Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển khi bày tỏ những trăn trở của ngành Thanh tra môi trường trước những biến đổi xấu của môi trường sống.
Tăng gần 35% vụ việc so với năm 2016
Báo cáo kết quả công tác thanh tra TN&MT của Bộ năm 2015 và năm 2016, ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT cho biết, Thanh tra Bộ cùng các đơn vị trực thuộc Bộ đã tiến hành 157 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 2.203 tổ chức gồm 08 cuộc thanh tra hành chính và 149 cuộc thanh tra chuyên ngành. Bộ đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 627 tổ chức với số tiền hơn 72 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách gần 109 tỷ đồng.
Cũng từ năm 2015 đến nay, Bộ đã tiếp nhận 6.100 lượt đơn thư khiếu nại, tố cao với gần 3.000 vụ việc, trong đó 97% số đơn thuộc lĩnh vực đất đai (so với năm 2015, số đơn nhận được trong năm 2016 tăng gần 35%). Tuy nhiên, trong số gần 3.000 vụ việc chỉ có 96 vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ, số còn lại thuộc thẩm quyền của Tòa án và địa phương.
Riêng từ ngày 25/4/2016 (ngày Đường dây nóng của Bộ chính thức hoạt động), Bộ đã nhận được gần 2.300 thông tin phản ánh, trong đó, Thanh tra Bộ tiếp nhận gần 400 thông tin, Tổng cục Quản lý đất đai tiếp nhận gần 1.900 thông tin. Đã xử lý 641 thông tin phản ánh rõ ràng, chủ yếu là thông tin phản ánh việc cấp Giấy chứng nhận khó khăn, chậm và thông tin phản ánh ô nhiễm môi trường. Các địa phương đã có hơn 200 văn bản thông báo kết quả xử lý (109 trường hợp đã xử lý xong, phản ánh đúng là 31 trường hợp, chiếm tỷ lệ 28,4%).
Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển |
Thanh tra vẫn chồng chéo, chưa sát thực tế
Dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng ông Trung cũng thừa nhận một số cuộc thanh tra, kiểm tra chưa triển khai so với thời gian ghi trong kế hoạch được Bộ phê duyệt; một số đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện công tác thanh tra chưa sát thực tế nguồn lực về con người và kinh phí, dẫn đến phải thực hiện việc rà soát điều chỉnh kế hoạch đã được phê duyệt. Ngoài ra, việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra theo chỉ đạo của Bộ thực hiện còn chậm, việc phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ chưa chặt chẽ...
Phân tích rõ hơn về nguyên nhân của những tồn tại trên, theo Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, đó là một số đơn vị còn chưa chủ động triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng thời gian ghi trong kế hoạch được phê duyệt. Kinh phí phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng so với yêu cầu. Một số đơn vị chưa được bố trí kinh phí nên chưa triển khai công tác kiểm tra theo kế hoạch được Bộ chấp thuận. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số địa phương vẫn chưa thực sự quyết liệt, dẫn đến nhiều vụ việc khiếu nại chậm được giải quyết.
Bên cạnh đó phải kể đến chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường đang trong quá trình hoàn thiện, chưa theo kịp quá trình phát triển của thực tiễn. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số người dân và doanh nghiệp chưa cao....“Để khắc phục những tồn tại nêu trên, khi xây dựng kế hoạch thanh tra phải phối hợp với địa phương, các ngành liên quan rà soát, lựa chọn đảm bảo đúng đối tượng thanh tra, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lắp và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của địa phương và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đảm bảo bố trí đủ kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo...”- Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.
“1 người phụ trách 1 tỉnh, sao làm nổi?”
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, sau khi xảy ra sự cố Formosa, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, sau đó Ban Bí thư đã có chỉ đạo yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ kiểm điểm làm rõ. “Tôi là người trực tiếp đấu tranh với Formosa và Formosa đã nhận lỗi, nhưng nói là bộ TN&MT không có trách nhiệm thì không phải”- ông Hiển khẳng định.
Ông Hiển cũng thông tin thêm: “Hiện nay, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra trách nhiệm của các cá nhân có liên quan đến sự cố Formosa cả khoá trước và khoá này, đang kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, đơn vị của Bộ có liên quan. Tôi không biết Uỷ ban Kiểm tra đã làm kết quả đến đâu, qua trao đổi lại là các đơn vị của Bộ có liên quan, còn sai phạm của tổ chức, cá nhân đến đâu thì chưa biết. Tôi nói thế để các bạn chia sẻ, bởi thực thi pháp luật của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện và có nhiều bất cập, đặc biệt trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Toàn ngành Tài nguyên môi trường chỉ có trên 800 cán bộ công chức từ Trung ương tới địa phương là những người chuyên trách làm công tác thanh tra, trong khi Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) có trên 4.000 người. Thanh tra Bộ TN&MT cũng chỉ có đủ 1 người phụ trách 1 tỉnh thôi, trong khi chúng tôi có 8 lĩnh vực thì sao làm nổi?”.