Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, hôm nay - 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8, dự Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc đến ngày 8/11 theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường.

Sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam: Tạo điều kiện để sĩ quan phát triển sự nghiệp và ổn định cuộc sống

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tờ trình dự án Luật. (Ảnh: qdnd.vn)
(PLVN) -  Việc sửa đổi Luật Sĩ quan (LSQ) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, đặc biệt là tăng tuổi công tác, góp phần hoàn thiện chế độ chính sách với SQ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện để SQ phát triển sự nghiệp và ổn định cuộc sống.

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)
(PLVN) -   Ngày 4/11, tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội, các Đại biểu đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng thể chế thời gian qua; đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

'Doanh nghiệp cần có hoài bão lớn và khát vọng phát triển'

'Doanh nghiệp cần có hoài bão lớn và khát vọng phát triển'
(PLVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, doanh nghiệp có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành hình mẫu của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu...

Cần các biện pháp mạnh mẽ ứng phó với thiên tai

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Chiều 4/11, tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025…, một số ý kiến đại biểu đề cập đến những hậu quả nặng nề do thiên tai thời gian qua và đề nghị cần có các giải pháp mạnh mẽ để ứng phó.

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng văn bản pháp luật

Quang cảnh phiên họp.
(PLVN) - Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, Đại biểu Quốc hội cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp ý kiến góp ý.

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên: Cần rà soát, đánh giá thêm về tính hiệu quả

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)
(PLVN) -  Tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) vừa qua, một số đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá thêm về chi phí bỏ ra và tính hiệu quả xã hội của việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên để có quy định cho phù hợp.

Để pháp luật là 'điểm tựa' cho phát triển

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua nhiều dự án luật. (Ảnh: Quochoi.vn).
(PLVN) - Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật là hoàn toàn đúng đắn, là “điểm mốc” rất quan trọng, định hướng thay đổi cơ bản công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới; bảo đảm các văn bản luật khi được ban hành vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa giúp khơi thông nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5-8/11 tại Trung Quốc

Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5-8/11 tại Trung Quốc
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.